Xây dựng nông thôn mới ở Hát Lừu: Lợi ích người dân là động lực

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/6/2016 | 3:46:22 PM

YBĐT- Hát Lừu là xã được huyện Trạm Tấu lựa chọn làm điểm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng bằng nhiều giải pháp, nhất là tập trung vận động nhân dân hưởng ứng XDNTM, đến nay, xã đã đạt 12/19 tiêu chí; phấn đấu đến năm 2020, xã được công nhận là xã nông thôn mới.

Lãnh đạo xã Hát Lừu kiểm tra, động viên người dân lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống lúa để xóa đói giảm nghèo.
(Ảnh: Thanh Hương)
Lãnh đạo xã Hát Lừu kiểm tra, động viên người dân lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống lúa để xóa đói giảm nghèo. (Ảnh: Thanh Hương)

Với gần 4.000 nhân khẩu sinh sống rải rác ở 5 thôn, bản, trong đó xã có tới trên 99% dân số là đồng bào dân tộc Thái. Bắt tay vào XDNTM, Hát Lừu gặp không ít khó khăn. Đó là: một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa có nhận thức đầy đủ; còn lúng túng trong chỉ đạo; tuyên truyền, vận động chưa sâu rộng; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống kinh tế, thu nhập của nhân dân chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp, chưa có nhiều mô hình phát triển sản xuất. Thậm chí, khi có mô hình điển hình thì việc áp dụng, nhân ra diện rộng còn chậm, nguồn lực thực hiện Chương trình hạn chế...

Đứng trước những khó khăn đó, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo ban hành nghị quyết, chương trình hành động XDNTM, phân công, gắn trách nhiệm của thành viên ban chỉ đạo XDNTM của xã, đồng thời cụ thể các chủ trương thành các đề án, chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và hỗ trợ các chương trình phát triển kinh tế. Đặc biệt là tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia XDNTM, trong đó có việc đóng góp công sức của nhân dân để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh.

Đến nay, toàn xã đã huy động người dân tham gia trên 8 ngàn ngày công để đổ bê tông, mở rộng, mở mới trên 7 km đường giao thông nông thôn, nhiều người hiến đất để xã xây dựng các công trình đường giao thông, trường học, hệ thống thủy lợi...

Tiêu biểu như hộ gia đình ông Lò Văn Làn ở thôn Hát 2 hiến trên 1.000 m2 đất, gia đình bà Hoàng Thị Lôi ở thôn Hát 2 hiến 1.000 m2 đất, ông Hoàng Văn Thà ở thôn Lừu 2 hiến gần 700 m2 đất... để làm đường.

Bên cạnh đó, Hát Lừu còn triển khai thực hiện mô hình giảm nghèo bền vững như: mô hình nuôi cá, nuôi lợn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Đồng thời, chính quyền địa phương phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm, tăng cường nguồn vốn vay ưu đãi cho phát triển sản xuất. Đến nay, xã Hát Lừu đã hoàn thành 12/19 tiêu chí.

Đó là: quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, bưu điện, cơ sở vật chất văn hóa, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, giáo dục, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, an ninh trật tự xã hội.

Đồng chí Lò Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết: “Do cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể quan tâm chỉ đạo, cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu thực hiện nên thời gian qua, phong trào XDNTM ở Hát Lừu đã có sức lan tỏa rộng khắp trong toàn xã. Người dân tin tưởng, phấn khởi hưởng ứng tham gia. Vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư được nâng lên. Tuy nhiên, trong XDNTM ở Hát Lừu hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn với 65% số hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 10 triệu đồng/năm và khó khăn nhất vẫn là vấn đề nhận thức. Do vậy, thời gian tới, chúng tôi tập trung cho công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động sâu rộng hơn nữa để quyết tâm của cấp ủy, chính quyền xã cùng với nguồn lực trong cộng đồng sớm xây dựng Hát Lừu đạt chuẩn xã nông thôn mới”.

Phấn đấu đến năm 2020, xã có kết cấu hạ tầng hiện đại theo quy hoạch, có cơ cấu kinh tế và hình thức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông - lâm nghiệp với phát triển dịch vụ; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh trật tự bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng cao... Hát Lừu sẽ căn cứ theo tình hình thực tế để huy động các nguồn lực vừa bảo đảm mục tiêu vừa huy động được sức dân. Theo đó, xã đề cao vai trò, trách nhiệm của người dân với cộng đồng, chủ động lồng ghép các chương trình, lựa chọn những dự án cần ưu tiên, phù hợp thực tế với mong muốn đạt được hiệu quả tối đa nguồn lực, vai trò chủ thể của người dân được phát huy.

Mục tiêu cơ bản, chủ yếu của XDNTM là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Trong thực hiện cần xác định: 19 tiêu chí là mục tiêu, xây dựng cơ sở hạ tầng là tiền đề, phát triển sản xuất là trọng tâm, lợi ích người dân là động lực. Đặc biệt, sự tham gia của cộng đồng dân cư là yếu tố quyết định thành công.

Thành Trung

Các tin khác
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh tự tin giới thiệu sản phẩm STEM với các vị khách, các nhà tài trợ Hàn Quốc.

Mô hình “Trường học hạnh phúc” được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai từ năm 2019 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước, trong đó có Yên Bái.

100% tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã Hòa Cuông hiện đã được bê tông hóa, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện.

Đón xuân mới Giáp Thìn 2024, Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên thêm hân hoan khi chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nâng cao đã cán đích thành công.

Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số đo lường hạnh phúc của người dân vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Người dân xã Hán Đà, huyện Yên Bình đến Bộ phận Phục vụ hành chính công xã giải quyết thủ tục hành chính.

Nâng cao chỉ số hạnh phúc (CSHP) cho người dân, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường... Đặc biệt, đã quan tâm bố trí nguồn lực và ban hành các chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân quyết tâm phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục