Kinh nghiệm xây dựng nhà văn hóa

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/6/2015 | 9:38:21 AM

YênBái - YBĐT - Việc xây dựng nhà văn hóa (NVH) thôn, bản không phải đến "nông thôn mới" (NTM) mới có. Trước đó, trong xây dựng đời sống văn hóa nói chung và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư" nói riêng, nhiều địa phương đã xây dựng được NVH.

11 hộ dân thôn Minh Thành (xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái) đã hiến hơn 1.500m2 để xây dựng nhà văn hóa thôn khang trang, rộng rãi.
11 hộ dân thôn Minh Thành (xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái) đã hiến hơn 1.500m2 để xây dựng nhà văn hóa thôn khang trang, rộng rãi.

 Tuy nhiên, để đạt chuẩn NTM, thực tế trong triển khai cho thấy có hai khó khăn cơ bản đó là mặt bằng và nguồn lực đầu tư. Là hai xã thành công sớm nhất trong xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh, kinh nghiệm từ Tuy Lộc (thành phố Yên Bái), Báo Đáp (huyện Trấn Yên) không gì khác vẫn là huy động sức dân và sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ trong giải quyết khó khăn đó.

Giống như nhiều thôn, bản khác trên địa bàn tỉnh, khó khăn đầu tiên của thôn Minh Thành (xã Tuy Lộc) trong thực hiện xây dựng NVH đạt chuẩn là yếu tố mặt bằng. Trong thôn không còn quỹ đất xây dựng NVH. Giải phóng mặt bằng mà đền bù thì không "đào" đâu ra nguồn lực. Được sự tuyên truyền, vận động của cán bộ xã, thôn, chia sẻ những khó khăn chung của thôn, 11 hộ dân Minh Thành, trong đó có những hộ kinh tế còn khó khăn, đã tự nguyện hiến trên 1.500m2 đất vẫn sản xuất nông nghiệp làm chỗ xây dựng NVH mà không đòi hỏi bồi thường, hỗ trợ gì.

Bà Nguyễn Thị Lược - một trong những hộ khó khăn, hiến đất chia sẻ: "180m2 đất sản xuất đối với gia đình tôi rất quý nhưng góp cho thôn là việc nên làm. Có NVH, bản thân mình cũng được thụ hưởng mà". Đúng là trước đây, khi chưa có NVH thôn, mọi sinh hoạt cộng đồng của thôn đều phải nhờ nhà dân trong không gian gò bó. Ông Nguyễn Văn Chỉnh - Bí thư Chi bộ thôn Minh Thành tâm sự: "Tổ chức hội họp nhờ nhà dân thực ra rất bất tiện, ảnh hưởng đến số lượng tham gia. Những hôm trời mưa gió, có khi bà con còn phải đội nón, mặc áo mưa đứng ngoài sân để nghe, rất ngại". Nỗi "bức xúc" phải có NVH được tháo gỡ ở khâu mặt bằng khi bà con đã nêu cao tinh thần hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung của cộng đồng.

Nhân Nghĩa 2 là thôn cuối cùng của xã Báo Đáp hoàn thành việc xây dựng NVH cũng bởi khó khăn ở mặt bằng mãi chưa giải quyết được. Cuối cùng, người hóa giải vướng mắc đó không ai khác chính là Trưởng thôn Nguyễn Văn Phong và Bí thư Chi bộ thôn Nguyễn Thị Lý. Nói về việc làm của mình, ông Phong bảo: "Thôn không còn đất cho xây dựng NVH. Mình làm Trưởng thôn, không gương mẫu, không hi sinh trước, nói ai nghe. Mình tình nguyện hiến đất và vận động em dì, chính là Bí thư Chi bộ cùng hiến đất nữa mới đủ diện tích". Toàn bộ hơn 600m2 của NVH thôn và khuôn viên bây giờ là đất của hai gia đình Trưởng thôn và Bí thư Chi bộ hiến tặng.

Huy động sức dân, xã hội hóa cho đầu tư các công trình cộng đồng không phải là bài học mới nhưng làm thế nào để có hiệu quả, thành công, tạo sự đồng thuận cao còn cần đến cả sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ. Việc đạt chuẩn thiết chế NVH ở cả hai xã NTM này có cả yếu tố đó. Theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, Minh Thành cần đóng góp 20% kinh phí xây dựng NVH.

Nhà văn hóa nằm trong tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa trong bộ 19 tiêu chí nông thôn mới. "Chuẩn" tiêu chí này quy định, xã nông thôn mới 100% các thôn có nhà văn hóa đạt quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, ở miền núi, nhà văn hóa thôn đạt chuẩn nông thôn mới phải có: diện tích đất quy hoạch từ 200m2 trở lên; quy mô xây dựng từ 80 chỗ ngồi trở lên; trang thiết bị có được 80% trở lên…

Nguồn lực đầu tư trang thiết bị theo chuẩn cũng phải tự lực. Việc đóng góp cho NVH khi đó quả thực là chuyện khó khăn đối với người dân thôn Minh Thành hơn nhiều thôn khác vì là thôn duy nhất trong xã chưa có một mét đường bê tông nào khi bắt tay vào xây dựng NTM nên trước đó nhân dân vừa phải đóng góp lớn cho làm đường giao thông nông thôn. Hiểu khó khăn của người dân nhưng không thể không làm, những người có trách nhiệm đã kiên trì không chỉ vận động mà còn tích cực động viên người dân cùng nhau nỗ lực vì lợi ích chung. Cuối cùng, hơn 70 triệu đồng đã được người dân đóng góp hoàn thành khung NVH. Huy động nguồn lực đầu tư trang thiết bị, cán bộ thôn đã chủ động gửi hàng trăm bức thư tới con em của thôn đang sinh sống làm ăn ở nơi khác kêu gọi ủng hộ và vận động nhân dân tiếp tục góp công, góp của.

Bí thư Chi bộ thôn kể lại: "Nhà nào khó khăn hơn thì đóng góp làm nhiều lần. Ai không có điều kiện góp của thì góp công, tất cả đã góp được 120 ngày công và nhiều vật liệu để xây dựng công trình phụ trợ NVH". Từ những cách này, Minh Thành đã huy động được 34 triệu đồng nguồn xã hội hóa đầu tư các công trình phụ trợ và trang thiết bị cho NVH thôn để đạt chuẩn. Ông Nguyễn Đức Luận - Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc cho biết: "Không chỉ Minh Thành mà các thôn đã rất tích cực, chủ động và năng động trong huy động nguồn lực đóng góp cùng Nhà nước hoàn thành xây dựng và đầu tư trang thiết bị NVH. Nhờ đó, trong 4 năm xây dựng NTM, toàn xã đã xây dựng mới 6 NVH, cùng với 3 NVH được xây dựng trước đó, đã hoàn thành tiêu chí thiết chế NVH, góp phần quan trọng hoàn thành tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa".

Thôn Nhân Nghĩa 2 (Báo Đáp) lại dùng cách kêu gọi con em xa quê ủng hộ trước. Khi đã nhận được sự ủng hộ của lực lượng này rồi mới tiến hành vận động nhân dân đóng góp. Trưởng thôn Nguyễn Văn Phong cho hay: "Mình nói với bà con rằng, những người ở xa họ không được hưởng thụ trực tiếp từ công trình NVH mà vẫn đóng góp nữa là bà con mình ở đây. Hơn nữa, các thôn khác đã có NVH hết cả rồi, người ta làm được sao mình không làm được. "Giương Đông kích Tây", thế là bà con nhanh chóng đóng góp, công trình NVH được hoàn thành".

Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp đánh giá: "Tuy làm sau cùng nhưng NVH thôn Nhân Nghĩa 2 lại được làm tốt nhất". Còn Trưởng thôn Phong khẳng định: "Quan trọng nhất vẫn là huy động được nguồn lực nhân dân". Và "Điều quan trọng trong huy động nguồn lực nhân dân là phải sáng tạo bằng mọi cách có thể và công khai, dân chủ, tạo sự tin tưởng thì mới tạo được sự đồng thuận từ tư tưởng và hành động của người dân" - Chủ tịch xã Tuy Lộc đúc kết từ kinh nghiệm của chính xã mình cho không chỉ việc xây dựng NVH. Chắc chắn, đó cũng không chỉ là kinh nghiệm của riêng Tuy Lộc hay Báo Đáp.

Hạnh Quyên

Các tin khác
Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân xã Minh Bảo tham gia trồng cây xanh, tạo cảnh quan dọc tuyến đường thôn Trực Bình.

Người dân thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đoàn kết, cùng chung sức xây dựng mô hình Khu dân cư “Xanh - Hạnh phúc” để tạo điểm nhấn và “nâng chất” các tiêu chí NTM, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Người dân xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trồng rừng gỗ lớn, góp phần bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân (ND) trồng và mở rộng diện tích rừng gắn với xây dựng tín chỉ carbon, góp phần mang lại môi trường sống xanh cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục