Nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng giúp tránh Covid-19

  • Cập nhật: Thứ bảy, 14/3/2020 | 8:33:35 AM

Từ 13/3, thí điểm nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia qua đó sẽ giúp ngắn thời gian và chi phí xử lý vi phạm.

Nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng giúp tránh Covid-19

Với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, việc triển khai nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia bắt đầu được triển khai.



Từ 13/3, thí điểm nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) , thực hiện cải cách thủ tục hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân, Cục CSGT phối hợp các đơn vị liên quan đã đưa hai dịch vụ công là xử phạt vi phạm hành chính và nộp lệ phí trước bạ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

"Đây là mong đợi của người dân cũng như là các cơ quan quản lý nhà nước, để làm sao thuận lợi, nhanh và dễ dàng nhất. Từ đó có thể rút ngắn thời gian cũng như các thủ tục trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 thì việc đưa 2 dịch vụ này lên cổng thông tin điện tử quốc gia sẽ được người dân đón nhận, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Việc sử dụng cổng thông tin quốc gia dùng chung giữa các ngành sẽ phục vụ tốt cho công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên các tuyến giao thông. Ngoài mang lợi ích cho người dân còn giúp các ngành cơ sở dữ liệu để dùng chung, đây là một lợi ích rất lớn”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức nhấn mạnh.

Thiếu tướng Đức cho rằng, việc xử lý vi phạm trên Cổng dịch vụ công quốc gia phải theo quy định của Pháp luật. 

"Không phải người dân bị lập biên bản hành chính, thì ngay sau đó lên cổng thông tin là có luôn được. Bởi trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ theo theo Luật xử lý vi phạm hành chính. Khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính (ra quyết định xử phạt), thì người dân khi truy cập vào Cổng dịch vụ công Quốc gia sẽ thực hiện được. Hoạt động này sẽ giúp giảm thời gian, tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời từng bước hoàn thiện Chính phủ điện tử, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt, giúp người dân hạn chế việc đi lại, tiếp xúc với người khác, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh", Thiếu tướng Đức chia sẻ.

Chỉ mất 3 phút sẽ nộp phạt xong vi phạm giao thông qua mạng

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, việc tích hợp thêm các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia có ý nghĩa quan trọng, vừa cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, vừa góp phần giảm sự lây lan của dịch bệnh do người dân không phải đi lại để thực hiện các thủ tục trực tiếp.

nop phat vi pham giao thong qua mang giup tranh covid-19 hinh 3
Hình ảnh có dấu hiệu vi phạm được chuyển về cho Thanh tra giao thông thẩm định xử lý.
Theo số liệu của Chính phủ, sau 3 tháng khai trương, tính đến 17h ngày 9/3, đã có 77.226 tài khoản đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia; hơn 20,9 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 2,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái.

Dự kiến, chiều ngày 13/3 sẽ khai trương hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, sơ kết 3 tháng triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia và tích hợp bổ sung các dịch vụ công trên. Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc bảo đảm các dịch vụ tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia thực hiện được ở mức độ 3, 4, thanh toán điện tử và có thể trải nghiệm được ngay vào thời điểm khai trương. Cùng với đó, phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, an toàn của hệ thống.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, số doanh nghiệp tham gia truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia còn hạn chế, cần phải đưa các dịch vụ công liên quan đến doanh nghiệp như kê khai nộp thuế, hải quan vào thì sự tham gia của doanh nghiệp mới tăng lên.

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Cục CSGT phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), hai ngân hàng là Vietcombank, Vietinbank làm việc đến 21h00 ngày 9/3 đã kết nối thành công dịch vụ thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Qua demo của Cục CSGT cho thấy, người dân chưa có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhưng vẫn có thể thực hiện việc nộp phạt trực tuyến. Theo đó, sau khi đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, nhập số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ và tên, người vi phạm sẽ tìm ra quyết định, số tiền bị xử phạt của mình và thực hiện các bước thanh toán qua ngân hàng/trung tâm thanh toán, nhận biên lai. CSGT căn cứ vào biên lai thu tiền phạt đó để thực hiện trả giấy tờ cho người dân theo yêu cầu.

"Người dân chỉ cần cầm biên bản xử phạt. Quy trình thực hiện với người thông thạo chỉ mất 3 phút, còn thông thường mất khoảng 10 phút. Số biên bản xử phạt vi phạm hành chính sinh ra từng ngày, không phải là số duy nhất, vì vậy người dân phải sử dụng 3 trường thông tin trên (số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ và tên) để tìm ra quyết định xử phạt”, lãnh đạo Cục CSGT cho hay.

Từ khi có biên bản đến khi có quyết định xử phạt là bao lâu?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng quy trình xử lý trong hệ thống CSGT cần phải rút ngắn để ra quyết định xử phạt một cách nhanh nhất, tốt nhất là trong ngày.

Lý giải điều này, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hành vi có thể ra quyết định xử phạt ngay như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ…, nhưng có những hành vi cần phải xác minh làm rõ như giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp… Với hành vi có thể ra quyết định xử  phạt ngay, sau ca công tác (4 tiếng), tổ tuần tra kiểm soát bàn giao giấy tờ biên bản cho bộ phận trực tại nhà để ra quyết định xử phạt.

Ngoài ra theo đại diện VNPT cho biết, người dân có thể thực hiện thanh toán tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và nhận kết quả tại nhà.

Để thực hiện được dịch vụ này, người dân phải tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Sau khi thanh toán xong, Cổng sẽ chuyển toàn bộ thông tin hồ sơ của người vi phạm sang hệ thống của bưu điện, nhân viên bưu điện sẽ sang cơ quan CSGT của các địa phương để nhận giấy tờ và chuyển trả cho người vi phạm.

Mặc dù dịch vụ thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới đây chỉ thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Thuận nhưng việc trả kết quả tại nhà được VNPT triển khai trên toàn quốc.

Trong chiều 13/3 sẽ công bố bổ sung 11 dịch vụ công tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia gồm: Thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách, khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước; hủy tờ khai hải quan, khai bổ sung hồ sơ hải quan; đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp.

(Theo VOV)

Các tin khác
Các nạn nhân trong vụ tai nạn đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum.

Các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đang tích cực cứu chữa các nạn nhân trong vụ tai nạn trên Quốc lộ 24 khiến 1 người chết, 24 người bị thương.

Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ lễ 30/4-01/5 và cao điểm du lịch hè 2024 - Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có phương án điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý, hướng dẫn lưu thông an toàn, thông suốt, nhất là trên các tuyến đường, các khu vực được dự báo sẽ có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao trong dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 và nghỉ hè 2024.

Cao tốc Mai Sơn- Quốc lộ 45 được đưa vào khai thác từ 30/4/2023.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức các điểm dừng nghỉ tạm thời dọc các tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ trong dịp lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm du lịch hè 2024.

Ảnh minh họa.

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong toàn ngành giao thông vận tải về việc tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục