Nhìn từ vườn quế giống ở Báo Đáp

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/10/2022 | 2:10:09 PM

YênBái - Thấp thỏm có lẽ là tâm trạng lúc này của rất nhiều nông hộ ở vùng quê Báo Đáp, huyện Trấn Yên. Không lo âu sao được khi trồng rừng vụ thu đã đến từ lâu vậy mà khách đến mua quế giống rất ít, những thôn xa mặt đường Yên Bái - Khe Sang nhiều ngày qua chưa có khách đến xem hoặc hỏi mua quế giống.

Vườn quế giống của gia đình bà Tiến - Hiền ở thôn 2 đã đến kỳ xuất bán nhưng chưa có người mua.
Vườn quế giống của gia đình bà Tiến - Hiền ở thôn 2 đã đến kỳ xuất bán nhưng chưa có người mua.

Ông Hưng - Hòa ở thôn 1, xã Báo Đáp - người lâu năm làm nghề ươm quế giống thủng thẳng: "Không chăm sóc thì không được, chăm sóc vào, cây quế sẽ lớn quá cỡ, chẳng ai mua nữa. Vườn nhà tôi rộng 1 mẫu, số lượng hơn 100 vạn bầu chứ đâu có ít”.

Trở lại xã Báo Đáp - nơi được ví như thủ phủ của nghề ươm quế giống, đi từ cầu Móc Tôm lên tới lối rẽ Tân Đồng, đâu đâu cũng thấy những vườn quế mơn mởn xanh tươi. Khác hẳn với những mùa vụ trước, khi mà thị trường tiêu thụ thực sự sôi động, nhu cầu mở rộng diện tích quế còn cao, bất kể sớm, trưa, chiều, tối, thậm chí là nửa đêm, bất kỳ giờ nào cũng thấy cảnh chăm quế, đưa quế vào từng bao nilon, xếp thành đống, bốc lên xe ô tô… 

Năm nay, vườn quế Báo Đáp vắng lặng như tờ. 9 giờ sáng ngày 27/9, cả xã Báo Đáp chỉ có 2 nhà vườn bên đường đang thu hoạch quế giống với số lượng rất nhỏ, khoảng 10% tổng diện tích một khu vườn không quá lớn. 

Tưởng chúng tôi có nhu cầu mua quế giống, một phụ nữ đon đả mời chào nhưng khi biết chúng tôi là nhà báo thì chị tiu nghỉu: "Phần lớn số quế giống của gia đình tôi đã đến kỳ xuất bán, lác đác có những luống đã quá lứa. So với mọi năm, giá quế giống năm nay đã rớt mạnh. Đã vậy, khách đến hỏi mua rất ít các anh ạ!”.

Báo Đáp là vùng quê có trình độ dân trí khá cao. Nông dân Báo Đáp không chỉ tích cực lao động sản xuất, hăng hái ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn sáng tạo, tìm tòi cái mới. Không phải ngẫu nhiên mà Báo Đáp luôn là lá cờ đầu trong thâm canh tăng năng suất lúa, trồng dâu, nuôi tằm, trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Trấn Yên đạt danh hiệu nông thôn mới. 

Báo Đáp không có nhiều rừng đồi như xã bạn Tân Đồng, Kiên Thành, Quy Mông để trồng thật nhiều quế và làm giàu từ nghề trồng quế. Khi giá trị của cây quế mang lại rất lớn và phong trào trồng quế nở rộ, nhà nông Báo Đáp nhạy bén đã chuyển nghề ươm quế giống. 

Bắt đầu từ một vài hộ gia đình làm nhỏ lẻ, số vườn ươm và diện tích vườn ươm ở Báo Đáp cứ thế tăng rất nhanh. Đến nay, toàn xã có trên 300 vườn ươm quế giống với sản lượng xuất bán mỗi năm khoảng trên 1 triệu cây. 

"Không có một loại cây trồng nào mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây quế giống!”. Đó là lời khẳng định của rất nhiều người dân Báo Đáp mà chúng tôi đã từng tiếp xúc. Làm một phép tính đơn giản, 1 sào đất có thể gieo ươm được 1,5 vạn bầu quế, tổng mức đầu tư khoảng 40 triệu đồng. 

Năm vừa qua, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công có tăng lên, tổng chi phí lên tới 50 triệu đồng. Sau 1 năm, số bầu quế xuất bán được khoảng 1 vạn bầu với giá bán khoảng 1.000 đồng, đỉnh điểm 1.200 đồng/bầu, nhà vườn đã có lời từ 50 đến 70 triệu đồng. Đầu ra và giá bán ổn định trong một thời gian dài, nhiều gia đình ở Báo Đáp có 5, 7 sào đến hơn 1 mẫu vườn ươm. 

Vậy là bạc tỷ đã nằm trong tài khoản, chẳng thế mà nhà cửa khang trang, to đẹp cứ mọc lên ở vùng quê Báo Đáp. Người dân Báo Đáp tự hào bởi đã cung cấp quế giống cho tất cả các xã trong huyện, tất cả các huyện trong tỉnh. 

Quế giống Báo Đáp còn tham gia chương trình tái cơ cấu ngành nông - lâm nghiệp, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc ở Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, vượt biên giới sang nước bạn Lào.

Có vẻ như thời hoàng kim của nghề ươm quế giống đã không còn hay nói cách khác, sản xuất, kinh doanh quế giống cũng không thoát được quy luật cung cầu. Chúng ta đều biết, diện tích trồng quế không phải là vô tận, trong khi chu kỳ của một rừng quế tối thiểu từ 12 đến 15 năm (trồng 1 lần nhanh nhất 12 đến 15 năm sau mới trồng lại). 

Sau một thời gian bùng phát phong trào trồng quế, nay diện tích được phủ kín; đặc biệt hơn, những chương trình phát triển cây lâm nghiệp, cây đặc sản… của các địa phương trong và ngoài tỉnh, trong đó có nội dung hỗ trợ người nông dân trồng quế (trang bị kỹ thuật, hỗ trợ giống, vốn, phân bón…) giờ đã hết. 

Một yếu tố không thể không kể đến là suốt một thời gian dài, nông dân phớt lờ khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật, mỗi héc-ta đất trồng 1,5 đến 1,7 vạn cây, hậu quả là quế vươn cao mà không phát triển chiều ngang, đặc biệt là vỏ mỏng, tinh dầu ít, chất lượng thấp, giá bán hạ, chưa kể khi trồng quá dày dẫn đến sâu, bệnh phá hoại nghiêm trọng… 

Cái giá phải trả là không hề rẻ. Rút kinh nghiệm, nhiều hộ gia đình đã làm theo đúng khuyến cáo, mỗi héc-ta trồng từ 5.800 đến 6.500 cây. Những yếu tố kể trên cho thấy, nhu cầu tiêu thụ quế giống đã giảm đi ít nhất một nửa, nhiều địa phương còn tiêu thụ số lượng quế giống bằng 1/10 so với trước. Cầu giảm, cung chưa kịp giảm chắc chắn dẫn đến… dư thừa! 

Chủ tịch UBND xã Báo Đáp Trần Đức Tiến cho biết: "Chúng tôi đã nhận thức được điều này và rất nhiều lần khuyến cáo bà con. Tuy nhiên, vì lợi nhuận cao, chi phí thấp, làm không quá nặng nhọc và ít rủi ro… nên bà con vẫn muốn đầu tư”.

Hiện nay, giá quế giống ở Báo Đáp dao động từ 600 - 700 đồng/cây, mức giá này thấp hơn nhiều so với những năm trước. Không những vậy, việc tiêu thụ diễn ra chậm. Đặc biệt, người mua bắt đầu đòi hỏi chất lượng cây giống cao hơn (cây phải cao từ 50 đến 60 cm, thân mập mạp, đủ lá…).

Các nhà vườn ở Báo Đáp tăng cường quảng bá, tiếp cận với những bạn hàng ở những tỉnh bạn và thương lái xuất khẩu quế giống sang Lào để tiêu thụ sản phẩm làm ra, thực hiện đảo bầu và tiếp tục chăm sóc những cây non để tiếp tục xuất bán vào vụ xuân - thời vụ chính của người nông dân. 

Chia sẻ khó khăn với bà con, lãnh đạo xã Báo Đáp cho biết, sẽ tiếp tục khuyến cáo người dân thu hẹp diện tích vườn ươm, nâng cao chất lượng cây giống, đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện những tiêu chí cho vườn quế giống của mình đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận kinh doanh và nguồn gốc cây giống, tăng cường quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục