Như những cánh diều

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/4/2018 | 11:50:37 AM

YBĐT- Tình bạn không phải thứ gì quá cao cả hay lớn lao, cũng chẳng phải phô trương để người khác nhìn vào cảm thán, ngưỡng mộ. Như hiện tại là được rồi. Tôi lười thì gọi Nam đến đưa đi học, trực nhật hộ, nhờ làm mấy việc linh tinh. Vui thì rủ đi uống trà sữa hay đi lòng vòng khắp con phố, đôi lúc kể mấy câu chuyện thường ngày rồi lăn ra cười. Chỉ cần chân thành là được!

Cô và trò. (Ảnh: Hoàng Đô)
Cô và trò. (Ảnh: Hoàng Đô)


Để tôi kể cho các bạn nghe về cậu bạn thân duy nhất của tôi! Hôm đó là ngày đầu của năm học lớp sáu, tôi lười nhác xách cặp đi xem bảng thông báo rồi chán nản vào lớp cùng mấy cô bạn. Vừa bước vào cửa lớp, mùi bàn ghế mới cùng với nước tẩy rửa khiến tôi hơi khó chịu. Tôi tìm một chỗ vắng dưới góc lớp, quẳng cặp xuống rồi lấy ra quyển tiểu thuyết "Bức thư bị lãng quên” của Cố Tây Tước, chăm chú ngồi đọc.

Ở lớp mới, tôi chẳng chơi thân với ai cả, nói đúng hơn là trước giờ tôi chưa từng muốn chơi thân với ai. Tôi ghét cái sự điệu đà của bọn con gái, ghét cả những đứa con trai trẻ con suốt ngày chơi điện tử. Tôi dựa người vào bàn dưới, tiếp tục đọc nốt chương cuối quyển sách đợi trống vào lớp.
 
Nắng mùa hè rọi vào khiến tôi cảm thấy nóng. Những tấm rèm mỏng màu trắng đã giảm bớt ánh nắng, khiến tia sáng không còn quá gắt, chỉ dịu dàng trải đầy phòng học. Bỗng nhiên, một cậu bạn nam cao cao nhìn có vẻ thư sinh xuống chỗ tôi, vươn tay kéo tấm rèm.
 
Những vệt nắng vàng xuyên qua khung cửa sổ vỡ tan dưới mặt bàn. Tôi ngạc nhiên chưa kịp nói gì, cậu bạn kia đã vui vẻ cười: "Chào, mình ngồi cạnh cậu được không?”.
 
Tôi thấy cậu ta có vẻ khá thú vị, ít nhất chắc không tẻ nhạt như mấy đứa đang xúm lại bàn tán về nỗi nhớ da diết mùa hè đằng kia. Hình như suy nghĩ của tôi quá dễ đoán, cậu ấy nhanh nhẹn bỏ cặp xuống chỗ trống chưa kịp phủi lớp bụi cạnh tôi. Tôi đang đắm chìm trong sự ngọt ngào tưởng như không hề tồn tại ngoài đời thực, chẳng buồn ngước lên nhìn. Nhưng trực giác bảo tôi rằng, cậu ta đã nheo mắt vì sự lạnh nhạt của tôi rồi vội vã ra làm quen với các bạn mới.
 
Cuối cùng, tiếng trống cũng vang lên, tiết học đầu tiên bắt đầu cùng sự bỡ ngỡ của mọi người. Cả tuần, chúng tôi chỉ nói với nhau những câu xã giao như: chào, làm bài tập chưa, câu này khó nhỉ và tạm biệt. Tôi lười hỏi nên đã liếc nhìn nhãn vở và biết cậu ấy tên là Nam. Dần dần, chúng tôi nói chuyện nhiều hơn vì phát hiện cả hai có khá nhiều thói quen chung.
 
Ví dụ, trong cặp cả hai lúc nào cũng có một quyển truyện hay đều không muốn giơ tay lên bảng dù biết rõ câu trả lời, khi đi học chỉ mang một chiếc bút bi. Còn một chuyện hơi dị là tôi và cậu ấy thỉnh thoảng đi tất khác màu chiếc còn lại. Cứ thế, chúng tôi đã trở thành bạn thân của nhau lúc nào không hay.

Năm lớp sáu trôi qua bình lặng. Lên lớp bảy, cậu bạn ngây ngô của tôi bắt đầu biết quan tâm đến ngoại hình, để mái hơi gợn sóng và trở nên đẹp trai hơn. Nhưng đối với tôi, cậu ấy chẳng bao giờ giữ hình tượng nên tôi không nhận thấy sự thay đổi của Nam có gì đặc biệt.
 
Chúng tôi vẫn hẹn nhau ngồi cùng bàn dưới góc lớp. Cả mùa hè, tôi mải đi du lịch cùng bố mẹ, rồi lại học Tiếng Anh nên ít lên mạng nói chuyện. Cậu ấy cũng bận rộn với đống mô hình siêu anh hùng của mình và những chuyện đâu đâu trên vũ trụ. Ba tháng dài không gặp, nhưng cũng chẳng có nhiều chuyện muốn kể cho nhau nghe.
 
Tôi với Nam đã được bố mẹ mua cho xe đạp điện, chiều nào cũng rủ thêm một đám bạn cùng đi lượn khắp các con ngõ nhỏ cho đến những hàng quán ngoài vỉa hè. Cả lũ vừa đi vừa cười nói ồn ào, có khi lại hát vang lên. Năm đó, phòng thi đổi, lần đầu tiên, chúng tôi ngồi cùng phòng.
 
Để tránh bị chuyển chỗ, Nam ngồi trên, còn tôi ngồi dưới. Tôi sẽ nhắc cậu ấy những môn xã hội, còn cậu ấy sẽ lo những môn tự nhiên. Có lần, tôi nhắc sai mà cậu ta gào lên cả tuần liền, vẫn trẻ con như năm ngoái. Tôi luôn tự nhận mình là một cô gái thông minh nhưng lại luôn bị cậu ta lừa.
 
Nam biết tôi thích ăn kẹo nên lần nào cũng dụ tôi. Cậu ấy cho kẹo vào mồm rồi giả vờ động tác bóc vỏ sột soạt đi qua chỗ tôi, làm tôi đuổi vòng quanh sân trường chỉ để cướp được cái kẹo. Nhưng cuối cùng, chỉ chìa ra cái vỏ rồi tự hào phủi quần đi vào lớp, mặc tôi đang tức điên lên.

Bây giờ sắp lên cấp ba, chúng tôi vẫn chơi thân với nhau. Cả hai đều lười đi tìm những người bạn mới. Ai bảo chơi thân là không giận nhau? Có chứ, nhưng tôi với Nam chỉ im lặng một lúc rồi lại cười hớn hở. Mấy đứa cùng lớp thấy chúng tôi thật nhạt nhẽo, ngay cả cãi nhau cũng không quá một tiết học. Tôi lại không nghĩ thế.
 
Tình bạn không phải thứ gì quá cao cả hay lớn lao, cũng chẳng phải phô trương để người khác nhìn vào cảm thán, ngưỡng mộ. Như hiện tại là được rồi. Tôi lười thì gọi Nam đến đưa đi học, trực nhật hộ, nhờ làm mấy việc linh tinh. Vui thì rủ đi uống trà sữa hay đi lòng vòng khắp con phố, đôi lúc kể mấy câu chuyện thường ngày rồi lăn ra cười. Chỉ cần chân thành là được!

Tình bạn phải chứng minh qua thời gian thì có lẽ cả đời này cũng không đủ. Đợt tôi đi thi Tiếng Anh, tối trước hôm thi Nam gửi cho tôi dòng tin nhắn: "Mong cậu hãy mạnh mẽ và bay cao như những cánh diều”. 

Tôi mỉm cười, những vì sao ngoài kia dường như cũng đang nhìn tôi. Những vì sao lấp lánh như đôi mắt tinh nghịch của cậu bạn yêu quý…

Phạm Mai Phương (Lớp 8C, Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Yên Bái)

 

Các tin khác
Ông Cháng A Sai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên thăm mô hình nuôi tằm của hộ nghèo trên địa bàn.

Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp huyện Trấn Yên đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ, tạo sinh kế cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống , góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 1,75%.

UBND huyện Văn Yên hỗ trợ lợn giống cho các hộ nghèo thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp.

Tiếp nối nhiều cách làm sáng tạo đã thực hiện thời gian qua, năm 2024, huyện Văn Yên tiếp tục phát động phong trào thi đua “Dòng họ, thôn không còn hộ nghèo”, hướng tới xã không còn hộ nghèo để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững.

Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Trấn Yên và UBND xã Quy Mông tham quan mô hình kinh tế của bà Phùng Thị Ý.

Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Trấn Yên đã mạnh dạn thay đổi tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm trong phát triển sản xuất, làm chủ kinh tế gia đình, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.

Mô hình nuôi dê núi của anh Sùng A Lâu, thôn Cang Dông và 2 thành viên trong tổ hợp tác nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao.

Bằng việc xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu đã đề ra những giải pháp cụ thể. Từ chỗ độc canh một loại cây trồng, nay ở các thôn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục