Lời thề trước Đảng năm ấy

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/2/2023 | 7:55:13 AM

YênBái - Vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với các đảng viên cao tuổi tiêu biểu ở thành phố Yên Bái vừa vinh dự được nhận Huy hiệu Đảng. Tuổi đã cao nhưng đôi mắt của họ luôn lấp lánh niềm tin và sự kỳ vọng vào Đảng quang vinh.

Ông Nguyễn Xuân Ngọ - Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8, phường Yên Thịnh (bên phải) trao đổi với các đảng viên về công tác tự quản vệ sinh môi trường.
Ông Nguyễn Xuân Ngọ - Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8, phường Yên Thịnh (bên phải) trao đổi với các đảng viên về công tác tự quản vệ sinh môi trường.

Bước sang tuổi 71 nhưng ông Nguyễn Xuân Ngọ - Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8, phường Yên Thịnh vẫn rất xốc vác với công việc của Chi bộ, của khu phố. Xuất thân trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Yên Thịnh, thị xã Yên Bái (nay là thành phố Yên Bái), bố mẹ ông từng tham gia dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 13 tuổi, ông tham gia dân quân xã Yên Thịnh, làm Tiểu đội phó Dân quân xã. 

Năm 1971, khi chưa đủ 17 tuổi, ông đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Chính quyết tâm và tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc trong lá đơn ngày ấy nên ông được nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị C2, Tiểu đoàn 367, Sư đoàn 304B (Bắc Thái). 

Ông Ngọ nhớ lại: "Tôi vào quân ngũ với tâm thế của những người trẻ yêu nước, nhiệt huyết và đầy lý tưởng cách mạng, mong góp sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tháng 2/1973, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được kết nạp Đảng tại chiến trường Tây Nguyên. 

"Ngày kết nạp Đảng là niềm tự hào lớn lao của bản thân, của gia đình, của đơn vị. Khi đọc lời tuyên thệ, cảm xúc thiêng liêng, tự hào lắm! Lời thề thiêng liêng ấy đã theo tôi suốt cuộc đời, nhắc nhở tôi phải luôn phát huy ý chí cách mạng và nhuệ khí của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, tham gia phục vụ quân đội, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân" - ông Ngọ chia sẻ.

Năm 2014, trải qua nhiều cương vị công tác, khi về nghỉ hưu, những tưởng ông sẽ an hưởng tuổi già, sum vầy cùng con cháu nhưng ông Ngọ luôn tâm niệm: "Về hưu không thể nói mình già/Hăng say công tác vẫn là thanh niên". 

Do vậy, ông luôn trăn trở, mình phải tiếp tục đóng góp cho địa phương. Thế là, suốt những năm qua, trong vai trò là là Bí thư Chi bộ tổ dân phố, người ta vẫn thấy ông Ngọ luôn nhiệt tình, hăng hái trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị. 

Với bà con lối phố, ông luôn là người sống có nghĩa, có tình; gương mẫu trong cuộc sống, là chỗ dựa tinh thần cho các con, cháu, xứng đáng với truyền thống gia đình cách mạng. 

Ông Ngọ chia sẻ: "Dịp này, tôi vinh dự được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Với tôi, đây là phần thưởng cao quý nhất bởi tấm Huy hiệu không đơn thuần là sự ghi nhận về con số tuổi Đảng mà còn là sự khẳng định, sự ghi nhận quá trình phấn đấu, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và sự cống hiến của bản thân khi đứng trong hàng ngũ của Đảng”.

Bà Hoàng Thị Thanh Thủy - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Yên Thịnh chia sẻ: "Chi bộ tổ dân phố số 8 có 117 đảng viên, với số hộ dân đông nhất phường, trên 467 hộ dân, còn nhiều khó khăn nhất định. Ông Ngọ luôn xác định, trách nhiệm của người đứng đầu, luôn nêu gương, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai lãnh đạo hoàn thành toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. 

Ông đã vận động nhân dân ngõ 199 đường Trần Phú đóng góp tiền của, công sức, hiến đất mở rộng đường, đóng góp tiền của để rải áp phan và điện 3 pha thắp sáng tuyến đường vào ban đêm. Tuyến đường có chiều dài 307 m, rộng 4 m, áp phan dày 15 - 17cm, trị giá trên 258 triệu đồng (không kể giá trị hiến đất). Toàn bộ kinh phí do nhân dân đóng góp. 

Cùng với đó, ông còn vận động bà con đóng góp, ủng hộ kinh phí xã hội hóa để làm nhà văn hóa (nhà vòm đa năng) có tổng diện tích công trình là 300 m2 với tổng kinh phí là 316 triệu đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa 100%. 

Là người theo đạo Thiên Chúa giáo, ông luôn tuyên truyền, vận động các hộ theo đạo của tổ dân phố và cùng 876 hộ của Họ giáo Quần Hào toàn phường thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nhiệm vụ của địa phương, sống "tốt đời, đẹp đạo”. 

Vận động nhân dân đóng góp lắp đặt hệ thống camera an ninh 10 cụm với 23 mắt với tổng nguồn kinh phí xã hội hóa trên 93,5 triệu đồng, cùng với các phong trào tự quản an ninh trật tự, tự quản vệ sinh môi trường. 

Riêng trong năm 2021, Chi bộ đã giúp 4 hộ nghèo thoát nghèo bền vững; xóa nhà tạm cho 1 hộ nghèo với nguồn kinh phí xã hội hóa 120 triệu đồng và 1 hộ nghèo sửa nhà với nguồn kinh phí 45 triệu đồng. Hàng năm, ông cùng Ban chi ủy và các đảng viên trong khu phố vận động nhân dân triển khai xây dựng tuyến đường đẹp chào xuân mới với nguồn xã hội hóa hàng chục triệu đồng…

Ở phường Yên Thịnh còn có nhiều đảng viên gương mẫu như ông Ngọ. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Quốc Hội ở tổ dân phố số 7. Xuân này, ông Hội được 85 tuổi đời và 60 năm tuổi Đảng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hội bồi hồi nhớ lại quãng đời thanh xuân đầy nhiệt huyết của mình. 

Sinh ra trên quê hương xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, ông Hội cũng như nhiều người dân ở đây sớm được giác ngộ lý tưởng của Đảng. Tôi đã cùng nhân dân trong làng, xã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương như: phong trào thi đua lao động sản xuất; phong trào bình dân học vụ… 


Ông Nguyễn Quốc Hội chia sẻ với Bí thư Chi bộ tổ dân phố 7, phường Yên Thịnh Hà Văn Thụ về những kỷ vật thời kỳ tham gia kháng chiến chống Mỹ. 

Năm 1954, ông tham gia Đoàn thanh niên xã Hà Lộc, năm 1957 tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc, năm 1959 đi thanh niên xung phong xây dựng Nhà máy Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Năm 1960, ông về địa phương làm Phó Bí thư đoàn xã Hà Lộc và vinh dự là một trong số ít thanh niên thời đó được học lớp cảm tình Đảng. 

Năm 1961, khi chiến tranh chống Mỹ đến thời kỳ ác liệt, ông hăng hái lên đường nhập ngũ được tổ chức điều động vào Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 316 - Quân khu Tây Bắc. Đến 31/12/1963, ông được kết nạp Đảng. 

Trong một trận giao tranh với quân phỉ ở cánh đồng "chum” nước bạn Lào, ông bị thương và được chuyển ra hậu phương điều trị. Năm 1965, ông được điều chuyển về công tác ở Ty Lương thực tỉnh Yên Bái. 

Trong vai trò là đảng viên, ông luôn phát huy tinh thần gương mẫu, hăng say lao động, sáng tạo và tích cực tham gia sinh hoạt Đảng, đóng góp trong các hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức công đoàn ở Ty Lương thực và luôn được công nhận là lao động tiên tiến, lao động giỏi. 

Năm 1988, ông Hội nghỉ hưu, tiếp tục tham gia các phong trào thi đua của khu phố trong vai trò cấp ủy chi bộ phố và hiện là Phó Trưởng ban Ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 7. 

Tuy đã ở tuổi "xưa nay hiếm", ông Nguyễn Quốc Hội được phép miễn sinh hoạt Đảng nhưng suốt mấy mươi năm qua, ông vẫn đều đặn tham gia sinh hoạt chi bộ. Không chỉ tích cực tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận với chi bộ mà còn là người gương mẫu trong mọi công việc, như: đóng góp xây dựng nhà văn hóa phố, xây dựng đô thị văn minh, nhắc các thành viên trong gia đình xây dựng lối sống văn hóa, tích cực tham gia phát triển kinh tế. 

Ông Nguyễn Quốc Hội cho rằng: "Để trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đòi hỏi mỗi người phải phấn đấu, rèn luyện không ngừng. Về phía tổ chức đảng cũng vậy, để kết nạp được một đảng viên vào tổ chức phải dày công phát hiện, bồi dưỡng, chăm lo giáo dục, rèn luyện... Được sinh hoạt Đảng là niềm vui, niềm tự hào, tôi sẽ tham gia sinh hoạt chi bộ đến khi nào sức khỏe còn cho phép. Với tôi, chỉ có người cán bộ, công chức nghỉ hưu chứ không có đảng viên hưu. Ông Hội tâm sự: "Với tôi, lời thề trước cờ Đảng cách đây tròn 60 năm cũng như niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng chính là động lực để tôi cống hiến cho đến ngày hôm nay”.

Với những đảng viên cao tuổi,  Đảng luôn ở trong tim. Họ không chỉ sống cho riêng mình mà nói và làm việc có ích cho xã hội, không ngừng vun đắp lý tưởng cộng sản cao đẹp làm gương sáng cho con cháu và cộng đồng noi theo.
Quang Thiều

Tags làm theo lời Bác chỉ thị 05 huy hiệu Đảng lao động tiên tiến lao động giỏi

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục