Du lịch văn hóa Mường Lò: Chưa “đánh thức” cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/5/2010 | 2:38:30 PM

YBĐT - Năm nào cũng vậy, Nghĩa Lộ, Mường Lò đều nằm trong Chương trình Du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh: Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai. Bởi vì, đây là vùng đất mang đậm truyền thống văn hóa các dân tộc, với 17 dân tộc chung sống như: Thái, Kinh, Tày, Mường..., mỗi dân tộc đều mang trong mình một bản sắc văn hóa riêng và nơi đây còn là nơi mang đậm truyền thống lịch sử.

Đồng bào Thái ở Mường Lò chuẩn bị các món ăn dân tộc để đón khách.
Đồng bào Thái ở Mường Lò chuẩn bị các món ăn dân tộc để đón khách.

Ngay trong Tuần Văn hóa Du lịch Mường Lò, tôi có nhận được điện thoại của những người bạn từ Hà Nội đang trên đường lên Nghĩa Lộ để du lịch và đề nghị giúp đỡ tìm tour du lịch kiểu “Stay home” (tức du lịch cộng đồng) và ở cùng dân, ăn cùng dân. Đôi lúc tôi có đọc, có nghe về kiểu du lịch này nhưng ở Nghĩa Lộ thì quả là khá mới. Tôi đề nghị với bạn là cứ ngủ khách sạn, còn đi đâu, chơi gì, ăn gì thì tôi giới thiệu nhưng họ không chịu vì lý do của họ đưa ra tôi thấy đúng.

Nếu ngủ khách sạn, ăn nhà hàng thì ở luôn Hà Nội chứ lên đây làm gì? Chúng tôi đi du lịch là đi tìm cảm giác mới lạ mà ở Nghĩa Lộ có văn hóa dân tộc đặc sắc. Bất đắc dĩ, tôi nghĩ, thôi thì chưa có thì ta làm gần giống như thế là được! Nghĩ vậy, tôi đã liên hệ với xã Nghĩa An – nơi được coi là gìn giữ tốt nhất nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái. Nể lời tôi, chị Hoàng Thị Phượng – Phó bí thư Đảng ủy xã cũng chỉ dám nhận nửa phần việc, đó là tổ chức một bữa ăn với các món ăn dân tộc Thái đặc trưng ngay chính tại nhà. Quả thật, tôi đã từng sống từ nhỏ ở Mường Lò nhưng được ngồi ăn một bữa cơm với đầy đủ những món ăn dân tộc từ rừng, từ vườn nhà của người dân tộc Thái làm ra thì tôi cùng đoàn du lịch thực sự ngạc nhiên. Anh bạn vỗ vai tôi: “Ông thấy không, cả một tiềm năng du lịch đấy!”.

Sau những chén rượu làm quen, chị Phượng vừa gắp các món ăn vào bát từng người vừa giới thiệu về cách trồng, cách thu hái bắt các sản vật, cách chế biến và cả cách ăn nữa. Lúc đầu, nhìn con dế, con bọ xít... nằm vàng ươm trên đĩa, ai cũng sợ nhưng nghe giới thiệu nên một lần thử, hai lần thử rồi tất cả ăn một cách chậm rãi như để cảm nhận hết hương vị “văn hóa dân tộc” Mường Lò. Trong bữa ăn, mọi người lại càng như bị cuốn hút khi chị Phượng giới thiệu về các lễ hội của dân tộc Thái. Tôi nhận thấy, chị Phượng đúng là hình mẫu của phụ nữ Mường Lò với tính cách cần mẫn, chịu khó, ăn nói nhỏ nhẹ, dịu dàng.

Chị Phượng vừa giới thiệu vừa như tâm sự với mọi người: Nghĩa Lộ – Mường Lò được coi là xứ sở của nhiều lễ hội, cái nôi tạo nên sắc thái văn hóa khá riêng biệt, đậm đà bản sắc dân tộc, nhất là mỗi khi xuân về, tết đến, mùa màng thu hoạch xong xuôi. Lễ hội nào cũng chứa đựng một đời sống tâm linh tín ngưỡng rất riêng. Nhưng những lễ hội ấy đã góp phần bồi đắp và phát triển một sắc thái văn hóa chung trong khu vực với các lễ hội: lễ hội Hoa ban, lễ hội Lồng tồng, lễ hội Xên hươn – Xên bản – Xên mường; Hội đu, lễ hội Cầu mưa, lễ hội Thẩm Han... Gắn liền với lễ hội là các trò chơi truyền thống của các dân tộc như: kéo co, ném còn, tó mắc lẹ, đánh yến, đu chà... Những trò chơi này không chỉ vui, hứng thú mà còn có ý nghĩa giao duyên, tìm bạn tình.

Tất cả cùng phải ồ lên khi chị Phượng đứng dậy kể về điệu xòe. Cùng với cái nhún chân, uốn tay, vũ điệu xòe là một trong những loại hình nghệ thuật tiêu biểu của người Thái ở Mường Lò luôn mê đắm lòng người.

Đêm đến, bên đống lửa hồng, ai ai cũng đắm say hòa mình trong điệu xòe. Người Mường Lò có câu: “Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ”. Xòe Thái có nhiều điệu tiêu biểu như: xòe quanh đống lửa, xòe nâng khăn mời rượu, xòe tiến lùi, xòe tung khăn, xòe vòng tròn vỗ tay... Qua lời chị Phượng kể, âm thanh trầm bổng, vũ điệu nhịp nhàng của hội xòe tưng bừng, hối hả, thôi thúc mọi người đến với vòng xòe.

Trong nhịp xòe, mọi người xích lại nhau hơn, thân ái, quây quần, đầm ấm. Anh bạn tôi nói: “Chị Phượng đã biết làm du lịch rồi đấy! Sa Pa họ cũng làm như vậy, nhưng do Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch đứng ra tổ chức, người dân được tập huấn hướng dẫn du lịch. Họ chuyên nghiệp quá đến mức lấy thêm được tiền của khách du lịch. Ở đây, khách gửi tiền ăn, chủ nhà lại từ chối với lý do tất cả thức ăn lấy từ rừng, vườn nhà chứ có mua đâu, lấy tiền các anh ngại lắm! Chúng tôi nhận thấy, du lịch Mường Lò có tiềm năng nhưng chưa biết cách khai thác!”.

Sáng hôm sau, tôi lại quá ngỡ ngàng vì xem mạng bạn tôi kể về các địa danh lịch sử và văn hóa ở Nghĩa Lộ như di tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ, thăm chợ văn hóa Mường Lò, thăm suối nước nóng bản Bon, thăm một số làng văn hóa và thăm Bảo tàng Nghĩa Lộ... Anh bạn đi cùng đoàn thốt lên: “Phí quá! Cả một kho tàng lịch sử không chỉ có khách du lịch tìm đến mà rất nhiều học sinh sinh viên có thể tìm hiểu, đưa vào luận văn, thế mà suốt bao năm nay nó cứ nằm im đấy! Không một chương trình quảng bá giới thiệu! Rõ ràng, tỉnh Yên Bái đang tổ chức du lịch hướng về cội nguồn nhưng mà thực tế thì đang làm gì đây?

Tôi giật mình, hình như đã 3 – 4 năm nay cứ “đến hẹn lại lên”, tỉnh Yên Bái lại tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch Mường Lò và vẫn lặp đi lặp lại một kịch bản cũ. Trên thực tế đã chứng minh, du lịch Nghĩa Lộ chưa có trong bất cứ lộ trình nào của các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh. Du lịch Nghĩa Lộ – Mường Lò có tiềm năng, nhưng cần có một hướng đi đúng, đó là du lịch gắn liền với phát triển giá trị lịch sử và văn hóa dân tộc, là du lịch cần được xã hội hóa, phát huy tiềm năng cộng đồng từ trong mỗi người dân.

Nguyễn Nhật Thanh

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
TIN MEDIA