Yên Bái: Không để người dân tiếp tục sống cùng ô nhiễm từ lò đốt rác thải y tế

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/3/2022 | 2:07:44 PM

YênBái - Những ngày qua, phóng viên Báo Yên Bái liên tục nhận được phản ánh của người dân thuộc tổ 4, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái về tình trạng ô nhiễm từ lò đốt rác mới được xây dựng tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái.

Khói đen sì từ lò đốt rác thải y tế (trái) và nhiều lọ thủy tinh vẫn nguyên vẹn sau khi đốt (phải).
Khói đen sì từ lò đốt rác thải y tế (trái) và nhiều lọ thủy tinh vẫn nguyên vẹn sau khi đốt (phải).

"Bao năm qua chúng tôi chịu khổ bởi lò đốt rác cũ; nay có lò mới, tưởng sẽ tốt hơn, nào ngờ khói vẫn đen sì, mùi vẫn khét lẹt” - ông Nguyễn Văn Đ., một người dân sống ở khu vực này cho biết.

"Những ngày mưa ẩm, lặng gió, khói từ lò đốt rác thải y tế mới xây trong Bệnh viện Sản Nhi bay là là rồi cuộn vào nhà dân, chúng tôi chịu không nổi” - một người dân khác phản ánh.

Chị Nguyễn Thanh L. (một người nhà chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần) cho biết: "Khiếp lắm, các anh ạ, thời điểm từ 8 đến 9 giờ sáng là mọi người phải hít khói đen với mùi khét lẹt từ lò đốt rác thải y tế”… 

Tiếp nhận phản ánh của người dân, phóng viên Báo Yên Bái đã có mặt tại hiện trường, chứng kiến ống khói từ lò đốt rác mới được xây dựng tại phía sau Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái đang nhả khói đen sì. Thời điểm phóng viên quan sát, thời tiết khá tốt, trời hửng nắng, gió nhẹ nên làn khói đen theo gió bay xa, mùi khét vẫn còn dù không quá trầm trọng. Quan sát thùng rác chứa chất thải rắn (tro, tàn) sau khi đốt, chúng tôi nhận thấy còn khá nhiều chai, lọ thủy tinh. 

Trao đổi với công nhân đang vận hành lò đốt rác, được biết, số chất thải rắn này đã đủ điều kiện thải ra môi trường. Trước thắc mắc của phóng viên: "Tại sao vẫn còn nhiều lọ thủy tinh?” thì người công nhân này trả lời rằng: "Để tan chảy lọ thủy tinh thì phải ủ lò mấy tiếng, làm thế… tốn dầu lắm” (!?)

Để làm rõ hơn vấn đề, sáng ngày 16/3, chúng tôi đã tìm gặp lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái. Bác sỹ Trần Văn Quang  - Giám đốc Bệnh viện cho biết: "Công trình lò đốt rác thải do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư, chúng tôi chỉ là đơn vị tiếp nhận và vận hành. Hiện nay, công trình đang trong giai đoạn thi công, Bệnh viện chưa nhận bàn giao, thời gian này nhà thầu cùng chúng tôi đang tiến hành vận hành thử”. Thông qua báo chí, ông Trần Văn Quang cũng mong muốn công trình phải đạt chất lượng, chất thải, khí thải… đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. 

Tại buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Yên Bái vào chiều ngày 17/3, ông Nguyễn Xuân Sang - Phó trưởng ban cho biết: Dự án thi công công trình xây dựng và mua sắm, lắp đặt thiết bị công trình Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái được triển khai theo Quyết định số 560, ngày 31/3/2021 của UBND tỉnh Yên Bái. Quá trình triển khai Dự án tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành. Công trình do Công ty TNHH Tư vấn xây dựng và kiến trúc đô thị Tây Bắc làm tư vấn khảo sát, thiết kế; Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế, xây dựng Hà Anh là tư vấn giám sát thi công; nhà thầu thi công gói thầu số 3 là Liên danh Việt Nhật Miền Bắc (Công ty TNHH thiết bị y tế và Môi trường Việt Nhật - Công ty cổ phần Xây dựng dân dụng và công nghiệp Miền Bắc). Công trình được khởi công ngày 23/6/2021.

Hạng mục lò đốt rác thải y tế, có tổng mức đầu tư 1.789 triệu đồng, sử dụng nhiên liệu dầu hỏa, công suất 25-30 kg rác/mẻ; thiết bị có xuất xứ Việt Nam, chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật ISO 9001, ISO 14001, ISO 13485; chất lượng khí thải đầu ra đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QGVN 02:2012/BTNMT về lò đốt chất thải y tế do Bộ Tài Nguyên và Môi trường ban hành.

Ông Sang cũng cung cấp cho phóng viên Biên bản lấy mẫu thí nghiệm hiện trường ngày 10/12/2021 và phiếu kết quả quan trắc ngày 29/12/2021, đồng thời khẳng định mọi tiêu chuẩn đểu đảm bảo theo quy định. Ban quản lý Dự án cũng chưa nhận được phản ảnh nào về vấn đề môi trường từ phía Bệnh viện Sản Nhi cũng như người dân! 

Ông Sang khẳng định: Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ yêu cầu nhà thầu tuân thủ mọi quy trình mặc dù công trình đã bàn giao vào ngày 20/3/2022. Tuy nhiên, thời hạn bảo hành là 12 tháng kể từ ngày bàn giao nên nếu phát sinh vấn đề gì, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan, đơn vị xử lý dứt điểm.

Đến đây, hẳn bạn đọc sẽ thấy, quá trình triển khai Dự án tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái đều đúng quy trình và đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là: Việc lựa chọn công nghệ và thiết bị lò đốt ấy có tiên tiến hay không, có thật sự đảm bảo tiêu chuẩn khí thải đầu ra hay không? Quá trình vận hành lò đốt có đúng hay không (đã đảm bảo nhiệt độ trước khi đưa rác vào lò, lượng rác có quá lớn, thời gian đốt, loại rác đốt….) có đúng như khuyến cáo của nhà sản xuất hay không?... Tất cả cần có câu trả lời thỏa đáng để nguồn lực đầu tư của Nhà nước phát huy hiệu quả, để người dân được sống trong môi trường trong lành, bảo vệ sức khỏe.

Lê Phiên

Tags Yên Bái rác thải y tế ô nhiễm Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bệnh viện Sản Nhi

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục