Nghề gỗ bóc ở Yên Bình: Tăng trưởng “nóng”!

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/5/2013 | 2:24:25 PM

YBĐT - Nhiều hộ dọc tuyến quốc lộ 70 như Bảo Ái, Tân Hương, Tân Nguyên, Đại Đồng… cùng hàng loạt các xã vùng đông hồ như Hán Đà, Thác Bà, Vĩnh Kiên, Vũ Linh… đầu tư xưởng bóc, chưa kể đến “đội quân” bóc gỗ ở Trấn Yên sau khi “thất trận” vì “đói” nguyên liệu, giá gỗ tròn tăng quá cao… đã chạy về Yên Bình lập xưởng.

Hàng loạt xưởng chế biến gỗ ra đời sẽ không có đủ nguyên liệu sản xuất.
Hàng loạt xưởng chế biến gỗ ra đời sẽ không có đủ nguyên liệu sản xuất.

Ngay sau khi nghề gỗ bóc ở Trấn Yên đi xuống thì Yên Bình lại là địa phương có sự tăng trưởng “nóng” ngành nghề này. Đầu ra bấp bênh, “đói” nguyên liệu, hạ tầng về điện chưa đáp ứng được yêu cầu và cả những món nợ ngân hàng cứ mỗi ngày một phình ra… sẽ là những điều tất yếu xảy đến. Ngành nghề chế biến gỗ rừng trồng ở Yên Bình rất cần sự vào cuộc của chính quyền và ngành công thương!

Nhà nhà mở xưởng gỗ

Là địa phương có phong trào trồng rừng sớm và phát triển mạnh, diện tích rừng trồng ở Yên Bình đứng đầu tỉnh Yên Bái. Tính đến nay, diện tích khai thác và trồng mới hàng năm ở Yên Bình vào khoảng 2.500 đến 2.700ha với một số chủng loại cây chủ yếu là keo, bạch đàn và bồ đề. Những năm qua, gỗ rừng trồng ở Yên Bình đều làm nguyên liệu giấy, còn lại được các xưởng chế biến nhỏ lẻ ở Phú Thọ và các cơ sở trong huyện và tỉnh thu mua.

Phát triển ngành nghề chế biến gỗ rừng trồng để tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu cũng như tạo việc làm cho người lao động là mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương. Với nhiều chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ vừa và nhỏ đã xuất hiện ở Yên Bình, trong đó có những nhà xưởng quy mô nhỏ làm nghề bóc gỗ, bán sản phẩm làm nguyên liệu cho các nhà máy ép ván.

Theo tính toán, một xưởng bóc ván chỉ cần đầu tư khoảng 250 đến 300 triệu đồng là có thể đủ một dàn máy gồm: máy cắt gỗ, máy bóc ván và máy cắt ván tự động để đi vào sản xuất (không tính vốn lưu động và làm nhà xưởng). Cái hay của nghề bóc ván không chỉ là số tiền đầu tư nhỏ mà còn ở quy trình vận hành đơn giản, chỉ cần vài buổi là biết nghề. Hiệu quả kinh doanh chế biến gỗ rất rõ vì quy trình quay vòng vốn nhanh, dễ hạch toán, đặc biệt hơn khi một hộ gia đình đầu tư một xưởng chế biến ván bóc sẽ giải quyết được việc làm với thu nhập ổn định cho cả nhà, thêm mấy anh hàng xóm hoặc người trong cùng dòng họ…

Thực tế, những hộ gia đình mạnh dạn làm máy gỗ từ sớm đã thu hồi xong vốn, xây được nhà to. Người ta làm được thì lý gì mà mình không làm là suy nghĩ của rất nhiều người. Thế là nhiều hộ dọc tuyến quốc lộ 70 như Bảo Ái, Tân Hương, Tân Nguyên, Đại Đồng… cùng hàng loạt các xã vùng đông hồ như Hán Đà, Thác Bà, Vĩnh Kiên, Vũ Linh… đầu tư xưởng bóc, chưa kể đến “đội quân” bóc gỗ ở Trấn Yên sau khi “thất trận” vì “đói” nguyên liệu, giá gỗ tròn tăng quá cao… đã chạy về Yên Bình lập xưởng bóc gỗ.

Theo thống kê, khoảng 2 năm trở lại đây, xưởng chế biến gỗ ở Yên Bình mọc lên như nấm sau mưa, tốc độ tăng trưởng nhanh đến mức chính quyền và ngành chức năng khó có thể đưa ra số liệu chính xác về số máy bóc gỗ hiện có trên địa bàn huyện. Lấy xã Vĩnh Kiên làm thí dụ. Cán bộ xã Vĩnh Kiên đưa ra con số ngày 11/4/2013, toàn xã có 8 máy bóc đang hoạt động và 2 cơ sở đã hoàn thiện việc lắp đặt máy, đang thu mua nguyên liệu. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra của phóng viên, thực tế toàn xã Vĩnh Kiên đã có 18 máy bóc gỗ và toàn vùng Thác Bà gồm các xã Hán Đà, thị trấn Thác Bà, Vĩnh Kiên, Vũ Linh đã có 33 chiếc máy bóc gỗ đang hoạt động.

Trên địa bàn huyện Yên Bình, có khoảng 100 chiếc máy đang hoạt động. Đây chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng vì trên tuyến quốc lộ 70 và dọc đường vùng đông hồ, thi thoảng người ta vẫn bắt gặp những chiếc xe vận chuyển máy bóc gỗ cả cũ và mới chạy về các vùng quê của huyện Yên Bình.

 

Thiếu điện là điều tất yếu khi có nhiều xưởng chế biến gỗ đi vào hoạt động.

Kịch bản nào cho ngành gỗ ở Yên Bình?

Câu hỏi đặt ra là ngành nghề sơ chế gỗ rừng trồng ở Yên Bình sẽ đi đến đâu? Câu trả lời đơn giản là: cứ bê nguyên kịch bản chế biến gỗ rừng trồng ở Trấn Yên đặt vào Yên Bình là xong!

Theo tính toán, một dàn máy bóc gỗ tiêu thụ khoảng 15m3 gỗ/ngày (làm 8 tiếng) và chỉ cần làm phép tính nhân đơn giản: toàn huyện Yên Bình có 100 máy bóc thì mỗi ngày, số gỗ nguyên liệu đủ cho các xưởng hoạt động đã lên tới 1.500m3. Một con số khổng lồ! Đó là chưa kể một lượng gỗ lớn khác được vận chuyển cho hai nhà máy giấy: Bãi Bằng (Phú Thọ) và An Hòa (Tuyên Quang).

Gỗ tròn nguyên liệu còn được vận chuyển với khối lượng lớn về Hạ Hòa, Đoan Hùng (Phú Thọ) và đưa vào các lò nghiền dăm tại Yên Bình... Công suất các nhà máy chế biến gỗ, giấy lớn như vậy thì cây rừng mọc sao cho kịp và để đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy, các cơ sở sản xuất của mình hoạt động thì con đường ngắn nhất, dễ nhất chính là tăng giá thu mua, giảm tiêu chuẩn chất lượng đầu vào.

Hiện nay, giá thu mua các loại gỗ ở khu vực Thác Bà, Vĩnh Kiên đã ở mức: bạch đàn 1.150.000 đồng/m3, keo 950.000 đồng/m3, bồ đề 1.100.000 đến 1.200.000 đồng/m3, tăng khoảng 250.000 - 300.000 đồng/m3 so với thời điểm cuối năm 2008, đầu năm 2009. Do thiếu nguyên liệu, rất nhiều xưởng gỗ ở Vĩnh Kiên, Thác Bà, Vũ Linh… đã chấp nhận mua gỗ non, gỗ nhỏ, chu vi thân 22 đến 23cm.

Một chủ cơ sở chế biến ở Vĩnh Kiên đưa ra phép tính: 1m3 gỗ keo giá 950.000 đồng, chi phí nhân công khoảng 200.000 đồng nữa, tổng chi là 1.150.000 đồng; số ván làm ra được khoảng 0,65m3, giá ván hiện nay là 1.800.000 đồng/m3, số tiền thu về là 1.170.000 đồng, như vậy mỗi khối gỗ chỉ lãi được vài ba chục nghìn đồng, đó còn chưa kể tới chi phí khấu hao, chi phí lãi suất… Rất nhiều chủ xưởng gỗ thừa nhận, làm gỗ bóc bây giờ chỉ kiếm được mấy triệu mỗi tháng từ việc bán rác, đầu mẩu hay lõi tu! Vô số xưởng bóc đang đi từ hòa đến lỗ là điều vô cùng cay đắng mà khi các chủ xưởng nhận ra thì đã quá muộn!

 Trong khi giá gỗ tròn cao, giá bán ván thấp và chi phí sản xuất ngày càng tăng thì giá ván không những không hề nhích lên mà thi thoảng lại hạ xuống, nhất là tình trạng đôi khi các nhà máy Trung Quốc lại thay đổi cỡ hàng (từ độ dày, rộng, dài) khiến các cơ sở kém thông tin không kịp trở tay, dẫn đến tình trạng xưởng nào cũng có vài đến vài chục mét khối ván ế hoặc bị lái buôn ép giá.

“Ở đâu nhiều xưởng bóc thì ở đó điện rất tù mù là tình trạng hạ tầng về điện chưa đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng phụ tải bình thường, nay lại gánh thêm những cỗ máy bóc, máy cắt tiêu thụ điện năng lớn. Mỗi dàn máy bóc có tổng công suất từ 25kWh đến 40kWh trong khi máy biến áp khu vực nông thôn huyện Yên Bình phần lớn chỉ có công suất 100kva thì điện phục vụ sinh hoạt của người dân yếu là điều dễ hiểu. Cá biệt, có những cơ sở sản xuất gỗ không hiểu vì lý do gì mà còn được ngành điện cho phép mắc trực tiếp lên đường dây 0,4 kv dùng chung với đường dây chuyển tải điện sinh hoạt như ở xã Vĩnh Kiên! Một người dân ở đây cho biết, khi cơ sở này chưa đi vào hoạt động, chất lượng điện năng đã rất kém, nhiều hôm gia đình không nấu nổi cơm chiều. Không hiểu khi cơ sở này đi vào sản xuất thì chất lượng điện ở đây còn kém đến mức nào nữa?

Rất cần chính quyền vào cuộc!

Tình trạng phát triển ồ ạt các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng ở Yên Bình đã và đang để lại những hậu quả đáng tiếc. Trong đó, số tồn tại được chỉ có thể là những ông chủ thực sự có tiềm lực tài chính, không phụ thuộc vào vốn vay; có tay nghề sản xuất, nhất là kiến thức, kinh nghiệm quản lý; đặc biệt có những khách hàng lớn, ổn định về đầu ra và giá bán.

Một số hộ khác tồn tại được là nhờ “bỏ công làm lãi” theo kiểu chồng chạy máy, con vác gỗ, vợ nhặt ván, nghĩa là có lãi tí tẹo, cả nhà đảm bảo có việc làm và thu nhập ổn định, kiếm được 150.000 đồng/ngày công lao động đã quá tốt. Còn đa số các cơ sở còn lại sẽ đi từ lãi ít đến hòa, cuối cùng là lỗ và như thế phá sản là điều tất yếu. Tương lai không xa, những tấm biển “Bán nhà”, “Bán thanh lý máy bóc gỗ”, “Bán nhà xưởng” sẽ được dựng lên như ở Trấn Yên một thời…

Trước tình hình này, chính quyền huyện Yên Bình cần tạm dừng cấp phép kinh doanh cho các cơ sở chế biến gỗ hoặc phải có các biện pháp “kỹ thuật” như công nghệ chế biến, vùng nguyên liệu, diện tích mặt bằng… mới cấp phép. Ngành điện cần rà soát lại các cơ sở chế biến gỗ, đối với những khách hàng có công suất trên 40kWh yêu cầu xây dựng trạm biến áp riêng; không cấp điện hoặc dừng cấp điện cho những cơ sở sản xuất, kinh doanh đấu điện trực tiếp vào đường dây chung với điện sinh hoạt. Lực lượng kiểm lâm cần tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ bởi đã xuất hiện tình trạng khai thác rừng non 3 đến 4 tuổi để đưa vào chế biến…

Trong khi các cấp, các ngành chưa có động thái mạnh thì người dân cần thận trọng trước khi đầu tư xưởng chế biến gỗ, không nghe những lời mời theo kiểu “Đầu tư máy, thu mua nguyên liệu rồi trừ dần vào gốc” hoặc chưa đủ kinh nghiệm và tiềm lực thì không vội đầu tư. Bài học ở Lương Thịnh, Hưng Khánh, Quy Mông (Trấn Yên) vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay!

Tấn Đạt

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục