Ngày mới ở vùng cao Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/2/2023 | 8:02:04 AM

YênBái - Năm nay, sau tết tiết trời vùng cao ấm áp, người nông dân miền núi không phải vất vả che chắn mưa tuyết như mọi năm; trâu, bò không cần phải cột chặt trong chuồng tránh rét. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu xuân sớm, đồng bào Trạm Tấu đã be bờ, làm đất gieo mạ khẩn trương sản xuất vụ xuân.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Trạm Tấu xuống đồng sản xuất cùng nhân dân xã Pá Lau.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Trạm Tấu xuống đồng sản xuất cùng nhân dân xã Pá Lau.

Gia đình chị Lò Thị Thu ở thôn Hát 1, xã Hát Lừu đã gieo cấy được 70% diện tích và là một trong những hộ gia đình luôn tiên phong trong các phong trào sản xuất tại địa phương nên năm nào khi thời tiết thuận lợi, chị Thu cũng đổi công với những người trong dòng họ và bà con lối xóm để xuống đồng gieo cấy được sớm nhất. 

Những giống lúa gia đình chị Thu chọn tuân thủ cơ cấu: 70% là giống lúa đặc sản đang thu hút người tiêu dùng như nếp 87, gạo ĐS1, gạo Đài thơm, 30% còn lại nhà chị gieo trồng giống lúa lai cho năng suất cao. 

Chị Thu chia sẻ: "Từ ngày biết bán hàng trên mạng thì mình thấy nông sản Trạm Tấu rất được ưa chuộng, bởi người dân mình sản xuất thực phẩm an toàn, giá thành lại hợp lý, chất lượng thóc, gạo hầu như không bị chê. Nhà mình làm ra không đủ bán. Vì vậy, tết vừa rồi mình bán cho cả họ. Mình vận động người thân tính toán diện tích hợp lý để gieo cấy lúa lai phục vụ chăn nuôi, còn lại trồng lúa đặc sản và nỗ lực học hỏi kinh nghiệm để có năng suất cao, từng bước nâng cao thu nhập”. 

Chị Thu nụ cười rạng rỡ kể cho tôi nghe "chiến lợi phẩm” trong tết Nguyên đán không chỉ bản chị xuất vài chục tấn gạo nếp, mà còn 30 tấn khoai sọ, cả mật ong rừng được gửi về cho khách ngoại tỉnh dưới hình thức ship COD, đem về cho gia đình lợi nhuận bất ngờ, gần bằng cả năm làm nông. Từ thực tế gia đình, chị vận động bà con trong bản mình sản xuất sản phẩm sạch, chất lượng, tạo uy tín cho người tiêu dùng tin tưởng đặt hàng. 


Nhân dân xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu khẩn trương gieo cấy lúa xuân. 

Trên cánh đồng bản Hát, xã Hát Lừu, nhờ có câu chuyện của chị Thu mà có thêm nhiều hơn những tiếng cười ròn rã, nông sản được giá, thóc gạo người dân lên ngôi khiến họ có động lực để sản xuất. Chị Lò Thị Mặc, thôn Hát 1, xã Hát Lừu bộc bạch: "Nông sản làm ra đến đâu bán được đến đó nên chẳng ai ham chơi tết nữa, mọi người, mọi nhà tích cực ra đồng trồng lúa, trồng khoai kiếm tiền thôi”.

Là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Trạm Tấu, người dân xã Hát Lừu từ nhiều năm nay đã luôn chủ động nguồn giống cây trồng mà không chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Từ năm 2019, khi lên nông thôn mới, mọi chế độ dành cho xã đặc biệt khó khăn không còn thì người dân đã chủ động phát huy thế mạnh địa phương trồng trọt, chăn nuôi để có nguồn thu ổn định có thể "lấp khoảng trống” khi các chính sách ưu tiên dừng lại. 

Sự chủ động và nỗ lực đó đã đem lại cho họ cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn. Vụ xuân này xã Hát Lừu gieo cấy 225 ha và là xã có diện tích sản xuất lớn nhất huyện. Nhờ tập trung sản xuất ngay từ những ngày đầu thời vụ nên đến thời điểm này xã đã dẫn đầu trong tiến độ sản xuất vụ xuân của huyện với trên 65% diện tích gieo cấy. 

Ông Lò Văn Tiếp - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu khẳng định: "Với tiến độ được chủ động đẩy nhanh, chắc chắn Hát Lừu sẽ về đích trước khung thời vụ”.

Không chỉ ở Hát Lừu mà ở xã Pá Lau, đồng bào Mông đã dừng mọi hoạt động chơi xuân để bắt tay vào sản xuất. Nhà chị Giàng Thị Ly ở thôn Pá Lau cho biết: "Trước kia, ông bà, bố mẹ cho chơi tết cả tháng, nhưng từ ngày ăn chung một tết thành quen với nếp sống mới, chỉ chơi tết 7 - 10 ngày rồi các nhà xuống ruộng làm đất gieo mạ cho kịp khung thời vụ. Đồng bào trong xã cũng rất phấn khởi khi ngay từ những ngày đầu xuân sớm, năm nào cũng được các đồng chí lãnh đạo huyện đến thăm và tham gia lao động cùng bà con dù chỉ một, hai tiếng đồng hồ ngắn ngủi nhưng bà con được động viên, rất phấn khởi thi đua sản xuất”. 

Chung tâm trạng phấn chấn đầu xuân, đồng bào xã Pá Lau dù có những khó khăn do đặc thù địa hình nhưng tiến độ sản xuất vẫn được đảm bảo. 

Ông Giàng A Lồng - Bí thư Đảng bộ xã Pá Lau cho biết: "Cơ bản cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ xã đã nêu gương tốt trong thực hiện các phong trào thi đua, vì vậy mà Đảng bộ xã đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết giao hàng năm. Năm 2023, xã đã khởi động ngay từ ngày 6 tết và đến thời điểm này tỷ lệ gieo mạ đạt 100%, hoàn thành cày bừa đất ngâm ủ ruộng và nhiều gia đình đã cấy sớm nên chắc chắn sẽ về đích đúng khung thời vụ”.

Năm 2023 được ví như năm tăng tốc trong thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ xã Pá Lau cũng như nhiều địa phương khác của huyện Trạm Tấu đã xây dựng những kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể về thực hiện nghị quyết của đảng các cấp. Trong đó, xây dựng những mục tiêu nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, hàng năm đều tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và điều chỉnh hợp lý để đạt được mục đích nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững của địa phương.

Xã Pá Lau xác định sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, do đó, xã tập trung kiên trì tuyên truyền, vận động nhân dân, đi đôi với phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên từng bước thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích, trọng tâm là tập trung đẩy mạnh phát triển những cây trồng, vật nuôi đặc sản của xã, gắn với xây dựng sản phẩm OCOP, các mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại hộ gia đình, liên kết tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo an ninh lương thực. Vì vậy, cuối năm 2022, xã đã hoàn thành 24/24 chỉ tiêu, tổng sản lượng lương thực trên địa bàn xã đạt 1.296,7 tấn, đạt 101,5% kế hoạch. 

Ông Giàng A Lồng - Bí thư Đảng bộ xã Pá Lau cho biết: "Căn cứ vào các kế hoạch của tỉnh và của huyện, Ban Chấp hành Đảng bộ xã nghiên cứu xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội - an ninh quốc phòng sao cho phù hợp với thực tế, khi thực hiện thường xuyên kiểm tra, giám sát để đôn đốc các chi bộ thôn bản vận động nhân dân tham gia thực hiện. Cán bộ, đảng viên sinh hoạt tại các đoàn thể gương mẫu thực hiện và coi đó là chỉ tiêu thi đua. Vì vậy, chắc chắn chúng tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023”.

Mỗi ban, ngành, đoàn thể nêu cao vai trò trách nhiệm đã giúp Đảng bộ xã Pá Lau đưa nghị quyết của Đảng vào trong cuộc sống của người dân, thực hiện thành công các kế hoạch của tỉnh của huyện trong việc phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đơn giản như cách chia sẻ của chị Giàng Thị Ly thôn Pá Lau: "Chúng tôi thực hiện nghị quyết của Đảng bằng cách thi đua phát triển kinh tế gia đình, mỗi gia đình giàu và hạnh phúc sẽ góp phần xây dựng quê hương đất nước tốt đẹp hơn. Trong mọi việc chúng tôi đều có sự giúp đỡ của Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Tôi rất hài lòng về điều đó”. 

Trạm Tấu đang bước vào vụ lúa xuân mới với diện tích 1.572 ha và quyết tâm đạt mục tiêu thắng lợi trên cả 3 mặt: diện tích, năng suất và sản lượng. Phấn đấu sản xuất đúng khung thời vụ, hy vọng Trạm Tấu có một mùa vàng bội thu. 

Phương Thùy (Trung tâm TT - VH huyện Trạm Tấu)

Tags Yên Bái Trạm Tấu vùng cao đặc sản lúa lai khoai sọ hạnh phúc sản phẩm OCOP năng suất sản lượng

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục