Nghĩa Lộ: Khởi sắc du lịch cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/1/2016 | 7:26:19 PM

YBĐT - Nếu như chỉ vài năm trước, khái niệm về du lịch cộng đồng (DLCĐ) còn khá mơ hồ với bà con thì giờ đây nhắc đến du lịch cộng đồng ở Nghĩa Lộ là gắn với hình ảnh nhà sàn bên vườn cây xanh mát, những món ăn đặc trưng mang hương vị núi rừng, những điệu múa, điệu xòe nồng say… thu hút đông đảo khách du lịch cả trong và ngoài nước.

Nhà du lịch cộng đồng của gia đình chị Lường Thị Hồng Chung, thôn Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ).
Nhà du lịch cộng đồng của gia đình chị Lường Thị Hồng Chung, thôn Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ).

Nghĩa Lộ đang bước đầu khẳng định vị thế, hiệu quả từ đầu tư phát triển DLCĐ gắn kết với bảo tồn văn hóa dân tộc, mang đến diện mạo mới cho vùng đất tươi đẹp này.

Hai căn nhà sàn rộng rãi, khang trang khiến ai khi đến nhà DLCĐ của chị Lường Thị Hồng Chung - thôn Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) cũng phải thốt lên: “Đẹp quá!”. Nắm bắt được nhu cầu của khách du lịch muốn hòa mình vào thiên nhiên, đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương, gia đình chị Chung quyết định cải tạo ngôi nhà sàn và đầu tư đầy đủ tiện nghi như tivi, tủ lạnh, mạng Internet.

Chị Chung chia sẻ: “Chúng tôi luôn tâm niệm, khách du lịch đến đây giống như thành viên trong gia đình, cùng tham gia mọi sinh hoạt thường ngày, tạo cảm giác thoải mái và gần gũi. Đối với người dân địa phương, trước nay chỉ quen với làm ruộng, chăn nuôi, bây giờ những công việc quen thuộc ấy là nguồn cung ứng thực phẩm sạch cho khách du lịch”.

Thực tế, thúc đẩy DLCĐ cũng chính là hỗ trợ người dân khôi phục và phát triển các nghề thủ công truyền thống, bảo tồn nét đẹp văn hóa lâu đời. Tại nhiều bản, các đội văn nghệ, tổ ẩm thực đã được thành lập, sẵn sàng phục vụ mỗi khi du khách đến thăm.

Hiện thị xã Nghĩa Lộ đang duy trì 13 câu lạc bộ, đội văn nghệ nòng cốt. Cũng nhờ phát triển DLCĐ, nếp sống của người dân đã thay đổi theo hướng tiến bộ khi bà con di chuyển vật nuôi ra xa nơi ở, sửa sang nhà sàn kết hợp xây mới nhiều công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; vệ sinh cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Qua đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Lợi ích kép từ DLCĐ là điểm nổi bật, dễ nhận thấy, tuy nhiên để phát triển DLCĐ đa dạng, phong phú, đi vào chiều sâu, phát huy được tiềm năng, thế mạnh thì làm thế nào để tuyên truyền, khai thác giá trị lịch sử vốn có nơi đây cũng là điều hết sức cần thiết. Theo bà Hoàng Thị Vân - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ: “Những năm gần đây, việc bảo tồn các nhạc cụ, sưu tầm giới thiệu các giá trị về văn học, nghệ thuật của đồng bào thông qua các tác phẩm dịch chữ Thái cổ luôn được chú trọng.

Bên cạnh Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Căng và Đồn - Nghĩa Lộ, Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh lâu nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Trong thời gian tới, thị xã có kế hoạch nghiên cứu khôi phục đền thờ Cầm Hánh nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ và là điểm tham quan mới cho du khách”.

Với vị thế thuận lợi để phát triển du lịch, Nghĩa Lộ còn là vùng đất tổ của tộc người Thái đen, nơi lưu giữ và trao truyền được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái Mường Lò, nơi của những điệu xòe đã tạo nên thương hiệu, nơi có Hội "Hạn Khuống", "Tết xíp xí" mang bản sắc văn hóa dân tộc đậm nét… Tất cả những nét đẹp ấy đã và đang được bảo tồn, trân trọng, gìn giữ. Qua đó, thu hút lượng khách du lịch đến với Nghĩa Lộ tăng dần qua từng năm từ 30.000 lượt khách năm 2013 lên trên 50.000 lượt khách trong năm 2015.

“Để thúc đẩy và đưa du lịch phát triển bền vững, cần có một chiến lược phát triển lâu dài, trên cơ sở tiếp thu những cái hay, cái tốt của các đơn vị bạn và tìm ra cho được một hướng đi cho riêng mình. Phát triển du lịch nhưng không đánh mất bản sắc văn hóa truyền thống, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái” - đó là khẳng định của bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ.

Hiện thị xã có khoảng gần 20 hộ dân đã và đang làm du lịch với hình thức du lịch "Homestay", tập trung tại bản Đêu, xã Nghĩa An và bản Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi. Với những hoạt động tích cực trong việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy văn hóa trong xây dựng thị xã văn hóa gắn với phát triển du lịch, thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều khởi sắc, kinh tế - xã hội từng bước phát triển, trên địa bàn không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4%/năm.

Có thể khẳng định, đầu tư phát triển DLCĐ gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một bước đi đúng đắn của thị xã Nghĩa Lộ. Hoạt động du lịch đã đem lại hiệu quả thiết thực. Với những gì đang triển khai, trong tương lai không xa Nghĩa Lộ sẽ không chỉ trở thành một thị xã văn hóa, mà còn trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của Yên Bái.

Mai Linh

Các tin khác
Chị Lò Thị Tuyên ở bản Lụ 1, xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ giới thiệu sản phẩm nông sản với du khách đến từ Nhật Bản.

Các homestay trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian đã thu hút số lượng lớn khách du lịch, nhất là khách ngoại quốc. Họ bị thu hút bởi các món ăn đặc sản, được khám phá bản sắc văn hóa dân tộc, được thư giãn trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của những bản làng bình yên mang đặc trưng Tây Bắc…

Các làng biển tại phường Nại Hiên Đông và quận Sơn Trà những ngày qua tàu thuyền về neo đậu, chuẩn bị các hoạt động cho Lễ hội Cầu ngư năm nay.

Những ngày qua, không khí tại khu vực biển phường Nại Hiên Đông và các phường ven biển quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) khá rộn ràng, tất bật bởi các hoạt động chuẩn bị cho Lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà năm 2024 (dự kiến sẽ diễn ra từ 28/3/2024 đến 31/3/2024).

Múa Dậm Thuông ở lễ hội Xo May.

Năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp xã Mường Lai tổ chức thành công Lễ hội Xo May. Đây là một trong những lễ hội lớn của huyện Lục Yên dịp đầu xuân mới với các hoạt động văn hóa Tày diễn ra trong không khí tưng bừng, sôi nổi, mang nhiều nét đẹp truyền thống, bản sắc riêng có của đồng bào địa phương.

Đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” xuất phát từ ga Huế đưa du khách vào TP Đà Nẵng.

Việc đưa vào khai thác đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” khu đoạn Huế - Đà Nẵng không chỉ góp phần đảm bảo kết nối giao thông của người dân giữa TP Huế và Đà Nẵng mà còn là trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với 2 thành phố du lịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục