Tiềm năng dược liệu và tri thức y dược cổ truyền ở Văn Yên: “Kho báu” chưa mở cửa - Bài cuối: Cần có chiến lược bảo tồn, khai thác tương xứng tiềm năng

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/6/2022 | 7:11:57 AM

YênBái - Để có chiến lược bảo tồn, khai thác tương xứng với tiềm năng nguồn dược liệu và nguồn lực tri thức y dược cổ truyền (YDCT) tại Văn Yên, trước hết, cần nhìn nhận những bất cập để có thêm cơ sở điều chỉnh giải pháp, chiến lược bảo tồn, khai thác.

Nhóm cùng sở thích trồng cây thuốc nam ở xã Mậu Đông và Đông Cuông thảo luận về chế biến sản phẩm cà gai leo thuộc Dự án “Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam”.
Nhóm cùng sở thích trồng cây thuốc nam ở xã Mậu Đông và Đông Cuông thảo luận về chế biến sản phẩm cà gai leo thuộc Dự án “Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam”.


Tuy nguồn dược liệu tự nhiên ở Văn Yên rất phong phú, dồi dào, nhưng thực tế đã suy giảm rất lớn so với vài chục năm trước. Một số người làm nghề thuốc ở địa phương đều chung nhận định, trước đây, cây thuốc bạt ngàn và phân bố rõ theo khu vực. Chẳng hạn, ven suối là nơi có nhiều loại dược liệu thuộc họ dây leo. Soi bãi có nhiều loại thảo dược thân mềm như: bồ công anh, mật đất, hương nhu, nghệ hoang, ké đầu ngựa… 

Đồi gò hay chân núi có bình độ thấp và trung bình, là nơi nhiều loại dược liệu nhất, với các loài cây thân bụi, dây leo: cam kìa, cam thảo, huyết đằng, giảo cổ lam, lạc tiên, gắm và những cây thuộc họ sa nhân cùng các loại củ dược liệu: hoài sơn, bình vôi, khúc khắc, hà thủ ô, sơn thục, tam thất hoang, ba kích, đảng sâm... 

Tuy nhiên, địa bàn phân bố các loại dược liệu này, giờ đã cơ bản "nhường chỗ” cho cây nông lâm nghiệp. Khai thác dược liệu bừa bãi, khó kiểm soát cũng diễn ra khá gay gắt như việc người nơi khác đến đặt mua giá cao nhiều loại dược liệu, dẫn đến tình trạng khai thác tận diệt. 

Có những cụm dây thuốc tồn tại hàng chục, hàng trăm năm, nhưng người khai thác chỉ lấy được ở phần dưới thấp, còn phần leo lên cao thì bỏ phí. Nhiều loại cây thuốc quý bị khai thác non lúc cây chưa bảo đảm tích tụ cao hàm lượng dược tố hoặc khai thác vào lúc cây chuẩn bị phát tán hạt giống... Bất cập nữa là, đội ngũ ông lang, bà mế chưa được quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, cấp chứng chỉ hành nghề nên chủ yếu hành nghề "trôi nổi”. 

Dẫn đến, nhiều bài thuốc quý khó kiểm chứng được hiệu quả và hạn chế điều kiện phổ biến rộng rãi. Huyện cũng chưa có những điều tra cơ bản để nắm bắt về số người biết thuốc nam, số lượng bài thuốc nam và thực trạng nguồn dược liệu; chưa có cơ chế, chính sách thỏa đáng khuyến khích nhân dân bảo tồn, phát triển nghề thuốc nam... 

Do đó, chưa xác định được cụ thể tiềm năng YDCT nên còn lãng phí các giá trị YDCT trong chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSKND), cơ hội phát triển kinh tế và khả năng thất truyền nhiều bài thuốc quý là rất cao. 

Điển hình trường hợp bà Hoàng Thị Thái ở xã Phong Dụ Thượng - người duy nhất trong xã, trong vùng biết cách kéo xương, bó thuốc nam chữa gãy xương, nhưng bà đột ngột qua đời không truyền lại được bài thuốc này. 

Bà Đặng Thị Thanh, dân tộc Xa Phó ở xã Châu Quế Thượng nổi tiếng với bài thuốc tắm lưu thông khí huyết, phục hồi thể lực cho phụ nữ sau sinh đẻ, nhưng do tuổi cao, nguồn cây thuốc hiếm và xa, nên bà không duy trì được nghề, mà con cái cũng không ai kế thừa bài thuốc ấy…

Với những tồn tại, hạn chế đó, để có một chiến lược bảo tồn, khai thác tương xứng tiềm năng dược liệu và nguồn lực tri thức YDCT, Văn Yên cần xác định, đây là trách nhiệm lớn lao trước kho tàng YDCT vô giá của cộng đồng các dân tộc trong huyện. 

Đặc biệt, huyện đang quản lý một thảm thực vật rừng rất lớn; trong đó, khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu rộng khoảng 17.000 ha thuộc địa bàn 4 xã: Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng - nơi chứa đựng hàng nghìn loài dược liệu, nên lại càng cần thiết phải có một chiến lược khai thác, phát triển YDCT thực sự khoa học, bài bản và hiệu quả. 


Lương y Đỗ Đức Tĩnh giới thiệu các sản phẩm tinh dầu của Công ty cổ phần Nam dược Đại Phú An. 

Tại nhiều hội thảo trung ương về bảo tồn, phát triển YDCT, nhiều chuyên gia khẳng định, Việt Nam có đủ điều kiện phát triển công nghiệp dược liệu và nền YDCT phục vụ CSSKND, khách du lịch. 

Nhiều năm trước, Việt Nam đã thống kê được trên 5.000 loại thực phẩm chức năng lưu hành trong nước và phần lớn là của nước ngoài với giá đắt đỏ. Trong khi đó, đa số các thực phẩm chức năng này được chế biến từ dược liệu ở khu vực Đông Nam Á và dựa vào tri thức YDCT phương Đông tạo thành các dạng: viên nén, viên nang, bột, dung dịch, túi nhúng, cao… thay cho việc sử dụng "cồng kềnh” đun nấu, ngâm tẩm... phức tạp theo lối truyền thống. 

Tâm lý của người đi du lịch luôn muốn thỏa mãn các yếu tố: khám phá, trải nghiệm và CSSK. Ai từng đi du lịch Trung Quốc, Thái Lan sẽ thấy họ khai thác rất tốt việc thỏa mãn nhu cầu CSSK của du khách, nên hầu hết các tour đều có công đoạn dẫn khách đến trung tâm mua bán thuốc, nhất là thảo dược. 

Còn ở Việt Nam, yếu tố này hầu như vẫn còn nhiều khoảng trống. Hiện tại, Văn Yên đặt ra 4 nội dung trọng tâm phát triển du lịch; trong đó, có phát triển du lịch gắn với CSSK. Như vậy, có thể thấy, huyện đã xác định rõ tiềm năng, cơ hội lớn để phát triển loại hình du lịch này. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, trước hết, huyện cần khắc phục tốt những vấn đề tồn tại, bất cập nêu trên. 

Đồng thời, cần có giải pháp thiết thực giúp người dân, nhất là các ông lang, bà mế đạt được việc hợp chuẩn các quy định của Nhà nước về chuyên môn khi hành nghề YDCT; giúp họ tiếp cận các chính sách của Nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu các bài thuốc và có giải pháp khuyến khích những người làm thuốc nam có những bài thuốc hay, cây thuốc quý cùng những kinh nghiệm được tích lũy trong phòng bệnh, chữa bệnh bằng YDCT. 

Kiến nghị, đề xuất với cơ quan chuyên môn về y dược, quản lý, bảo vệ rừng... ban hành các chính sách ưu đãi, bảo trợ nuôi trồng dược liệu, sản xuất thuốc YDCT cũng như khai thác dược liệu tự nhiên hợp lý để bảo đảm lưu giữ, tái sinh, phát triển nguồn gen dược liệu, đặc biệt là ở những nơi thuộc vùng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. 

Chủ động hỗ trợ chuyên môn, cơ chế, chính sách phù hợp để những người hành nghề thuốc nam có cơ hội hợp tác cung ứng sản phẩm thuốc nam, dược liệu vào các cơ sở y tế, cơ sở chế biến, kinh doanh nam dược, địa điểm kinh doanh du lịch trong, ngoài tỉnh theo hình thức liên kết chuỗi giá trị và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử... 

Đặc biệt, thời gian tới, sau khi hoàn thành hai tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc địa phận huyện Văn Yên đi đến các địa phương phía Tây của tỉnh và một số địa phương của tỉnh Sơn La, Lai Châu sẽ thu hút rất đông lượng người qua lại, nhất là khách du lịch. 

Nếu tại đầu nút hai tuyến đường này trước khi nối vào cao tốc được xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá tiềm năng kinh tế - xã hội hoặc tiêu thụ các sản phẩm đặc hữu của huyện Văn Yên, cũng nên ưu tiên cho quảng bá, tiêu thụ sản phẩm YDCT với sự hiện diện của các ông lang, bà mế. 

Cùng đó, căn cứ vào quy định của Nhà nước, huyện cần cụ thể hóa thành các chính sách ưu đãi, khuyến khích những tập thể, cá nhân đầu tư nghiên cứu kế thừa ứng dụng YDCT và y học hiện đại trong CSSKND; đẩy mạnh xã hội hóa, các nguồn lực bảo tồn và phát triển YDCT; khuyến khích việc tổ chức khám chữa bệnh, sản xuất, sử dụng YDCT vào việc CSSKND. 

Đồng thời, phối hợp đề xuất với tỉnh xây dựng chiến lược hướng đến phát huy lợi thế đầu mối giao thông kết nối với 4 huyện, thị phía Tây, các huyện: Lục Yên, Yên Bình của tỉnh Yên Bái và các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu… để đón bắt cơ hội mở rộng hợp tác trong nước, quốc tế, biến Văn Yên thành trung tâm sản xuất, chế biến, cung ứng các sản phẩm YDCT quy mô lớn, uy tín ở vùng Tây Bắc - nơi có trữ lượng lớn nhiều loại dược liệu: quế, sa nhân, thảo quả, sơn tra, màng tang, long não, giảo cổ lam, mật ong rừng cùng hàng nghìn loài thảo dược tự nhiên khác và cũng có thể trồng được nhiều loài dược liệu, kể cả các loại sâm quý, đáp ứng thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu sản phẩm YDCT, góp phần tăng thu ngân sách địa phương, nâng cao thu nhập của nhân dân.

Hoàng Nhâm - Thanh Ba

Tags dược liệu tri thức y dược cổ truyền Văn Yên sơn thục tam thất hoang ba kích đảng sâm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục