“Đất trong mây”

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/2/2015 | 7:56:21 AM

YBĐT - Tôi chẳng nhớ đã bao lần lên với Suối Giàng. Vẫn cứ ngỡ đã hiểu rõ lắm về cái xứ sở của mù mây và những cánh rừng chè Shan tuyết cổ thụ có đến vài trăm năm tuổi ấy. Vậy nhưng, mỗi lần đến là một lần bỡ ngỡ, là những đổi thay diệu kỳ. Như “nàng công chúa ngủ quên”, Suối Giàng chợt bừng tỉnh trước những khát khao, kỳ vọng của người dân bản địa…

Thu hoạch chè Shan tuyết Suối Giàng.
(Ảnh: Thanh Miền)
Thu hoạch chè Shan tuyết Suối Giàng. (Ảnh: Thanh Miền)

Đẹp tựa miền cổ tích, nằm ở độ cao trung bình 1.371m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, tôi chẳng ngạc nhiên khi ai đó đã ví Suối Giàng như “Sa Pa thứ hai” của Việt Nam, cũng chẳng lấy làm lạ khi lượng du khách trong nước và quốc tế đổ về Suối Giàng bốn mùa trong năm tăng lên rõ rệt. Không còn gập ghềnh đá núi hay những cung đường cua tay áo tử thần, cứ theo con đường trải nhựa phẳng lỳ mà ngược đỉnh Chông Páo Mùa là đến tận trung tâm xã, trung tâm các thôn, bản. Thậm chí, đường bê tông đã được trải rộng, len sâu vào các vườn chè cổ thụ mọc lưng chừng núi...

Những đổi thay ấy xuất phát từ quyết tâm xây dựng Suối Giàng trở thành điểm nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái - văn hóa của tỉnh và huyện Văn Chấn. Niềm tự hào về miền đất thủy tổ của chè rừng Việt Nam bấy lâu bị lãng quên, giờ được du khách gần xa đánh thức bằng chính những giá trị đích thực của báu vật chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng cùng những giá trị nguyên sơ, thuần khiết, đa sắc màu văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Mông, Dao, Thái, Kinh sinh sống trên rẻo cao này.

Được triển khai thực hiện từ năm 2011, Đề án “Bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ, xây dựng khu du lịch Suối Giàng” đã lập xong quy hoạch và triển khai xây dựng hạ tầng. Nhịp sống hiện đại cùng với sự hiện hữu của một hai công trình kiến trúc mang hình hài phố thị thấp thoáng bên những nếp nhà cổ của đồng bào Mông bản địa chẳng những không làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc vốn có của miền thượng giới mà còn tạo nên nét chấm phá thi vị, như thực như mơ của một vùng đất đẹp tưởng chỉ có trong cổ tích.

Thung mây Suối Giàng (Ảnh: Hoàng Đô)

Nói về những chuyển động của địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Giàng A Đằng vui lắm! Không vui sao được khi Pang Cáng - bản trung tâm của xã, với 100% là đồng bào Mông sinh sống đã được chọn là nơi bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông tỉnh Yên Bái. Càng vui hơn khi những định hướng phát triển khu du lịch sinh thái và văn hóa Suối Giàng đang dần hiện hữu.

Ý thức bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc gắn với bảo tồn vùng chè cổ thụ đã thấm đến mỗi việc làm của từng người dân. Ở Pang Cáng hiện đã có 5 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng; 8 hộ chế biến, sản xuất chè theo phương thức cổ truyền ngay tại gia đình. Mục đích phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn, nhất là thỏa mãn nhu cầu được sử dụng những sản phẩm chè thượng hạng do chính người bản địa cung cấp của khách tham quan. Bản văn hóa Pang Cáng đã được tỉnh đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt truyền thống bảo tồn văn hóa dân tộc Mông trị giá hơn 1 tỷ đồng. Một số nghề truyền thống của đồng bào Mông như nghề rèn, nghề đan lát, dệt thổ cẩm; các lễ hội: thi giã bánh dày, mừng cơm mới, lễ Cấp sắc, lễ cúng cây chè tổ... đang dần khôi phục.

Không thể phủ nhận Chương trình 135 của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ khác của Đảng và Nhà nước, của tỉnh Yên Bái và huyện Văn Chấn ưu tiên cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là Đề án “Bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ” được triển khai đã tạo nên những đổi thay căn bản đối với nhiều thôn bản, nhiều gia đình, mở ra những tiềm năng, lợi thế mới, khơi dậy khát khao, ước mơ và cả quyết tâm dám nghĩ dám làm của một thế hệ mới mà Vàng A Hếnh là một điển hình. Được biết, trở về sau chuyến tham quan học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng tại Bản Lác (Hòa Bình), năm 2014, chàng trai trẻ tuổi này đã đầu tư trên 500 triệu đồng dựng lên ngôi nhà sàn to đẹp nhất bản văn hóa Pang Cáng, bên cạnh ngôi nhà cổ mấy đời của dòng họ.

A Hếnh chia sẻ: “Ngôi nhà truyền thống của mình chỉ để mình ở, còn khách du lịch khắp nơi, nhất là khách du lịch nước ngoài thì cần chuẩn bị cho họ chỗ ăn nghỉ đàng hoàng hơn. Quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn về con người và tài sản cho khách để lần sau họ còn muốn trở lại với mình. Mình làm không tốt, địa phương mang tiếng xấu. Một mình mình không thể làm du lịch cộng đồng mà phải người dân cả bản, cả xã cùng tham gia thì mọi người mới cùng phát triển được kinh tế...”. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao khi đặt mục tiêu phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế mũi nhọn từ cây chè Shan tuyết, cả Bí thư Giàng A Đằng và Chủ tịch Sổng A Nủ lại tin tưởng và kỳ vọng vào thành công đến thế... 

Dạo qua những vườn chè cổ thụ rộng gần 400ha, thả hồn vào hương chè rừng ngan ngát, mê hoặc, trong sóng sánh của dư vị đắng - ngọt mềm môi, tôi chợt nhớ tới những dòng cảm nhận còn được ghi lại trong cuốn sổ nhiều năm trước đã lưu tại xã Suối Giàng của ông M.K Djemukhatze - một chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu chè của thế giới, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ): “Tôi đã đi qua 120 nước có cây chè trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng. Phải chăng đây là nơi phát tích của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới…”.

Chè Suối Giàng giờ chẳng còn là thứ cây hoang dại. Nó đã và đang khẳng định thế mạnh là cây phát triển kinh tế mũi nhọn ở Suối Giàng. Với sản lượng khoảng 500 tấn búp tươi/năm, chè là nguồn thu nhập chính của 60% số hộ dân trong xã. Chè Shan tuyết Suối Giàng đã có những thương hiệu khẳng định đẳng cấp hàng đầu tại thị trường nội địa như: Đằng Trà, các sản phẩm chè Suối Giàng của Công ty Đức Thiện, Hợp tác xã Tuyết Sơn Trà... Thế nhưng, kỳ vọng đưa sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng vươn ra thị trường thế giới, nhất là vào được thị trường châu Âu mới là mục tiêu, đích đến của địa phương và những doanh nghiệp nợ duyên với vùng chè cổ này. Theo tính toán, diện tích chè Suối Giàng có thể mở rộng tới trên 1.000ha.

Bí thư Đảng ủy xã Giàng A Đằng cho hay, hai năm nay, các chuyên gia tư vấn người Pháp và người Việt đang nỗ lực tư vấn giúp địa phương về kinh nghiệm, quy trình chất lượng, chứng nhận bình đẳng để đưa sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng vào được thị trường châu Âu.

Ngắm nhìn đỉnh núi Suối Giàng nhạt nhòa mây phủ, tôi đã thấy phép nhiệm màu có thật ở đất này khi con số tỷ lệ hộ nghèo 5 năm qua của Suối Giàng đã giảm tới gần 20%. Trong đó, riêng năm 2014, xã đã giảm được từ 6 - 7% hộ nghèo, hiện còn 39,34%. Cái đói, cái nghèo đang lùi dần vào quá vãng. Miền “đất trong mây” Suối Giàng có được “đánh thức” bằng tặng vật của rừng? Tôi tin là có bởi lời thỉnh cầu trong lễ cúng cây chè tổ của người Mông nơi đây vẫn luôn ứng nghiệm. Càng tin hơn khi dự án tuyến đường nối Suối Giàng thông ra thị xã Nghĩa Lộ sớm được triển khai trong nay mai…

Minh Thúy

Các tin khác
Hải Phòng tổ chức lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2023 để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách và nhân dân

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại Khu đô thị Bắc sông Cấm (sức chứa 18.000 người), bắn pháo hoa cả tầm cao và tầm thấp.

Đua mô tô nước jeski trên hồ Thác Bà

Từ ngày 24/4 - 1/5, huyện Yên Bình sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động Ngày hội văn hóa, thể thao “Âm vang hồ Thác Bà” và khởi động các hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước năm 2024 đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Người dân địa phương thực hiện nghi thức dâng hương miếu Ông, miếu Bà trong Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2023

Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai hàng năm là nơi giao lưu, gặp gỡ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số và quảng bá thu hút du khách đến với Hà Giang.

Các tiết mục văn nghệ mang đậm sắc màu văn hóa xứ Nghệ tại lễ hội.

Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục