Khi lòng dân đã mở

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/4/2014 | 9:00:40 AM

YBĐT - Huyện Văn Chấn (Yên Bái) là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh về phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT). Đến nay, huyện đã có 70% tuyến đường liên xã được kiên cố hóa và gần 50% đường liên thôn được bê tông.

Người dân xã Phù Nham tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Người dân xã Phù Nham tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Về các xã khó khăn của Văn Chấn thời gian này thật dễ để nhận ra nhiều con đường đất lầy lội trước kia đã được thay thế bằng đường bê tông hóa liên thôn, bản, tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại, giao lưu, buôn bán của người dân, thúc đẩy kinh tế phát triển. Mỗi đoạn đường là một minh chứng cho sự đồng thuận, đoàn kết của nhân dân trên địa bàn huyện.

Là một địa phương có nhiều vùng nguyên liệu tập trung ở khu vực nông thôn như vùng chè, vùng cam, ngô, rừng kinh tế và tới đây là cao su thì GTNT có vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy phát triển kinh  tế ở các vùng nguyên liệu.

Văn Chấn xác định, muốn có một nền kinh tế phát triển dựa trên ưu thế sẵn có của một huyện miền núi, thì phải ưu tiên phát triển GTNT làm cho khoảng cách giữa các vùng xích lại gần nhau, thuận lợi cho giao thương, trao đổi hàng hóa.

Xác định được ý nghĩa đó, năm 2006, Văn Chấn có Nghị quyết chuyên đề về phát triển GTNT. Tùy theo điều kiện của từng khu vực, bình quân mỗi năm địa phương làm được 40km đường cấp phối, 10km đường bê tông, 30km đường đất mở mới; riêng trong năm 2013, nhân dân đã đóng góp 21,7 tỷ đồng tương đương 195.510 ngày công lao động phục vụ làm đường giao thông, trong đó có 6 tỷ đồng tiền mặt, còn lại là công khai thác vật liệu.

Ông Trần Hữu Sính - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết: "Chúng tôi huy động làm đường GTNT bằng nhiều nguồn lực, sự đóng góp tích cực của người dân là yếu tố quan trọng.

Thông qua nhiều kênh thông tin như báo, đài hoặc cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở, chúng tôi tuyên truyền để người dân nắm và hiểu rõ lợi ích phát triển GTNT là điều kiện, tiền đề cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Mặt khác, với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", việc thực hiện phát triển GTNT ở Văn Chấn được người dân ủng hộ rất cao. Nếu như năm 2011, người dân tham gia đóng góp được 7,5 tỷ đồng cho GTNT thì năm 2012 đã tăng lên 17 tỷ đồng và năm 2013 số tiền nhân dân đóng góp đã lên đến 21,7 tỷ đồng".

Trong phong trào làm đường giao thông, nhiều địa phương nổi lên với những cách làm hay. Đi đầu phải kể đến xã Tân Thịnh. Theo ông Trần Văn Dĩnh - Chủ tịch UBND xã, năm 2013, Tân Thịnh đã tiết kiệm được 300 triệu đồng trong làm đường giao thông, người dân từ chỗ phải đóng góp 40% thì nay chỉ còn đóng góp 10% đến 15%, trong đó chủ yếu là ngày công lao động, rất ít người phải đóng tiền mặt.

Nói về kinh nghiệm của xã Tân Thịnh, ông Dĩnh cho biết: "Năm 2013, chúng tôi kiên cố được 2km đường liên thôn, để giảm chi phí, chúng tôi sử dụng nền đường cũ đã được rải cấp phối, tận dụng tối đa nguồn vật liệu tại chỗ có thể khai thác được, đồng thời huy động được 100 triệu đồng đóng góp của doanh nghiệp địa phương, con em địa phương đang làm ăn xa. Các công trình đều được đưa về thôn bàn công khai, minh bạch, người dân tự tham gia vào thi công, kiểm soát vật liệu và tự giám sát, nhờ đó đã hạn chế tối đa chi phí".

Phúc Sơn tuy là xã còn nhiều khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái) nhưng phong trào làm đường cũng khá sôi nổi. Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm xã bê tông hóa được trên 1,2km đường. Có những thôn, bản người dân tự đóng góp 100% tiền, công lao động để làm đường bê tông như Bản Hán. Không chỉ có vậy, nếu đường đi vào đất của dân thì họ sẵn sàng hiến toàn bộ diện tích đất đó.

Ông Phùng Văn Đồng - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Đường từ xã vào các thôn bản có 7,2km, trong đó đã bê tông được 3,4km. Trong điều kiện nguồn lực dành cho bê tông hóa mặt đường không nhiều, xã đã chủ trương vận động nhân dân tự mở đường và rải cấp phối, tranh thủ các chương trình khác như Chương trình 135 đưa vào có thể bê tông hóa ngay".

Văn Chấn có 140km quốc lộ chạy qua 16 xã, thị trấn, 42km đường tỉnh, 116km đường huyện đến trung tâm các xã và 750km đường từ trung tâm các xã đến thôn, bản. Qua nhiều năm phát triển, đến nay cả 31/31 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm. Như vậy, mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện đã cơ bản khép kín, các tuyến đường dần được cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bước đầu phục vụ hiệu quả nhu cầu giao lưu hàng hóa, đi lại của nhân dân.

Tuy nhiên, Văn Chấn vẫn còn nhiều xã, thôn bản đời sống người dân rất khó khăn, công tác phát triển GTNT chưa hết gian nan. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2014, huyện quyết tâm phấn đấu làm 45km đường cấp phối, mở mới 55,8km và kiên cố 35km đường bê tông. Khi dân được làm chủ, lòng dân đã mở thì các mục tiêu về phát triển GTNT của huyện tin rằng không những đạt mà còn vượt kế hoạch đề ra.

 Anh Dũng

Các tin khác
Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân xã Minh Bảo tham gia trồng cây xanh, tạo cảnh quan dọc tuyến đường thôn Trực Bình.

Người dân thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đoàn kết, cùng chung sức xây dựng mô hình Khu dân cư “Xanh - Hạnh phúc” để tạo điểm nhấn và “nâng chất” các tiêu chí NTM, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Người dân xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trồng rừng gỗ lớn, góp phần bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân (ND) trồng và mở rộng diện tích rừng gắn với xây dựng tín chỉ carbon, góp phần mang lại môi trường sống xanh cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục