Lễ cúng cơm mới của người Mông Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/10/2015 | 2:53:03 PM

YênBái - YBĐT - Đến với Mù Cang Chải vào mùa gặt, bạn không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên ngút ngàn hay thả hồn trên những triền ruộng bậc thang tít tắp đến tận lưng trời mà còn được tham dự, tìm hiểu lễ cúng cơm mới của người Mông. Lễ cúng cơm mới tiếng Mông gọi là “Nào máo blề xa”. Đây là nghi lễ nhằm cảm ơn tổ tiên, trời đất cho mưa thuận gió hòa, tránh được dịch bệnh, gia đình có được vụ mùa bội thu, cả năm no đủ, mọi người khỏe mạnh...

Với người Mông ở Mù Cang Chải, việc chọn ngày tổ chức Lễ cúng cơm mới không phụ thuộc vào một ngày nhất định trong năm mà phụ thuộc vào lúc lúa chín ở từng vùng (vụ thu hoạch lúa vào khoảng tháng 9 tháng 10 âm lịch). Việc tổ chức lễ cúng cơm mới đơn giản hay phức tạp tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Những gia đình có điều kiện, nhiều ruộng, nhiều gia súc trong lễ cúng cơm mới người ta có thể mổ lợn, gà, để mời tất cả những người thân trong dòng tộc và bạn bè đến dự để cùng hưởng niềm vui với gia đình trong mùa thu hoạch. Những gia đình có mức sống trung bình thì Lễ cúng cơm mới đơn giản hơn, chỉ cần nồi cơm và đĩa thịt gà hoặc thịt lợn để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, những người đã khuất.

Người Mông quan niệm rằng, cúng cơm mới là việc gọi hồn của lúa mới gặt trở về nhà. Mọi người trong gia đình đều tất bật. Phụ nữ trong gia đình thì lo việc giã gạo, nấu cơm, còn đàn ông thì bận rộn với công việc chuẩn bị cho lễ cúng và lo công việc bếp núc, đón tiếp đón khách. Điều đặc biệt là, các con vật hiến tế lần lượt được giết thịt và nhất thiết phải được làm tại nơi linh thiêng là khu vực ban thờ của gia đình.

Khi đồ lễ chuẩn bị xong thì sắp ra một mâm ở giữa nhà để chủ nhà - và bắt buộc phải là đàn ông ngồi trước mâm cúng tiến hành các nghi thức cúng tế truyền thống. Nội dung bài cúng đại ý rằng: Nhờ sự chăm sóc, phù hộ của ông bà, tổ tiên và sự lao động vất vả của cả gia đình, năm nay gia đình đã thu hoạch được nhiều thóc. Con cháu có cơm mới, có rượu và thịt con chưa ăn, con mời tổ tiên ông bà về ăn trước và chứng giám cho lòng thành của con cháu hôm nay. Mong tổ tiên xua đuổi những điều không may mắn để cuộc sống gia đình được bình yên hòa thuận, trời đất cho mưa thuận gió hòa, lúa tốt hạt nhiều, không bị thú rừng phá hoại…

Kết thúc nghi lễ, gia chủ cầm thìa cơm và đứng trước cửa chính để mời thần núi, thần nước về ăn cùng. Sau đó, người cúng lễ quay về ngồi bên mâm cúng và ăn mấy thìa cơm, có nghĩa là cùng ăn với tổ tiên cho vui. Sau đó, bày các mâm cỗ mời khách, họ hàng cùng ăn, uống vui vẻ với những lời chúc tốt đẹp nhất. Chỉ sau lễ cúng cơm mới, người Mông mới được sử dụng thóc mới. Đây là một nghi lễ quan trọng trong đời sống của đồng bào Mông trên vùng cao Mù Cang Chải và thể hiện nét văn hóa độc đáo, đạo lý làm người, hướng về cội nguồn tổ tiên, trời đất.

 A Cớ

Các tin khác
Nghi thức tế lễ trong Lễ hội

Ngày 25/4 (tức 17/3 Giáp Thìn), phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái tổ chức Lễ hội Giỗ Mẫu đền Bà Áo Trắng năm 2024. Dự Lễ hội có đồng chí Hoàng Thị Vĩnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Tour du lịch lịch sử

Những ngày này, huyện Trấn Yên đang tích cực chuẩn bị ra mắt tour du lịch “Theo dấu chân anh hùng” và chung kết Cuộc thi “Em hát về địa chỉ đỏ”, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 07/5/2024) và 79 năm thành lập Chiến khu Vần (5/1945 - 5/2024).

Cơ sở lưu trú Mộc Homestay thị trấn Mù Cang Chải sẵn sàng đón khách

Huyện Mù Cang Chải hiện có 104 dịch vụ homestay, nhà nghỉ và 70 cơ sở nhà hàng, quán ăn. Các cơ sở đã sẵn sàng đón khách kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5.

Nhu cầu du lịch nội địa dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa hè này.

Ngày 24/4, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam ban hành Văn bản số 780/CDLQGVN-QLLH gửi Sở Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường bảo đảm an toàn trong các hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch hè 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục