Chuyện về người trồng rừng ở Khấu Dê

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/1/2023 | 7:50:38 AM

YênBái - Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp đầu xuân, những cán bộ Ban Quản lý Rừng (BQLR) phòng hộ huyện Trạm Tấu lại tất bật về cơ sở để chuẩn bị công tác trồng rừng.

Lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu kiểm tra cây giống phục vụ công tác trồng rừng vụ xuân năm 2023 của đơn vị.
Lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu kiểm tra cây giống phục vụ công tác trồng rừng vụ xuân năm 2023 của đơn vị.

Theo anh Phạm Thành Đô - Phó Giám đốc BQLR phòng hộ huyện Trạm Tấu về bản Khấu Dê, xã Xà Hồ, tôi khá ấn tượng với người cán bộ này, bởi đến nay, anh là cán bộ của Tổ công tác Huyện ủy phụ trách xã đầu tiên và duy nhất ở huyện Trạm Tấu được Chi bộ thôn Khấu Dê, xã Xà Hồ viết đơn xin giữ lại khi hết thời gian phụ trách. 

Hỏi đồng chí Bí thư Chi bộ Khấu Dê tại sao lại quý nghề và người trồng rừng đến vậy? Anh khoát tay chỉ khoảng trời xanh ngát 200 ha rừng mà nói rằng: "Nếu không có những người dạy dân trồng rừng và bảo vệ rừng thì đồng bào Khấu Dê chắc đã mất đất, mất nguồn nước và chôn vùi trong khói thuốc phiện cùng sự nghèo đói chứ lấy đâu ra rừng đẹp, dân no, biết làm kinh tế từ trồng rừng và được hưởng lợi ích phòng hộ bảo vệ rừng như hôm nay”. 

Người cán bộ Lâm trường Trạm Tấu, nay là BQLR phòng hộ huyện Trạm Tấu Phạm Thành Đô quê gốc ở Thái Bình. Lên với núi rừng Trạm Tấu từ lúc tuổi đôi mươi, từ công nhân ươm trồng những bầu cây giống đến với vị trí ngày hôm nay anh chẳng thể nào rời xa hốc đất bầu cây trên những cánh rừng, để cùng với đồng nghiệp của mình vẽ lên mảng màu xanh tươi sáng cho núi rừng Trạm Tấu hôm nay. 

Cách đây 25 năm, khi anh Phạm Thành Đô lên huyện Trạm Tấu đường xá đi lại rất khó khăn. Ngồi sau chiếc xe "Min khờ” của những người chở gỗ xóc "nội tạng cuốn cả vào nhau” thì anh không nghĩ rằng mình có thể gắn bó với mảnh đất khó khăn này. Nhưng rồi, vì có những người chị gái ruột đã làm công nhân ươm giống cây rừng ở đây động viên, giúp đỡ, anh đã điều chỉnh được tâm trạng, cảm xúc để gắn bó với nghề. Khi anh cảm thấy được niềm hạnh phúc của người dân nhận lợi ích từ rừng và nghĩ đến những cây giống hôm nay sẽ thay thế cây thuốc phiện phủ xanh đất rừng Trạm Tấu là lúc duyên nợ với rừng trong anh cứ lớn dần lên.

Đất rừng Trạm Tấu chưa bao giờ là dễ dàng với những cán bộ miền xuôi, giao thông khó khăn cộng với tập tục lạc hậu luôn là những rào cản với bất kỳ cán bộ nào lên đây nhận công tác, nếu không có nghị lực, sự nhiệt huyết tuổi trẻ và tình yêu với nghề thì rồi trước sau cũng buông bỏ. 

Với những cán bộ trồng rừng thời của anh Đô cũng vậy, họ trèo đèo lội suối cùng dân cõng từng lù cở cây về bản đến trầy da sứt thịt; sức vóc thanh niên mà ngã như ngả rạ trên những cung đường núi của Làng Nhì, Tà Xi Láng đến Xà Hồ, Bản Công. Chưa kể thời bấy giờ lợi nhuận từ trồng cây thuốc phiện và buôn bán lâm sản trái phép đem đến cho dân không hề nhỏ thì việc trồng rừng và bảo vệ các diện tích rừng trồng càng khó khăn gấp bội. 

Nói thế nào để dân hiểu; làm sao để dân tin luôn là bài toán đặt trong đầu cán bộ trồng rừng mà ngay cả khi ngủ đến khi ăn cũng phải tìm lời giải đáp. Chẳng thể làm khác được là chính những công nhân trồng rừng như anh Phạm Thành Đô cùng với các anh, các chị và đồng nghiệp của mình phải ăn rừng, ngủ rừng cùng dân. 

Như anh Đô chia sẻ: "Là để thấy dân thương mình mà trồng mà bảo vệ, chứ lợi ích trước mắt chưa thấy thì dân chả tha thiết gì làm. Đôi khi là trồng xuống rồi đấy mà không chăm sóc, bảo vệ, thả trâu bò vào; hay chỉ một tàn thuốc mùa khô hanh là bao công sức của nhiều thế hệ phút chốc đổ sông đổ biển…”.


Người dân xã Hát Lừu chăm sóc rừng theo Dự án làm giàu rừng do tổ chức GIZ tài trợ. 

Có lẽ đàn ông khóc đã hiếm, đàn ông khi làm việc khóc càng hiếm hơn, nhưng với những cán bộ, công nhân trồng rừng ở Trạm Tấu thì chẳng còn xa lạ. Anh Đô kể, có những năm thời tiết hanh khô, gió lào thổi mạnh, vì sự bất cẩn của người dân mà Trạm Tấu mất hàng trăm héc-ta rừng. Anh em BQLR phòng hộ khi đi xác minh chỉ biết nhìn nhau mà khóc. Bởi, rừng với họ không chỉ giữ đất, giữ nước cho đồng bào mà đó là tâm huyết, là công sức, là cả tuổi trẻ khát khao ấp ủ nuôi trồng. 

Từ hạt giống ươm mầm đến bầu cây đưa vào hốc đất, rồi những năm tháng ngóng trông cây đơm chồi nảy lộc thành tán thành rừng. Đâu phải bỗng nhiên hôm nay Trạm Tấu có một đồi thông Eo Gió đẹp đến nao lòng được ví như Đà Lạt thứ hai ở Tây Bắc; hay một rừng pơ mu Tà Chử, rừng rêu Tà Xùa đắm say du khách, nổi tiếng gần xa, mà đó là chính là thành quả của tuổi trẻ hy sinh không biết mệt của những thế hệ cán bộ trồng rừng ở Trạm Tấu. 

Những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà công tác trồng rừng cũng đã vơi bớt khó khăn. Việc trồng rừng với dân giờ đây là một việc quan trọng. Vì vậy, những ngày đầu xuân mới này, đồng bào Khấu Dê, xã Xà Hồ đã tranh thủ lên rừng làm đất dự để trồng cây đầu xuân lấy may. 

Bí thư Chi bộ bản Khấu Dê Vàng A Sủ chia sẻ: "Việc vận động trồng rừng bây giờ không còn gì trở ngại mà quan trọng là hướng dẫn người dân trồng cây gì và chăm sóc thế nào để có thể có thu nhập từ rừng. Việc này thì năm nào chúng tôi cũng có anh Đô và các anh em BQLR hỗ trợ và giúp đỡ nên bà con phấn khởi lắm”. 

Nhiều thế hệ cán bộ, công nhân Lâm trường Trạm Tấu trước đây - những người đặt nền móng cho những cánh rừng phòng hộ xanh ngút ngàn hôm nay đã về nghỉ chế độ và thế hệ trẻ đang nối tiếp họ như anh Đô, anh Sơn, anh Quang, anh Ước... vẫn miệt mài bám trụ bên những cánh rừng Trạm Tấu. Mùa mưa cùng dân trồng cây gây rừng, mùa nắng hanh gió lào cùng dân bảo vệ rừng và nếu không quen chắc chẳng ai đoán ra được đó là những viên chức nhà nước. 

Bởi, xe họ đi là những chiếc xe Win có thể trèo bản; thời trang là những bộ quần áo chỉ cần ấm về mùa đông, không bị cháy nắng về mùa hè và đôi ủng, đôi giày với chiếc ba lô cùng mấy gói bánh kẹo cho trẻ nhỏ lúc nào cũng buộc sau xe để thích ứng với điều kiện trèo đèo lội suối. Tôi cảm phục và yêu mến gọi họ là nông dân, những người "nông dân đặc biệt” luôn được đồng bào quý mến. 

Hiện nay, toàn huyện Trạm Tấu có 39.279,74 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên phòng hộ, tự nhiên sản xuất trên 29.380 ha; diện tích bảo vệ rừng trồng phòng hộ, rừng trồng sản xuất trên 9.899,62 ha. Năm 2022, toàn huyện trồng mới được 320 ha rừng, nâng độ che phủ lên 61,3%, trong đó có xã Túc Đán trồng nhiều nhất với trên 142 ha và năm 2023 địa phương này tiếp tục trồng với diện tích lớn nhất là 95 ha. 

Ông Vàng A Giàng - Chủ tịch UBND xã Túc Đán chia sẻ: "Túc Đán có diện tích rừng lớn, thực hiện tốt công tác trồng rừng sẽ là "đòn bẩy” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã. Vì vậy, xã đặc biệt quan tâm đến công tác này, không chỉ phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên mà giám sát chặt chẽ việc chi trả tiền khoán bảo vệ rừng cho người dân. Nhờ đó, nhiều năm nay, công tác trồng rừng và bảo vệ rừng trên địa bàn Túc Đán luôn được đánh giá tốt”. 

Năm 2023, theo kế hoạch huyện Trạm Tấu trồng 250 ha rừng, chủ yếu là pơ mu, tô hạp, re hương và thông mã vĩ. Ông Đào Công Trình - Giám đốc BQLR phòng hộ huyện Trạm Tấu cho biết: "Với những nỗ lực tuyên truyền của cán bộ, viên chức trong đơn vị, công tác trồng rừng của đơn vị năm nào cũng đạt kết quả hơn mong đợi. Năm 2023 này, BQLR phòng hộ huyện tiếp tục cử cán bộ về các cơ sở phối hợp giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn kỹ thuật và vận động nhân dân trồng rừng đúng khung thời vụ; phối hợp cùng các ngành liên quan chi trả kịp thời chính sách cho người dân để tạo động lực khích lệ nhân dân tích cực tham gia quản lý bảo vệ rừng.” 

Rời Túc Đán, trên cung đường rợp bóng cây rừng, bất giác tôi nhớ đến bài hát "Một rừng cây một đời người” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết nhường phần ai. Ai cũng một thời trẻ trai...”. Và thời trẻ trai của những viên chức ở BQLR phòng hộ Trạm Tấu đã gửi hết vào những cánh rừng. Họ gắn với niềm tự hào giữ đất, giữ rừng của đồng bào vùng cao Trạm Tấu.

Phương Thùy (Trung tâm TT - VH huyện Trạm Tấu)

Tags Trạm Tấu trồng rừng Khấu Dê

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục