Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thị sát tổ chức lễ hội tại Phú Thọ

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/3/2015 | 7:00:42 AM

Ngày 18/3, đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh dẫn đầu đã có chuyến kiểm tra đột xuất công tác tổ chức lễ hội tại tỉnh Phú Thọ.

 

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh (thứ ba từ trái sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Chu Ngọc Anh (thứ hai từ trái sang) kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại Đình Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: VGP/Phương Liên

Phú Thọ là vùng đất cổ, là nơi phát tích của dân tộc nên số lượng các di sản vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh rất lớn. Tỉnh Phú Thọ có 300 di tích được xếp hạng các loại, trong đó có 1 di tích đặc biệt quốc gia (Đền Hùng), 73 di tích quốc gia, 266 di tích cấp tỉnh. Phú Thọ có tới 260 lễ hội các loại của các vùng, miền, các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2010 đến nay đã có 36 lễ hội được khôi phục.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Chu Ngọc Anh cho biết, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã từng bước đi vào nề nếp. Nội dung lễ hội phong phú, đa dạng, việc quản lý tài chính trong lễ hội được minh bạch, chặt chẽ, các vấn đề an ninh, bảo vệ môi trường được quan tâm, cho thấy sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân trong công tác tổ chức lễ hội.

Tuy nhiên, Chủ tịch tỉnh Phú Thọ cũng thẳng thắn thừa nhận, một số lễ hội còn tồn tại những tập tục cổ xưa khiến dư luận bất bình như lễ hội Cầu Trâu của xã Hương Nha và xã Xuân Quang, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Chính vì vậy, tỉnh Phú Thọ đang tiến hành rà soát các lễ hội, xác định các yếu tố phản cảm và sẽ tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi các phong tục tập quán gây phản cảm, có tác động tiêu cực đến xã hội. Tỉnh Phú Thọ sẽ nâng cao chất lượng lễ hội theo hướng bảo tồn có chọn lọc, loại bỏ những yếu tố phản tác dụng, không còn phù hợp.

Phát biểu tại buổi làm việc với đông đảo nhân dân 2 xã Hương Nha và Xuân Quang có lễ hội Cầu Trâu, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cho rằng nguyên tắc của việc tổ chức lễ hội dựa trên ý nguyện của cộng đồng, đề cao giá trị văn hóa tốt đẹp, giàu tính nhân văn, phù hợp thông lệ quốc tế và văn minh nhân loại; quan trọng nhất là phải đúng quy định của pháp luật.

Đối chiếu với những nguyên tắc trên, những tập tục không còn phù hợp sẽ được điều chỉnh lại theo hướng: có tập tục nên thôi hẳn, có tập tục nên lược bỏ một phần hoặc thay thế bằng hình thức khác, với tinh thần cái gì có lợi cho dân thì làm, cái gì có hại cho dân thì phải tránh. Như việc cấm đốt và kinh doanh pháo nổ trước đây cũng vậy, khi nguyện vọng chính đáng của đa số người dân được tôn trọng và bảo vệ, chắc chắn sẽ được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh rằng: "Đảng và Nhà nước ta có quan điểm rõ ràng rằng lễ hội là di sản văn hóa chứa đựng nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, văn hóa là sự thật, nếu sự thật đó là những hành vi bạo lực hoặc tái hiện những tập tục không còn phù hợp, phản cảm, tạo dư luận xã hội bức xúc... thì nên thay đổi. Không ai có thể bào chữa cho việc làm không hay.Những lễ hội có hành động phản cảm, không có tác dụng giáo dục, không đề cao tính nhân văn, thì chúng ta nên loại bỏ. Hiện tượng bạo lực “đâm trâu” ở lễ hội Cầu Trâu mà dư luận đã nêu theo chúng tôi không nên tiếp diễn, địa phương nên tìm hình thức nào hay hơn. Hàng ngày, con trâu ra đồng “cày sâu, cuốc bẫm” cho mình mà lại bị đối xử như thế thì đau lòng quá”.

Kết thúc buổi làm việc, đông đảo người dân 2 xã Hương Nha và Xuân Quang đã đồng ý với quan điểm của Bộ VHTT&DL về việc lễ hội Cầu Trâu vẫn diễn ra 5 năm/lần nhưng sẽ thay đổi cách tổ chức, không để những hình ảnh phản cảm, bạo lực tiếp diễn.

(Theo Chinhphu.vn)

Các tin khác
Chị Lò Thị Tuyên ở bản Lụ 1, xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ giới thiệu sản phẩm nông sản với du khách đến từ Nhật Bản.

Các homestay trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian đã thu hút số lượng lớn khách du lịch, nhất là khách ngoại quốc. Họ bị thu hút bởi các món ăn đặc sản, được khám phá bản sắc văn hóa dân tộc, được thư giãn trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của những bản làng bình yên mang đặc trưng Tây Bắc…

Các làng biển tại phường Nại Hiên Đông và quận Sơn Trà những ngày qua tàu thuyền về neo đậu, chuẩn bị các hoạt động cho Lễ hội Cầu ngư năm nay.

Những ngày qua, không khí tại khu vực biển phường Nại Hiên Đông và các phường ven biển quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) khá rộn ràng, tất bật bởi các hoạt động chuẩn bị cho Lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà năm 2024 (dự kiến sẽ diễn ra từ 28/3/2024 đến 31/3/2024).

Múa Dậm Thuông ở lễ hội Xo May.

Năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp xã Mường Lai tổ chức thành công Lễ hội Xo May. Đây là một trong những lễ hội lớn của huyện Lục Yên dịp đầu xuân mới với các hoạt động văn hóa Tày diễn ra trong không khí tưng bừng, sôi nổi, mang nhiều nét đẹp truyền thống, bản sắc riêng có của đồng bào địa phương.

Đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” xuất phát từ ga Huế đưa du khách vào TP Đà Nẵng.

Việc đưa vào khai thác đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” khu đoạn Huế - Đà Nẵng không chỉ góp phần đảm bảo kết nối giao thông của người dân giữa TP Huế và Đà Nẵng mà còn là trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với 2 thành phố du lịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục