Thu hút sắc màu thổ cẩm ở Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/10/2018 | 10:31:17 AM

YBĐT - Một trong những sắc màu văn hóa đặc trưng mà du khách thích thú khi đến với mảnh đất vùng cao Mù Cang Chải, đó là được trải nghiệm nghề thêu dệt thổ cẩm.

Phụ nữ dân tộc Mông chăm chỉ, cần mẫn tạo nên những sản phẩm thổ cẩm độc đáo.
Phụ nữ dân tộc Mông chăm chỉ, cần mẫn tạo nên những sản phẩm thổ cẩm độc đáo.


Chúng tôi có mặt tại bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha vào một sáng mùa thu. Khung cảnh nơi này thật nên thơ khi bên ngoài là những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau chạy tít tắp tới tận chân trời. Cả đất trời nhuộm một màu óng ả rực rỡ của nắng thu và lúa chín. Còn ở sân nhà là hình ảnh các bà, các chị ngồi thêu, dệt váy áo thổ cẩm truyền thống; tiếng nói, cười vui vẻ. 

Chị Khang Thị Hua đang thực hiện công đoạn vẽ sáp ong lên vải. Chị cho biết: "Làm váy thổ cẩm như chúng tôi đang mặc bắt buộc phải có sáp ong để làm nên những họa tiết trên áo. Áo có đẹp hay không chính là ở công đoạn này”. 

Quan sát trên áo váy của người phụ nữ Mông dễ nhận thấy họa tiết chủ yếu là những mô típ hoa văn hình học. Đây chỉ là một trong những công đoạn để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm độc đáo của phụ nữ dân tộc Mông. Bởi trước đó, người phụ nữ Mông đã phải trồng lanh, xe sợi rồi đến in sáp, nhuộm chàm và công đoạn cuối là thêu thùa. Thêu váy áo được coi như công việc hàng ngày của phụ nữ Mông. 

Họ thêu thùa mọi lúc, mọi nơi. Ai cũng chăm chỉ, cần mẫn để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật với đầy đủ sự khéo léo, tỉ mỉ và tinh tế. Người Mông quan niệm, váy, áo đẹp là thước đo tài năng của người phụ nữ bởi vậy ngay từ nhỏ, trẻ em người Mông đã được các bà, các mẹ dạy cách thêu thùa. 

Em Hờ Thị Vinh - bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha cho biết: "Từ bé em đã được mẹ dạy thêu áo, váy. Ở đây, người con gái Mông nào cũng phải biết thêu váy, áo. Em rất thích trang phục của dân tộc mình và em sẽ cố gắng thêu những chiếc váy đẹp để mặc trong lễ hội”.

Bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha nằm ngay trên đường vào trung tâm huyện, thuận tiện cho du khách trong việc đi lại. Ở đây lại có mô hình tổ phụ nữ dệt thổ cẩm nên được huyện Mù Cang Chải lựa chọn là nơi để du khách trải nghiệm nghề thêu, dệt thổ cẩm khi đến khám phá những sắc màu văn hóa của mảnh đất vùng cao Mù Cang Chải. 

Chị Hoàng Mai - du khách đến từ tỉnh Bình Dương trầm trồ: "Lần đầu tiên được tận mắt xem người phụ nữ Mông làm váy áo, dù chỉ là một công đoạn thôi nhưng tôi thấy thật khâm phục bởi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn cũng như rất khéo tay của họ. Nhìn họ làm rồi mình làm thử nhưng thật sự là không dễ dàng chút nào”. 

Nếu như trước đây, các sản phẩm thổ cẩm của người Mông Mù Cang Chải chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sử dụng của bản thân và gia đình thì nay, người phụ nữ Mông đã làm thêm đa dạng sản phẩm như: khăn quàng, túi đeo điện thoại, móc chìa khóa xinh xắn... để phục vụ nhu cầu du khách mua về làm quà hoặc để lưu lại kỷ niệm khi đến với Mù Cang Chải.

Đến với Mù Cang Chải, ngoài để ngắm những thửa ruộng bậc thang độc đáo và khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp đã lọt top 10 địa danh đẹp nhất thế giới trên Tạp chí Du lịch Anh, du khách đừng quên trải nghiệm, tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây để càng thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất giàu bản sắc và con người thân thiện, mến khách nơi này.

Thanh Chi

Các tin khác
Chị Lò Thị Tuyên ở bản Lụ 1, xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ giới thiệu sản phẩm nông sản với du khách đến từ Nhật Bản.

Các homestay trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian đã thu hút số lượng lớn khách du lịch, nhất là khách ngoại quốc. Họ bị thu hút bởi các món ăn đặc sản, được khám phá bản sắc văn hóa dân tộc, được thư giãn trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của những bản làng bình yên mang đặc trưng Tây Bắc…

Các làng biển tại phường Nại Hiên Đông và quận Sơn Trà những ngày qua tàu thuyền về neo đậu, chuẩn bị các hoạt động cho Lễ hội Cầu ngư năm nay.

Những ngày qua, không khí tại khu vực biển phường Nại Hiên Đông và các phường ven biển quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) khá rộn ràng, tất bật bởi các hoạt động chuẩn bị cho Lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà năm 2024 (dự kiến sẽ diễn ra từ 28/3/2024 đến 31/3/2024).

Múa Dậm Thuông ở lễ hội Xo May.

Năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp xã Mường Lai tổ chức thành công Lễ hội Xo May. Đây là một trong những lễ hội lớn của huyện Lục Yên dịp đầu xuân mới với các hoạt động văn hóa Tày diễn ra trong không khí tưng bừng, sôi nổi, mang nhiều nét đẹp truyền thống, bản sắc riêng có của đồng bào địa phương.

Đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” xuất phát từ ga Huế đưa du khách vào TP Đà Nẵng.

Việc đưa vào khai thác đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” khu đoạn Huế - Đà Nẵng không chỉ góp phần đảm bảo kết nối giao thông của người dân giữa TP Huế và Đà Nẵng mà còn là trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với 2 thành phố du lịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục