9X đưa công nghệ 4.0 lên nương chè Kiến Thuận - Bài 2: “Cuộc chiến” tư duy của hai thế hệ

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/8/2022 | 7:50:50 AM

YênBái - Ban đầu, chẳng riêng Giám đốc Đỗ Văn Lừng mà các thành viên Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (viết tắt là HTX Kiến Thuận), xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn và người lao động nhà máy đều không đồng tình với những ý tưởng “trên trời” của Đỗ Tuấn Lương khi cậu thuyết phục mọi người thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh bằng công nghệ 4.0. Một số còn bảo: “Đúng là trẻ con, có mà kinh nghiệm chơi chứ làm ăn gì…”.

Bí thư Đảng ủy khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Đỗ Quang Minh (bên phải) thăm dây chuyền sản xuất chè của Hợp tác xã Kiến Thuận - mô hình Hợp tác xã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 của Liên minh Hợp tác xã tỉnh.
Bí thư Đảng ủy khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Đỗ Quang Minh (bên phải) thăm dây chuyền sản xuất chè của Hợp tác xã Kiến Thuận - mô hình Hợp tác xã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 của Liên minh Hợp tác xã tỉnh.


Quả thật, ở cái xã Bình Thuận xa hút của Văn Chấn, giao thông vô cùng khó khăn, chở được bao chè ra bán đã là chuyện khó, nói gì đến container vào bốc hàng, lại còn sàn thương mại, rồi bán hàng trực tuyến, sổ ghi nhật ký chăm sóc chè… Song, khi thấy Lương bắt tay vào làm cho hiệu quả cao, tư duy của mọi người dần thay đổi, từ chỗ làm thử đến làm thật và làm theo…

Tất cả bắt đầu từ chuyến về thăm nhà của Lương với ý định nghỉ ngơi và giúp bố mẹ công việc sổ sách. Thấy cách làm của HTX trong thời buổi dịch bệnh bùng phát, kinh tế thế giới và trong nước ngày càng khó khăn, "nếu bố mẹ vẫn cứ kinh doanh thế này sẽ không hiệu quả mà còn có thể dẫn đến phá sản” - Lương tâm sự.

- Vậy là cháu quyết định ở nhà giúp bố mẹ và HTX phải không? - tôi hỏi.

- Cháu nghĩ, làm ở Hà Nội, nếu giỏi lên Tổng Giám đốc thì thu nhập cũng đến vài trăm triệu đồng là cùng. Nghĩ đến những người dân quê mình đầu tắt mặt tối bám đất, bám chè vẫn nghèo khó, nghĩ tới đời sống người lao động và HTX của bố nên cháu quyết định ở lại Bình Thuận giúp bà con, không về thủ đô nữa.

-  Bố mẹ cháu chắc vui lắm?

- Lúc đầu, cháu bàn với bố áp dụng phương pháp kinh doanh với vai trò của thương mại điện tử trong sản xuất và mở rộng đầu ra cho HTX; xây dựng trang bán hàng trực tuyến trong nước; thiết kế gian hàng trên trang thương mại điện tử Alibaba… bố chưa hiểu nên không đồng ý.

-  Đó có phải là sàn giao dịch mà cháu đã làm giảng viên?

-  Vâng! Cháu đã cộng tác làm việc và tham gia giảng dạy ở Sàn giao dịch điện tử Alibaba từ cuối năm 2019.

Thì ra, sau nhiều lần bàn bạc, tranh luận, thậm chí có hôm hai bố con cãi nhau kịch liệt tới sáng để rồi lại ôm nhau khóc bởi con trai theo công nghệ mới, còn người bố chưa muốn thay đổi vì "HTX vẫn đang kinh doanh được”. 

Cuối cùng, hai bố con đã tìm được tiếng nói chung và đi đến quyết định Lương sẽ làm Phó Giám đốc, chịu trách nhiệm quản lý sản xuất đầu vào, kho bãi, sản phẩm, đối tác trong và ngoài nước, còn ông Lừng phụ trách mảng đối nội và địa phương. 

Phó Giám đốc trẻ bắt tay ngay vào nhiệm vụ. Cậu dùng sàn giao dịch thương mại điện tử kết nối làm ăn với các đối tác, áp dụng vốn kiến thức quản trị kinh doanh đã học từ nước bạn vào thực hành ngay trên mảnh đất quê mình. Các đơn hàng từ nước ngoài lần lượt được cậu ký hợp đồng, tiêu biểu như năm 2021 là hợp đồng 1,5 triệu USD, xuất hơn 1.000 tấn chè xanh, đen cho Tập đoàn Vaam của Hà Lan. Từ đầu năm đến nay, tuy mới chào hàng nhưng cậu chủ trẻ của Kiến Thuận đã quen 15 - 20 đối tác của Hà Nội, Sài Gòn và 10 đối tác nước ngoài. 


Đỗ Tuấn Lương (đeo kính) giới thiệu sản phẩm chè xuất khẩu của HTX với Bí thư Đảng ủy khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh.  

Lương tâm sự: "Đối tác nước ngoài họ đặc biệt chú ý tới chất lượng sản phẩm chứ không chỉ mẫu mã, hình thức”. 

Từ khi giúp Giám đốc Lừng quản lý, chàng trai 9X thư sinh ấy đã cùng Kiến Thuận xuất khẩu hơn 1.500 tấn chè xanh, đen ra thị trường ngoài nước. Riêng 6 tháng năm 2022, xuất được hơn 400 tấn. Còn trong nước, sản xuất được bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. 

Khỏi phải nói nỗi vui mừng của những nông hộ liên kết trong vùng nguyên liệu trên 300 ha luôn được nhà máy thu mua chè tươi cao hơn thị trường từ 300 - 500 đồng/kg mà cả những người trồng chè vùng lân cận huyện Văn Chấn cũng được Kiến Thuận thu mua giá cả ổn định, thanh toán sòng phẳng với số lượng 6.000 tấn chè búp tươi/năm. Nhờ đó, số thành viên tăng từ 30 - 70 người và gần 100 lao động, riêng vốn điều lệ của HTX tăng từ 800 triệu đồng lên 3,9 tỷ đồng. 

Theo Đỗ Tuấn Lương, để đạt chất lượng xuất khẩu với các đối tác nước ngoài như Unilever Việt Nam, yêu cầu chất lượng sản phẩm vô cùng khắt khe. Cụ thể, vùng nguyên liệu phải cách ly với các yếu tố gây ô nhiễm, quy trình chăm sóc phải đạt chuẩn GlobalGAP. Do đó, cậu đã họp Hội đồng Quản trị xây dựng bản đồ địa giới, đánh dấu vị trí cụ thể từng hộ thành viên để quản lý. 

Cùng với những yêu cầu nghiêm ngặt trong việc ghi nhật ký chăm sóc chè, Lương còn thành lập những tổ cơ động kiểm tra và kiểm soát hoạt động của các hộ thành viên, có báo cáo thường xuyên với mức thưởng từ 0 - 200 đồng/kg sản phẩm, mức phạt là sẽ loại ra khỏi hợp đồng. 

Câu chuyện "giữ chân” và "liên kết” thông qua sổ nhật ký nông hộ này được giao cho nữ cán bộ nông nghiệp Hoàng Thị Hồng Xiêm trực tiếp kiểm tra. 

Chị Xiêm cho biết: "Với cách quản lý này, đến nay, công tác an toàn vệ sinh lao động và đảm bảo vệ sinh môi trường là hai trong số những tiêu chuẩn được người lao động thực hiện nghiêm ngặt trong sản xuất chế biến chè của HTX. Ngoài ra, còn có chuyên gia Công ty Unilever Việt Nam đến kiểm tra, lấy mẫu thử hàng năm nên chất lượng chè của Kiến Thuận luôn bảo đảm đúng quy chuẩn quốc tế”. 

Quả thật, để thay đổi ý thức và nhận thức của người lao động về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường đảm bảo trước khi vào dây chuyền sản xuất không dễ chút nào. Điều đó càng khó hơn khi người thực hiện lại là cậu thanh niên mặt búng ra sữa. 

Tuấn Lương chia sẻ: "Môi trường chung và môi trường vùng nguyên liệu là vấn đề cháu quan tâm đầu tiên vì người dân không nắm rõ kiến thức khoa học kỹ thuật nên ví dụ hôm nay phun thuốc mà thấy sâu không chết là ngày mai họ sẵn sàng tìm mua loại thuốc khác phun tiếp. Như vậy, vừa không đảm bảo an toàn lao động vừa mất vệ sinh môi trường”. 


Một trong hai chiếc máy tách màu được HTX đầu tư 3,1 tỷ đồng phục vụ sản xuất chế biến chè. 

Để người dân nghe và làm theo khi vận động họ lên nương chè thu gom rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật và phân loại rác, Lương phải trực tiếp đến từng gia đình hướng dẫn, rồi phát tiền khi họ thu gom rác thải từ vùng nguyên liệu về. Dần dần, khi thói quen được hình thành thì "vùng nguyên liệu sạch từ gốc” ấy cũng giúp Kiến Thuận chinh phục thêm nhiều khách hàng khó tính. 

Hiện tại, ngoài việc cùng Giám đốc Đỗ Văn Lừng sáng chế ra dây chuyền máy lên men hiệu quả, tiết kiệm trong sản xuất, Đỗ Tuấn Lương đang triển khai kế hoạch xây dựng lò xử lý rác thải cho người dân vùng nguyên liệu, giúp đảm bảo vệ sinh môi trường và tạo nguồn chất đốt cho nhà máy.

Nếu dịch bệnh Covid-19 đem khó khăn cho toàn thế giới thì Đỗ Tuấn Lương lại coi đó là thử thách phải chinh phục, là thời cơ phải chớp lấy và cậu đã thành công nhờ ý chí, tinh thần và tư duy nhạy bén của tuổi trẻ dám đương đầu, dám xông pha. Bởi, sản phẩm chất lượng sạch, an toàn cho người tiêu dùng và tăng thu nhập cho người lao động luôn được cậu chủ trẻ của Kiến Thuận coi là mục tiêu phấn đấu. 

Hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh giúp HTX Kiến Thuận có những đóng góp thiết thực và trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Văn Chấn, được Liên minh HTX Việt Nam tặng Bằng khen năm 2020 và UBND tỉnh tặng Bằng khen tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) năm 2021. 

Đây cũng là mô hình được Liên minh HTX tỉnh lựa chọn xây dựng điển hình tiên tiến trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021- 2025. Tới thăm và trực tiếp kiểm tra hiệu quả của mô hình, Bí thư Đảng ủy khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Đỗ Quang Minh khẳng định: "Trong mô hình tập thể của HTX có nhiều tấm gương học và làm theo Bác rất đáng khen và tấm gương của đảng viên trẻ Đỗ Tuấn Lương mang tri thức khoa học về cống hiến cho quê hương chính là điển hình ấy”.

Từ thực tế kinh doanh chè của HTX Kiến Thuận và hành trình thay đổi tư duy số cho cả vùng chè của 9X Đỗ Tuấn Lương cho thấy, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thương mại điện tử chính là giải pháp hiệu quả, chất lượng và bền vững với các HTX. 

Qua đó, HTX có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, mở rộng cơ hội hợp tác và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Với vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP, với năng lực, trình độ về số hóa, công nghệ thông tin khoa học và bài bản, chắc chắn, Đỗ Tuấn Lương sẽ đưa hương chè Kiến Thuận bay cao, bay xa hơn, góp phần quảng bá thương hiệu chè Văn Chấn nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung với các đối tác lớn trong nước và quốc tế. 

Thanh Hương

Tags Yên Bái công nghệ 4.0 Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp sản xuất kinh doanh thương mại điện tử vệ sinh thực phẩm vệ sinh môi trường VietGAP số hóa công nghệ thông tin

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục