Du xuân trên sông Hồng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/2/2014 | 3:01:30 PM

YBĐT - Những ngày đầu xuân này, tôi đã chọn cho mình chuyến đi lễ chùa dọc theo gần 120km sông Hồng đoạn chảy qua địa phận Yên Bái bằng thuyền máy cùng các cụ bà - những người cả đời chưa bao giờ biết đến các phương tiện đi lễ hội khác.

Du khách thập phương đến lễ hội đền Nhược Sơn.
(Ảnh: Hoàng Đô)
Du khách thập phương đến lễ hội đền Nhược Sơn. (Ảnh: Hoàng Đô)

Trong tâm thức tôi, dòng sông Hồng như một dải lụa hồng đẹp mê hồn và mềm mại biết bao. Nó len lỏi qua trùng xanh của núi rừng Văn Yên, chạy qua các bản làng trù phú của Trấn Yên, nhập vào hàng trăm mạch nguồn khe suối để rồi nghiêng mình hiền hòa giữa đôi bờ thành phố Yên Bái thân yêu. Với tâm niệm đó, những ngày đầu xuân này, tôi đã chọn cho mình chuyến đi lễ chùa dọc theo gần 120km sông Hồng đoạn chảy qua địa phận Yên Bái bằng thuyền máy  cùng các cụ bà  - những người cả đời chưa bao giờ biết đến các phương tiện đi lễ hội khác.

Người lái thuyền là ông Hải - một người đánh cá trên sông Hồng, đã có trên 35 năm làm nghề lái đò đưa khách qua sông và đi lễ hội. Ông cho biết, trước đây, khi các phương tiện còn chưa phát triển như bây giờ, ông thường đưa khách du lịch đi lễ bái trên tuyến hành trình này. Nhưng hơn chục năm rồi, ít có người thuê ông đi thuyền nữa.

Mùa này, sông Hồng cạn, nước trong hơn, nhiều đoạn sông thu lại còn rất nhỏ, những bãi cát trắng trải dài theo các triền bãi, nối tiếp với các bãi bồi, lẩn khuất trong đó là những mái nhà, những ngôi làng làm cho đoạn ngược dòng gần 70km - nơi điểm dòng sông Hồng chảy vào địa phận tỉnh Yên Bái -  dường như ngắn hơn. Tiếng thuyền máy, mùi nước sông nồng nồng, mùi đất phù sa ngai ngái làm tôi có cảm giác như say. Rồi tiếng thuyền dường như nhỏ dần, tôi đã nghe trong không gian có tiếng trống hội, tiếng gọi nhau í ới xen cả tiếng nhạc phường... mỗi lúc lại rõ hơn, dập dồn hơn. Ông Hải cho thuyền rẽ vào bờ. Màu cờ hội đã thấp thoáng trong màu xanh của lá, rồi mái đình cong vút hiện lên. Kia rồi, đền Đông Cuông - điểm đến đầu tiên của chúng tôi.

Ngôi đền đã có từ lâu đời, được nhân dân trong vùng xây dựng và bảo vệ. Trước khi sắp lễ, tôi mẩn mê đi vòng quanh đền. Lâu lắm rồi mới cảm thấy thư thái đến vậy. Quả đúng như mọi người nhận xét, đền mang dáng dấp kiến trúc của đền chùa truyền thống, góc mái ngói cong và hình lưỡng long chầu nhật. Các cột được làm bằng gỗ tứ thiết, được sơn son thiếp vàng hình rồng cuốn trang nghiêm. Trong mùi hương khói trầm mặc, những lời thỉnh cầu lễ bái như linh thiêng hơn.

Trước lúc dời chân, tôi còn đọc mãi những dòng trên bia: “Đền Đông Cuông thờ Cao Quan Đại Vương, huý là Thổ Lệnh và Thạch Khanh, đã có công chu du thiên hạ, tìm phương thuốc quí để chữa bệnh cho nhân dân. Đến khi mất lại rất linh ứng, ngầm theo để giúp các vị tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương, được nhân dân suy tôn, vua gia phong là “Thần vệ quốc” và đã hoá thân thành Mẫu Thượng Ngàn, là người mẹ của vũ trụ”.

Rời Đông Cuông, chúng tôi đến một ngôi đền cũng nổi tiếng gần xa, đó là đền Nhược Sơn. Đền là nơi thờ vị tướng Hà Chương, Hà Đặc (người dân tộc Tày) đã có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên lần thứ hai xâm lược dưới thời nhà Trần. Lễ hội được tổ chức vào ngày 20 tháng giêng (âm lịch) và ngày 20/9 (âm lịch) hàng năm. Đền Nhược Sơn là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia hiện đang được trùng tu, tôn tạo.

Sau khi hành lễ ở hai đền trên, xuôi dòng sông Hồng về thành phố Yên Bái. Chẳng mấy chốc, tượng đài bến Âu Lâu - Di tích lịch sử cấp quốc gia đã hiện ra trước mắt, oai phong sừng sững. Chỉ tay sang phía đối diện khu di tích bến Âu Lâu, ông Hải cho biết, ngôi đền trầm mặc dưới tán cây là di tích đền Bà Áo Trắng. Ngôi đền nằm ở ngã ba hợp lưu với Ngòi Lâu thuộc địa phận thôn 3, phường Hợp Minh.

Đền Bà Áo Trắng thờ Mẫu Đệ Tam - Thoải Phủ linh thiêng cai quản miền sông nước, biển cả. Đặc biệt, đền Bà Áo Trắng còn gắn liền với những sự kiện lịch sử cách mạng (1945 - 1954), là nơi hoạt động của du kích địa phương; nơi Bộ Tư lệnh Liên khu 10 tổ chức lớp học quân chính năm 1948; nơi giới thiệu những cán bộ ưu tú người địa phương cho Đảng xem xét kết nạp; là trạm dưỡng thương; nơi tập kết cán bộ, bộ đội, dân công, lương thực và vũ khí phục vụ các chiến dịch lớn như Lê Hồng Phong (1950), Lý Thường Kiệt (1951), Tây Bắc (1952) và Điện Biên Phủ (1954).

Sau điểm dừng chân ở khu di tích đền Bà Áo Trắng, thuyền lao ra giữa dòng, băng băng rẽ nước, chỉ tích tắc cập bờ. Chúng tôi đi dọc bãi bồi rồi đi trên tuyến hành lang kè vào chùa Ngọc Am (pháp danh "Tùng Lâm Tự"). Đây là ngôi chùa nổi tiếng có kiến trúc đẹp ở thành phố. Sau khi chiêm bái, tôi tìm chỗ cao nhất để thoả thuê ngắm nhìn cảnh vật xung quanh và thừa nhận một điều phong cảnh quả là hữu tình, chẳng thế mà sử sách mãi còn ghi thời cuối triều Nguyễn (thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20) một thời hưng thịnh trên bến dưới thuyền của một số nhà buôn và chủ thuyền vận tải đường sông người Việt ở Kẻ Chợ (Hà Nội), Trúc Phê (Hưng Hóa) và Bạch Hạc đến đây buôn bán, vận chuyển thuê khí giới, quân nhu cho quân đội Pháp...

Lễ xong, không trở lại thuyền máy mà đề nghị ông Hải cứ cho thuyền trôi,  chúng tôi đi bộ theo đường kè bờ sông để đi đến chùa Bách Lẫm được ngắm nhìn thành phố Yên Bái thanh bình hai bên sông Hồng. Chừng 20 phút, chúng tôi đã đến nơi.

Năm nay, cổng chùa Bách Lẫm có sự thay đổi. Nằm ở địa thế cao trên một quả đồi, vì sự lâu dài của nó nên người ta đã tiến hành xây kè kiên cố quanh chùa, bởi thế nên đường lên chùa còn nhỏ, hẹp, quanh co nhưng rất nhộn nhịp, người đi lễ, người đi chợ vì ngay dưới cổng vào phía trước bờ sông là chợ Yên Ninh (còn gọi là chợ Bến Đò). Chùa Bách Lẫm còn có tên gọi là đền Đông Cuông vọng, do vậy ở đây có nhiều hoạt động hát đồng, ghi sớ.

Lượm một cuốn sách viết về sự hình thành của chùa Bách Lẫm, tôi mới hiểu rõ giữa thế kỷ 19, tướng cờ đen Lưu Vĩnh Phúc về thăm ải Bách Lẫm, thấy nơi đây hiển linh đã cho rước tượng Thánh Mẫu lên địa điểm ngày nay và xây dựng miếu to đẹp hơn trước, từ đó miếu trở thành đền. Qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, chùa Bách Lẫm vẫn luôn thu hút nhiều người đến cầu bái.

Tiếp tục hành trình, ông Hải đưa chúng tôi đến di tích đền Tuần Quán. Trước khi thuyền cập bờ, ông Hải nheo mắt chỉ tay về phía Đền kể rằng, ngôi đền này rất thiêng, trước kia đền rất nhỏ, nằm quay mặt ra sông Hồng, lưng dựa vào chân dãy gò bát úp. Những năm 1980, đền còn được ít người biết đến nhưng lần nào đưa khách đi lễ, ông cũng cập bờ vào. Những người khách của ông xưa kia nay đã cao tuổi nhưng khi nhớ về những ngày đi lễ ở đây họ đều may mắn, gia đình hiện nay rất ấm êm, hạnh phúc.

Theo “Hồ sơ Di tích đền Tuần Quán” có ghi thì vào chiều 9/2/1930, các chí sĩ yêu nước của Việt Nam Quốc dân Đảng thuộc Chi bộ Xuân Lũng (Phú Thọ) đã đóng giả làm người hành hương mang theo súng đạn, dao và bom tự tạo hòa vào dòng người trảy hội đền Tuần Quán vào đền bái lễ để bàn kế hoạch khởi nghĩa Yên Bái và đúng 10h đêm ngày hôm sau thì cuộc khởi nghĩa Yên Bái nổ ra.Tôi nhẩm tính, ngôi đền có nhẽ cũng phải có vài trăm tuổi. Chắc chắn người xưa đã không nhầm khi chọn đây là mảnh đất thiêng mà thế và địa hình ở đây rất đẹp, thuận hòa với cảnh nước non, phù hợp với lòng người đi lễ.

Rời đền Tuần Quán lúc chiều muộn, chúng tôi xuôi về cụm di tích đền Quốc Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ - nơi tiếp giáp mảnh đất Yên Bái. Lúc này, trời đã tối hẳn, không còn cảnh chen chúc đặt lễ, không gian nhà đền thực sự thoáng và sạch sẽ. Tôi sắp lễ, nhờ thủ nhang đền kêu cầu rồi ra ngoài vãn cảnh đền.

“Đền làm kiểu chữ nhất 5 gian kiến trúc đơn sơ mà vững chãi, dựng trên một khoảng đất cao, giữa cánh đồng rộng, sau đền có cây đa cổ thụ, cành lá xum xuê trùm gần kín đền, tạo nên nét thâm nghiêm phù hợp với tư duy tín ngưỡng cổ truyền. Tại đây, du khách được thắp hương, chiêm bái trước tượng hình Mẫu và có thể quan sát thấy toàn bộ tượng trong các điện thờ toát lên một vẻ đẹp thanh cao, đôn hậu của phụ nữ Việt Nam” - tôi tranh thủ đọc nhanh lịch sử ngôi đền rồi cùng mọi người ra về cho kịp thời gian.

Chuyến du xuân của tôi theo dòng sông Hồng đoạn qua Yên Bái kết thúc, đọng lại trong tôi là sự bình an, thư thái. Tôi cũng có dịp ngẫm và thấu hơn về những điều chân, thiện, mỹ. Vẫn biết bây giờ, việc đi lễ theo hành trình này còn ít người chọn lựa nhưng với ai yêu thích một điều mới mẻ cũng nên tìm về chốn tâm linh theo hành trình sóng nước sông Hồng để tìm hiểu thêm những điều còn chưa khám phá.

Nguyễn Thanh

Các tin khác
Nghi thức tế lễ trong Lễ hội

Ngày 25/4 (tức 17/3 Giáp Thìn), phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái tổ chức Lễ hội Giỗ Mẫu đền Bà Áo Trắng năm 2024. Dự Lễ hội có đồng chí Hoàng Thị Vĩnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Tour du lịch lịch sử

Những ngày này, huyện Trấn Yên đang tích cực chuẩn bị ra mắt tour du lịch “Theo dấu chân anh hùng” và chung kết Cuộc thi “Em hát về địa chỉ đỏ”, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 07/5/2024) và 79 năm thành lập Chiến khu Vần (5/1945 - 5/2024).

Cơ sở lưu trú Mộc Homestay thị trấn Mù Cang Chải sẵn sàng đón khách

Huyện Mù Cang Chải hiện có 104 dịch vụ homestay, nhà nghỉ và 70 cơ sở nhà hàng, quán ăn. Các cơ sở đã sẵn sàng đón khách kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5.

Nhu cầu du lịch nội địa dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa hè này.

Ngày 24/4, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam ban hành Văn bản số 780/CDLQGVN-QLLH gửi Sở Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường bảo đảm an toàn trong các hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch hè 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục