Mùa lễ hội 2017: Không còn tổ chức chém lợn, treo cổ trâu

  • Cập nhật: Thứ bảy, 25/2/2017 | 8:17:39 AM

Ngày 24/2 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội Xuân Đinh Dậu năm 2017 nhằm đánh giá kết quả, xác định những điểm còn hạn chế, từ đó định hướng quản lý va tổ chức lễ hội trong thời gian tới.

Cướp phết tại lễ hội phết Hiền Quan.
Cướp phết tại lễ hội phết Hiền Quan.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã đề nghị các đại biểu dự hội nghị không nói chung chung mà cần đi vào thực chất, thẳng thắn trao đổi, chỉ rõ những mặt còn hạn chế cùng các kiến nghị, đề xuất hướng giải quyết để mùa lễ hội năm 2017 đạt được kết quả tốt nhất.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Trịnh Thị Thủy nêu rõ các sinh hoạt lễ hội truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm linh và giải trí của nhân dân, góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Thông qua nội dung tổ chức lễ hội, hệ thống di tích, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại các địa phương ngày càng được quan tâm hơn. Hầu hết các lễ hội diễn ra đầu Xuân Đinh Dậu năm 2017, không còn trường hợp đổi tiền lẻ công khai; không xảy ra trường hợp tai nạn, cháy nổ; tình trạng nâng giá, ép giá, tệ nạn cờ bạc, hoạt động mê tín dị đoan, mất vệ sinh, ăn xin,... đã giảm nhiều so với mùa lễ hội trước.

Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ hai không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ. Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi đảm bảo cho hoạt động lễ hội diễn ra an toàn; lễ hội Cầu Trâu xã Hương Nha (Phú Thọ) đã không tổ chức nghi thức đập đầu trâu mà thay bằng nghi thức thực hành trình diễn; lễ hội Đông Cuông (xã Đông Cuông, Văn Yên, Yên Bái) bỏ tục treo cổ trâu. 90 làng Cơ Tu huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam bỏ tục đâm trâu; lễ hội đền Trần Thái Bình không tổ chức lễ phát ấn như mùa lễ hội trước...

Tuy vậy, ở một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, còn biểu hiện thương mại hóa, vi phạm các quy định về quan lý và tổ chức lễ hội như: Hội thi chọi trâu không phép ở thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang và Hội chọi trâu huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái; việc tổ chức “khai ấn,” “phát ấn” tại lễ hội xuân Đinh Dậu của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, đền thờ Quang Trung Nghệ An...

Mặt khác, hiện tượng phản cảm như chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); tranh cướp bạo lực tại Hội Phết xã Hiền Quan (Phú Thọ), lợi dụng trò chơi đá gà để đánh bạc, ngả nón xin tiền tại hội Hội Lim, tỉnh Bắc Ninh... Đặc biệt, một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính, sử dụng xe công đi lễ hội như báo chí đã phản ánh…

Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đồng tình cho rằng đa số các lễ hội đã có chuyển biến tích cực, công tác vận động, tuyên truyền để cộng đồng nhân dân thay đổi nhận thức chưa đúng về lễ hội, chuyển đổi sang cách tổ chức tốt hơn, hạn chế được hình ảnh phản cảm đã được thực hiện tốt. Những vấn đề bất cập, phản cảm trong lễ hội được hạn chế rất nhiều.

Nhiều ý kiến thẳng thắn nêu rõ các vấn đề bất cập, phản cảm ở lễ hội mùa Xuân năm nay cũng chính là những tồn tại ở các mùa lễ hội trước và cần có thời gian, biện pháp lâu dài để giải quyết chứ không thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều. Mặt khác, nhiều đại biểu cũng đề nghị phải xác định rõ trách nhiệm của những bên liên quan trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội để có thưởng-phạt nghiêm minh chứ không nên “đổ” hết cho cơ quan quản lý nhà nước…

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định những hình ảnh phản cảm, không đẹp của lễ hội cần phải khắc phục nhằm giảm bớt, tiến tới khắc phục triệt để, đảm bảo lễ hội diễn ra đúng tinh thần văn minh. Việc loại bỏ dần những nghi lễ, tập tục chưa phù hợp ở các lễ hội truyền thống cũng không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà phải có sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng hiểu và tự nguyện làm theo cách thức mới thì hiệu quả mới bền vững.

Bộ trưởng cũng cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cũng như các địa phương không tạo cơ hội cho các cá nhân lợi dụng lễ hội để trục lợi, thương mại hóa nhưng cũng phải tính đến lợi ích kinh tế từ lễ hội, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng địa phương từ các hoạt động lễ hội, gắn lễ hội với phát triển du lịch bền vững...

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Nghi thức tế lễ trong Lễ hội

Ngày 25/4 (tức 17/3 Giáp Thìn), phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái tổ chức Lễ hội Giỗ Mẫu đền Bà Áo Trắng năm 2024. Dự Lễ hội có đồng chí Hoàng Thị Vĩnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Tour du lịch lịch sử

Những ngày này, huyện Trấn Yên đang tích cực chuẩn bị ra mắt tour du lịch “Theo dấu chân anh hùng” và chung kết Cuộc thi “Em hát về địa chỉ đỏ”, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 07/5/2024) và 79 năm thành lập Chiến khu Vần (5/1945 - 5/2024).

Cơ sở lưu trú Mộc Homestay thị trấn Mù Cang Chải sẵn sàng đón khách

Huyện Mù Cang Chải hiện có 104 dịch vụ homestay, nhà nghỉ và 70 cơ sở nhà hàng, quán ăn. Các cơ sở đã sẵn sàng đón khách kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5.

Nhu cầu du lịch nội địa dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa hè này.

Ngày 24/4, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam ban hành Văn bản số 780/CDLQGVN-QLLH gửi Sở Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường bảo đảm an toàn trong các hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch hè 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục