Hướng tới Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò năm 2018

Tiếp nối, giữ gìn dân ca, dân vũ Thái

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/9/2018 | 1:55:01 PM

YBĐT - Dân ca, dân vũ  - một phần làm nên vốn văn hóa đặc sắc của người Thái Mường Lò được lớp người già gìn giữ giờ tiếp tục được những người Thái trẻ như Minh, Linh hay Điệp tiếp nhận bằng cả tình yêu và lòng tự hào về văn hóa dân tộc.

Điêu Thị Huyền Linh thể hiện điệu múa dân gian Thái trong vòng chung khảo cuộc thi “Người đẹp Mường Lò” năm 2018.
Điêu Thị Huyền Linh thể hiện điệu múa dân gian Thái trong vòng chung khảo cuộc thi “Người đẹp Mường Lò” năm 2018.


Ngay từ khi còn nhỏ, Lường Thị Minh - cô gái Thái bản Tông Pọong, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ đã hứng thú với các điệu múa của dân tộc mình. Minh thường theo các anh chị trong bản học múa. Được các anh chị chỉ bảo tận tình, lại tiếp thu nhanh, dần dần, Minh trở thành một trong những hạt nhân văn nghệ của bản, rồi là thành viên trong đội văn nghệ nòng cốt của xã cũng như trong lực lượng nghệ thuật quần chúng nòng cốt của thị xã.

Về làm dâu ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, niềm say mê dân vũ Thái của Minh càng thêm cơ hội được thể hiện, bồi đắp khi gia đình làm du lịch cộng đồng và Minh là người lo liệu khâu văn nghệ phục vụ du khách.
 
Minh đã tập hợp 5-6 bạn trẻ trong thôn có cùng niềm yêu thích với các điệu múa của dân tộc thành đội văn nghệ vừa để cùng nhau chia sẻ, rèn giũa khả năng dân vũ vừa để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của khách du lịch. 24 tuổi, tự tay cô gái này hướng dẫn các thành viên của đội, từ từng động tác đến dẫn vào bài một cách thuần thục. Cứ tranh thủ những lúc rảnh rỗi là Minh và các thành viên lại cùng nhau tập luyện.
 
Giờ thì 36 điệu múa, điệu xòe của người Thái cũng như nhiều bài múa khác Minh và đội văn nghệ của mình đều nhuần nhuyễn. "Càng múa càng thấy đam mê vì cảm nhận được những nét đẹp trong nghệ thuật dân vũ của người Thái mình. Thế nên, mình còn múa bằng cả tình yêu với văn hóa dân tộc nữa” - cô gái Thái ấy tự hào chia sẻ.

18 tuổi, cô tân sinh viên khoa múa - Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội Điêu Thị Huyền Linh bước đầu hiện thực hóa được ước mơ gắn bó với nghệ thuật múa. Ước mơ ấy cũng được khởi nguồn từ tình yêu với những điệu dân vũ quê hương.
 
Sinh ra và lớn lên ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ được sống trong không gian của những điệu múa xòe, múa sạp, múa trồng bông dệt vải…, Huyền Linh đã say mê với những điệu dân vũ Thái tự lúc nào. Thế nên, Linh học múa rất nhanh, được các bà, các cô khen là múa dẻo, đẹp. Vừa rồi, khả năng dân vũ đã được Linh thể hiện trong cuộc thi "Người đẹp Mường Lò” năm nay.
 
Với bài múa dân gian Thái "Inh lả ơi mùa xuân về” trong phần thể hiện tài năng ở vòng chung khảo, Huyền Linh được Ban Giám khảo đánh giá cao và là 1 trong 25 gương mặt được chọn vào vòng chung kết. Lý do để Huyền Linh đến với cuộc thi "Người đẹp Mường Lò” là bởi: "Hội thi là cơ hội để em được thể hiện những nét đẹp của dân tộc mình, nhất là các điệu múa thông qua hình ảnh người con gái Thái. Em mong sẽ trở thành biên đạo múa dân gian, trở về quê hương dàn dựng và truyền dạy múa dân gian cho các lớp trẻ sau này”.

Cùng chung niềm đam mê với văn hóa, văn nghệ dân gian của dân tộc mình song em Hoàng Thị Điệp - bản Tông Co, phường Tân An lại chọn học hát dân ca Thái, đặc biệt là thích hát Hăn nê. "Nhiều người cao tuổi trong thôn bản đều bảo để hát Hăn nê được tốt không phải dễ. Nhưng em vẫn quyết tâm học điệu hát này vì thể hiện một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái Mường Lò” - Điệp nghĩ vậy.
 
Ban đầu là tự học các bà, các cô hay các anh chị lớn tuổi, sau rồi Điệp được tham gia lớp bồi dưỡng các điệu khắp do thị xã tổ chức, tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích về hát Hăn nê từ các nghệ nhân càng làm cho Điệp thêm say mê. Giờ, mới 16 tuổi mà Điệp đã thuộc và hát tốt nhiều bài của làn điệu Hăn nê, được đi biểu diễn trong nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Ở tầm tuổi ấy mà có thể hát Hăn nê tốt như Điệp bây giờ trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ không dễ có mấy người.

Dân ca, dân vũ  - một phần làm nên vốn văn hóa đặc sắc của người Thái Mường Lò được lớp người già gìn giữ giờ tiếp tục được những người Thái trẻ như Minh, Linh hay Điệp tiếp nhận bằng cả tình yêu và lòng tự hào về văn hóa dân tộc.
 
Bà Điêu Thị Xiêng - Nghệ nhân dân gian Việt Nam ở thôn Đêu 1, xã Nghĩa An bày tỏ: "Mừng lắm khi thấy các cháu trẻ như vậy mà say mê với văn hóa dân tộc. Thế nên lớp người già chúng tôi nắm trong tay vốn kiến thức văn hóa, văn nghệ nào đều mong truyền dạy lại hết cho các cháu để văn hóa dân tộc mình được tiếp nối, lưu truyền”.  

Hạnh Quyên

Các tin khác
Nhu cầu du lịch nội địa dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa hè này.

Ngày 24/4, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam ban hành Văn bản số 780/CDLQGVN-QLLH gửi Sở Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường bảo đảm an toàn trong các hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch hè 2024.

Tạm dừng tổ chức Lễ hội Ẩm thực huyện Văn Yên lần thứ 2 năm 2024 cho đến khi thông báo lại.

UBND huyện Văn Yên vừa có Thông báo số 575/TB-BTC về việc tạm dừng tổ chức Lễ hội Ẩm thực huyện lần thứ 2 năm 2024.

Thu hút khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và mùa du lịch hè 2024

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch định hướng và đề nghị các địa phương triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề "Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu" để đón đầu kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 và mùa du lịch hè 2024.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, thông tin về Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần 2

Không gian các đầu bếp công diễn xác lập kỷ lục 150 món ăn kèm với bánh mì được trưng bày trên một mô hình bánh mì khổng lồ là điểm nhấn của Lễ hội Bánh mì lần 2 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục