Du xuân “đất ngọc” Lục Yên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/2/2019 | 8:00:27 AM

YênBái - "Đất ngọc” Lục Yên được nhiều người biết đến không bởi chỉ có đá ruby quý hiếm lung linh sắc màu mà nơi đây còn là mảnh đất linh thiêng, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, là vùng đất "Non xanh kỳ thú - hấp dẫn tâm linh - đất ngọc danh truyền”.

Một góc bình nguyên xanh Khai Trung.
Một góc bình nguyên xanh Khai Trung.

Với mục tiêu phát huy tiềm năng lợi thế, đẩy mạnh phát triển du lịch, huyện Lục Yên đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, tích cực đầu tư, cải tạo, nâng cấp các di tích lịch sử - văn hóa; đặc biệt khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân xây dựng và phát triển đa dạng các loại hình du lịch, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Từ thành phố Yên Bái ngược tuyến quốc lộ 70 chừng 80 km, với những cung đường uốn lượn ôm lấy những đồi cây xanh ngắt, nổi bật trên nền xanh của cây cối là màu trắng của hoa mận, màu vàng rộm của những vườn cam trĩu quả, thấp thoáng trong vườn cây trái các cô gái Dao khoác trên mình những bộ quần áo sặc sỡ đang hăng say lao động  - đây là đoạn đường mang lại những trải nghiệm thú vị, là "món quà” độc đáo của vùng Tây Bắc dành tặng các vị khách đường xa. 

Trong hành trình du xuân về "đất ngọc”, du khách sẽ được đến dâng hương, vãn cảnh đền Đại Kại linh thiêng, là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. 

Đền nằm dưới chân núi Vua áo đen, bên phải là sông Chảy, trước mặt là suối Đại Kại. Tương truyền, đền được xây dựng cách đây trên 300 năm, thờ bà Vũ Thị Ngọc Anh - một nữ tướng văn võ song toàn dưới thời hậu Lê. 

Bà được triều đình phong chức tổng binh, sau này được nhà vua phong sắc nữ tướng. Đền có kiến trúc đẹp, có đủ đồ thờ tự, ngai thờ sơn son thếp vàng. Đặc biệt, những tảng đá kê cột đình, cột đền được chạm trổ mặt trăng, hoa sen, lá đề; có chiêng đồng, có sắc phong của vua Cảnh Phong và vua Tự Đức. 

Năm 2001, đền được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Hàng năm, cứ vào ngày 15 và 16 tháng Giêng, huyện Lục Yên tổ chức Lễ hội đền Đại Kại. Lễ rước Bà chúa quân lương Vũ Thị Ngọc Anh và lễ dâng hương được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đoàn rước theo đường thủy ngòi Lăn rồi xuôi sông Chảy, tiếp theo đi đường bộ vào sân đình làm lễ, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi... 

Cùng với phần lễ, du khách sẽ được tham dự phần hội gắn với sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các dân tộc nơi đây như: các bài hát, làn điệu dân ca Tày, Nùng, Dao... do các diễn viên không chuyên nghiệp biểu diễn; xem thi đấu các môn đua thuyền, bắn nỏ, đánh quay, kéo co... 

Về công tác chuẩn bị cho Lễ đền Đại Kại, ông Đoàn Đức Trường - Chủ tịch UBND xã Tân Lĩnh, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội đền Đại Kại cho biết: "Để bảo đảm cho Lễ hội được thành công, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách công tác chuẩn bị đã được triển khai từ trước tết. Ban Tổ chức đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, buôn bán, không để xảy ra tình trạng tự ý tăng giá, "chặt chém” du khách. Phần lễ phải được tổ chức trang nghiêm, phần hội thường xuyên đổi mới, hấp dẫn du khách”.

Cách đền Đại Kại chừng 3 km dọc tuyến tỉnh lộ 171 hướng về thị trấn Yên Thế là đền Suối Tiên linh thiêng, huyền bí. Đền được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh từ năm 2013, hàng năm đều được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đóng góp, ủng hộ để tôn tạo, nâng cấp ngày càng khang trang. 

Theo sử sách, đền Suối Tiên xây dựng khoảng năm 1928 - 1929. Di tích đền Suối Tiên với khuôn viên gần 6.000 m2, nằm trong không gian đậm đặc văn hóa dân gian các dân tộc Lục Yên, gắn với những truyền tích huyền thoại xa xưa và hệ thống di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đại Kại - Hắc Y và khu khảo cổ tháp Chùa Thượng Miện thời Lý - Trần. 

Xung quanh có núi Thắm, núi Hắc Y, núi Bạch Mã với nhiều hang động, trên núi rừng hệ thảm thực vật đa dạng, phong phú; những núi đá độc lập, sừng sững kỳ vĩ; phía trước đền là giếng nước quanh năm trong mát, có loài cá bỗng bản địa (dân gọi là cá thần), tạo cho đền cảnh tĩnh lặng, huyền bí. 

Đặc biệt, trong những năm 1965-1966, các hang động ở khu đền Suối Tiên là nơi cất giấu vũ khí, lương thực phục vụ cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Sớm hơn đền Đại Kại, đền Suối Tiên khai hội vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch. 

Song song với phần lễ, phần hội cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi như: lễ hội đua thuyền được tổ chức tại thôn Ngòi Thắm vào chiều 12 tháng Giêng và hội chọi dê khai mạc vào ngày 13 tháng Giêng tại thôn Làng Mường.



Chợ đá quý Lục Yên thu hút đông đảo du khách nước ngoài.

Cùng với các hoạt động du lịch tâm linh, trên đường từ đền Đại Kại về thị trấn Yên Thế, đến chợ Tân Lĩnh du khách rẽ trái qua cầu Bến Lăn đi chừng 5 km đến với bình nguyên xanh Khai Trung để được thưởng thức một cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, hoang sơ hiếm có, khám phá những nét văn hóa đặc trưng, cùng những món ẩm thực ăn một lần nhớ mãi của người Tày, người Dao đỏ. 

Đặc biệt, từ năm 2018, Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Đại An đã tiến hành đầu tư và khai trương tuyến du lịch bình nguyên xanh, biến những nương ngô, đậu tương trở thành vườn hoa trên 8 ha với đủ sắc màu, làm đắm say du khách. Cùng với đó là hệ thống hang động ẩn sâu trong lòng núi với những nhũ đá tầng tầng, lớp lớp… 

Ông Đinh Văn An - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Đại An chia sẻ: "Chỉ tính trong dịp tết Nguyên đán 2019, khu du lịch đã đón khoảng 10 nghìn du khách. Để đáp ứng nhu cầu của du khách chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, thường xuyên thay đổi các loại hình dịch vụ”. 

Kết thúc hành trình về các xã, du khách sẽ trở về trung tâm thị trấn Yên Thế để được tận mắt chứng kiến phiên chợ "có một không hai” nổi tiếng khắp cả nước, đó là chợ đá quý Lục Yên nằm bên bờ hồ Yên Thế thơ mộng. 

Chợ có từ những năm 90 của thế kỷ trước, chợ bắt đầu họp từ 8 giờ sáng và kết thúc và khoảng 11 giờ trưa hàng ngày. Đến chợ, du khách sẽ như choáng ngợp trước sự lung linh, đa sắc màu của các loại đá quý như: ruby, hồng ngọc, bích ngọc, saphia… 

Và thêm điều đặc biệt là những người ngồi bán đá quý tại chợ đều là phụ nữ. Đi bộ dọc bờ hồ Yên Thế, du khách còn được đến thăm các cơ sở làm tranh đá quý, với những bức tranh giá trị kết tinh từ những hạt ngọc thiên nhiên.

Về đất ngọc, du khách sẽ được thưởng thức các món đặc sản nổi tiếng như: gà trống thiến, vịt bầu Lâm Thượng thơm ngon béo ngậy; gỏi cá bỗng; thịt mắm cơm đỏ (được làm từ thịt lợn ngon)… Rời Lục Yên, du khách đừng quên mua về những trái cam sành vàng óng chín mọng làm quà, để những ai chưa có dịp về đất ngọc sẽ phần nào được thưởng thức mùa xuân ngọt ngào của vùng đất linh thiêng, sơn thủy hữu tình. 

Anh Dũng

Tags đát ngọc Lục Yên du xuân Đại Kại

Các tin khác
Đua mô tô nước jeski trên hồ Thác Bà

Từ ngày 24/4 - 1/5, huyện Yên Bình sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động Ngày hội văn hóa, thể thao “Âm vang hồ Thác Bà” và khởi động các hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước năm 2024 đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Người dân địa phương thực hiện nghi thức dâng hương miếu Ông, miếu Bà trong Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2023

Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai hàng năm là nơi giao lưu, gặp gỡ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số và quảng bá thu hút du khách đến với Hà Giang.

Các tiết mục văn nghệ mang đậm sắc màu văn hóa xứ Nghệ tại lễ hội.

Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.

Một tiết mục văn nghệ đặc sắc tại buổi lễ.

Tối 17/4, tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục