Tuần du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2016 Lai Châu - điểm đến hấp dẫn của du lịch và đầu tư

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/4/2016 | 10:02:48 AM

“Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt/ Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều/ Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch/ Em gội đầu để suối suốt đời reo” đó là những vần thơ thật giàu hình ảnh và vô cùng quyến rũ về mảnh đất Lai Châu - điểm du lịch mới mẻ, hấp dẫn của du khách ưa tìm về nét hoang sơ, khám phá. “Điểm hẹn” cho các nhà đầu tư với tiềm năng xứ núi và hứa hẹn những cơ hội phát triển.

Chợ phiên của người dân bản địa ở Lai Châu.
Chợ phiên của người dân bản địa ở Lai Châu.

Miền đất sơn thủy hữu tình

Nằm ở nơi “Trái tim đập không một ai nhìn thấy/ Phía ven trời Tây Bắc có Lai Châu”. Với vẻ đẹp kỳ vĩ, thời gian qua, nhiều du khách đã tìm đến Lai Châu du lịch, khám phá. Chị Phan Bích Thủy - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi có dịp biết đến tỉnh Lai Châu qua các bài viết ở các trang web quảng bá và xúc tiến du lịch trên mạng Internet. Đam mê nhiếp ảnh nên sau khi tìm hiểu kỹ, tôi đã liên lạc với một người bạn ở Lai Châu và đến thăm mảnh đất này. Hành trình du lịch thoải mái ở xứ núi sau khoảng thời gian làm việc vất vả nơi đô thị khiến tôi rất hài lòng. Vui hơn khi ở nơi này, tôi đã ghi được những khung hình đẹp, bắt gặp khoảnh khắc hoàng hôn rất riêng trên các hồ thành phố Lai Châu và xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) hay cao nguyên Sìn Hồ”.

Đến Lai Châu, du khách nên tận hưởng không khí các bản làng qua những tour du lịch cộng đồng từ huyện này sang huyện khác. Trong những bản làng ấy, du khách cùng ăn, nghỉ, sinh hoạt tại bản dân tộc: Thái, Lự, Lào… thưởng thức ẩm thực dân tộc và ngắm cảnh sắc thiên nhiên trong bản làng yên bình. Dân ca, dân vũ và nghề truyền thống: thêu thùa, làm bánh, rèn, đan lát của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây cũng gây hứng thú với không ít du khách vì cách làm thủ công, tỉ mẩn với sản phẩm độc đáo, in đậm dấu ấn vùng miền.

Một trong những nguyên nhân “níu lòng” du khách trong và ngoài nước còn ở các cung đường đèo dốc như chuyến đi qua sương, qua gió, luồn núi, băng khe. Đó là hành trình “phượt” thú vị với những người đam mê mạo hiểm, thích chinh phục thiên nhiên. Vượt qua những con dốc như “leo lên lưng trời”, để rồi khi đứng giữa cung đèo nhìn lại chặng đường đã qua tựa sợi chỉ vắt ngang núi, du khách chỉ còn cảm giác chinh phục và thỏa sức phóng tầm mắt ra xa để thưởng ngoạn.

Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi với nhiều điểm du lịch đang được quảng bá, quy hoạch như hệ thống hang động Pu Sam Cáp và Gia Khâu (thành phố Lai Châu); động Tiên Sơn, thác Tác Tình (huyện Tam Đường); suối nước nóng Vàng Bó (huyện Phong Thổ); núi Đá ô (huyện Sìn Hồ); rừng Pú Đao (huyện Nậm Nhùn)… Lịch sử cũng in dấu nơi đây với nhiều địa danh gắn liền với truyền thuyết như dinh thự Đèo Văn Long, bia Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn); khu di tích bản Lướt (huyện Than Uyên), miếu Nàng Han (huyện Phong Thổ)...

Đến thăm Lai Châu vào dịp cuối tuần, du khách có dịp ghé thăm các chợ phiên đã tạo thành “thương hiệu” nơi đây như: Sìn Hồ, San Thàng (thành phố Lai Châu), Dào San, Sì Lờ Lầu (huyện Phong Thổ). Các sản vật núi rừng được bày bán và đặc biệt là sự chan hòa, cởi mở, chân thành của người dân khiến du khách thêm phần quyến luyến mảnh đất, con người nơi đây. Còn đến Lai Châu dịp đầu xuân mới, trong các lễ hội, du khách sẽ được “lạc” trong muôn sắc màu thổ cẩm và có cơ hội hiểu thêm về các phong tục, tập quán của người dân bản địa.

“Đất hứa” của các nhà đầu tư

Với diện tích tự nhiên trên 900.000 ha (đất chưa sử dụng chiếm đến trên 49.000 ha) và là vùng đầu nguồn đặc biệt xung yếu của sông Đà, Lai Châu có nhiều thế mạnh vùng chưa được khai thác, xứng đáng là “đất hứa” của các nhà đầu tư để phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp - thủy sản. Hiện nay cung đường đến với Lai Châu đã thuận lợi cho thông thương hàng hóa, cùng với đó là Cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng đem đến những cơ hội kinh doanh hàng xuất nhập khẩu.

Đặc biệt phải kể đến tiềm năng du lịch bởi Lai Châu có độ cao trung bình trên 1.000 m, khí hậu bốn mùa tương đồng với 2 vùng du lịch nổi tiếng trong nước là: Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Lai Châu có 20 dân tộc anh em với bản sắc văn hóa dân tộc còn được gìn giữ nguyên vẹn. Tất cả những ưu thế đó mở ra thế mạnh du lịch sinh thái, cộng đồng, mạo hiểm và nghỉ dưỡng. Thời gian gần đây, Lai Châu đã tận dụng lợi thế để phát triển du lịch và thu được những kết quả khả quan, năm 2015, đã có 182.400 lượt du khách đến với Lai Châu, tổng doanh thu đạt 285,4 tỷ đồng.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Lai Châu đang tạo mọi điều kiện thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác, thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Ngoài cơ chế, chính sách thông thoáng, ưu đãi theo pháp luật, các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đến đầu tư tại đây sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về: đất đai, thuế, bảo lãnh tín dụng…

Các trung tâm: Tư vấn và Xúc tiến đầu tư, Thông tin và Xúc tiến du lịch, Khuyến công và xúc tiến thương mại sẽ tư vấn, hỗ trợ cho nhà đầu tư. Đồng thời, cung cấp thông tin để doanh nghiệp lựa chọn, xây dựng phương án triển khai dự án đầu tư.

Từ khi chia tách và thành lập, đến nay Lai Châu đã thu hút hơn 160 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chắc chắn với nguồn tài nguyên sẵn có và chính sách hợp lý, Lai Châu sẽ tiếp tục thu hút đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất. Đặc biệt tại Tuần Du lịch - Văn hóa được tổ chức tại Lai Châu từ ngày 27 - 30/4/2016 tới sẽ giúp cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về Lai Châu. Từ đó, đẩy mạnh kết nối các tour du lịch đến các tỉnh bạn, quảng bá sản phẩm địa phương và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

(Theo Báo Lai Châu)

Các tin khác
Hải Phòng tổ chức lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2023 để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách và nhân dân

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại Khu đô thị Bắc sông Cấm (sức chứa 18.000 người), bắn pháo hoa cả tầm cao và tầm thấp.

Đua mô tô nước jeski trên hồ Thác Bà

Từ ngày 24/4 - 1/5, huyện Yên Bình sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động Ngày hội văn hóa, thể thao “Âm vang hồ Thác Bà” và khởi động các hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước năm 2024 đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Người dân địa phương thực hiện nghi thức dâng hương miếu Ông, miếu Bà trong Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2023

Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai hàng năm là nơi giao lưu, gặp gỡ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số và quảng bá thu hút du khách đến với Hà Giang.

Các tiết mục văn nghệ mang đậm sắc màu văn hóa xứ Nghệ tại lễ hội.

Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục