Đồng lòng xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/3/2015 | 2:51:03 PM

YBĐT - Những ngày tháng 3 năm nay, hòa trong không khí náo nức đại hội điểm của tỉnh, Đảng bộ xã Báo Đáp (Trấn Yên) còn có niềm vui, niềm tự hào khác nữa khi mà Báo Đáp là xã thứ hai trong tỉnh được công nhận xã nông thôn mới.

Thi công tuyến đường tránh đường sắt ở xã Báo Đáp.
Thi công tuyến đường tránh đường sắt ở xã Báo Đáp.

Đến với Báo Đáp những ngày cuối tháng 3, từ khắp đường làng, ngõ xóm ở đâu chúng tôi cũng có thể cảm nhận được niềm hân hoan, tự hào của mỗi người dân, bởi lẽ sau nhiều năm nỗ lực, đoàn kết, đóng góp xây dựng nông thôn mới, sự thay đổi không chỉ ở diện mạo bên ngoài mà ở mỗi gia đình, đời sống tinh thần, vật chất đã được nâng lên. Trong niềm vui đó, cụ Lê Văn Phung, 89 tuổi, thôn Đình Xây chia sẻ: “Tôi không thể tưởng tượng được sự thay đổi ngày hôm nay lớn đến thế! Sung sướng lắm! Tôi chỉ mong được sống lâu hơn để vui cùng con cái”. Sự thay đổi lớn lao theo như cụ Phung, đó là trước đây người dân chỉ ở trong nhà tranh vách nứa, hạt gạo chia năm xẻ bảy, ngày no ngày đói. Còn nay, nhờ có Đảng, dưới sự dẫn dắt của Đảng, nhà nào cũng nhà cao cửa rộng, đường làng thênh thang sạch đẹp, ấm no, con trẻ được đến trường, được chăm sóc, học hành đầy đủ, đó là nhờ có nông thôn mới!

Đi trên những tuyến đường bê tông thênh thang, sạch đẹp của thôn Đồng Ghềnh, chúng tôi bắt gặp một không khí lao động nhộn nhịp. Ông Nguyễn Thanh Tài - Bí thư Chi bộ thôn phấn khởi cho biết: “Trong những năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, Chi bộ thôn Đồng Ghềnh đã làm được 3 việc lớn. Thứ nhất là tạo được sự đồng thuận trong Đảng và giữa Đảng với nhân dân. Đây là cơ sở quan trọng để Chi bộ vận động nhân dân kiên cố hóa được 3,5km đường giao thông nông thôn, đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn khang trang, trong đó vai trò đảng viên gương mẫu đi đầu được phát huy, có những đảng viên đã hiến trên 3.000m2 đất để làm đường. Việc thứ hai là vận động 35 hộ dân chuyển đổi 10,3ha đất vườn tạp, đất ruộng, đất soi bãi sang trồng dâu nuôi tằm, đem lại thu nhập ổn định. Việc thứ ba là nhận thức, tư duy của người dân đã thay đổi, thay vì sản xuất tự cung tự cấp thì nay người dân đã nghĩ đến chuyện sản xuất thành hàng hóa để bán, tăng thu nhập, từng bước xóa nghèo, vươn lên làm giàu”.

Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp cho biết: “Trên cơ sở 19 tiêu chí, chúng tôi đã lượng hóa bằng việc ban hành bảng điểm cho cấp thôn và từng hộ dân để nắm bắt, thực hiện, gắn với đánh giá, bình xét gia đình văn hóa, làng văn hóa hàng năm; chỉ đạo thành lập 126 nhóm hộ dân tự quản ở thôn để tạo điều kiện tốt hơn cho người dân và Ban phát triển thôn xã triển khai và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban Chấp hành Đảng bộ, chính quyền xã đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng cấp trên để tổ chức quản lý, lồng ghép các chương trình, nguồn vốn nhà nước, gắn với nguồn huy động trong dân; ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông liên thôn làm tiền đề cho kinh tế - xã hội trên địa bàn xã phát triển, đồng thời tạo động lực, tạo sự phấn khởi mới cho người dân nỗ lực phấn đấu, đây cũng là công việc huy động được sự tham gia đóng góp lớn nhất của người dân”.

Từ 6,8km năm 2010 đến nay, Báo Đáp đã bê tông hóa được 20km đường giao thông liên thôn và trên 10km đường nội thôn, trị giá 17 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 6,8 tỷ đồng, ngoài ra người dân còn tự nguyện hiến trên 2ha đất và nhiều cây cối hoa mầu, vật dụng kiến trúc để làm đường giao thông. Cùng với đó là xây dựng các công trình phúc lợi công cộng khác đạt chuẩn đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt và đời sống của nhân dân như: hệ thống đường điện, cơ sở vật chất 2 nhà trường (mầm non và tiểu học), trạm y tế xã, hội trường nhà văn hóa trung tâm xã, nhà văn hóa thôn, sân thể thao đạt chuẩn.

Thành công của Báo Đáp hôm nay trên con đường xây dựng nông thôn mới là kết quả của sự đồng thuận trong Đảng, giữa Đảng với dân. Đảng đã tạo được niềm tin, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong dân, đó là cơ sở quan trọng để Báo Đáp đạt được đích đến của nông thôn mới.

Anh Dũng

Các tin khác
Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân xã Minh Bảo tham gia trồng cây xanh, tạo cảnh quan dọc tuyến đường thôn Trực Bình.

Người dân thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đoàn kết, cùng chung sức xây dựng mô hình Khu dân cư “Xanh - Hạnh phúc” để tạo điểm nhấn và “nâng chất” các tiêu chí NTM, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Người dân xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trồng rừng gỗ lớn, góp phần bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân (ND) trồng và mở rộng diện tích rừng gắn với xây dựng tín chỉ carbon, góp phần mang lại môi trường sống xanh cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục