Vững vàng trên trận tuyến mới

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/7/2017 | 1:50:01 PM

YBĐT - Tuổi trẻ, Tổ quốc gọi, họ sẵn sàng cầm súng chiến đấu bảo vệ độc lập tự do của dân tộc. Hòa bình, những người lính ấy trở về quê hương, vững tin dưới lá cờ Đảng phát huy trí tuệ, bản lĩnh được tôi luyện trong chiến trường góp phần tô những mảng màu tươi sáng cho bức tranh cuộc sống.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thắng (bên trái) ở xã Đại Đồng, huyện Yên Bình là một trong những tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi.
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thắng (bên trái) ở xã Đại Đồng, huyện Yên Bình là một trong những tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi.

Sáng mãi tinh thần người lính

Tới thăm Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thắng, bệnh binh hạng 2/3 ở xã Đại Đồng, huyện Yên Bình trong một ngày hè đầu tháng Bảy. Người CCB già hiền hậu tiếp chúng tôi với nụ cười luôn thường trực. Nhấp chén trà, ông tâm sự: ông sinh năm 1952 tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

Đến năm 1972, ông lên đường nhập ngũ, nhận nhiệm vụ làm lính lái ô tô và xe tăng thiết giáp chuyên vận chuyển vũ khí, đạn dược và người từ Bắc vào chiến trường Bình - Trị - Thiên. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông về công tác tại Lữ đoàn Tăng thiết giáp.

Trong một lần nhận nhiệm vụ lên Yên Bái công tác, ông gặp và quen với vợ mình là bà Phạm Thị Sản rồi nên duyên vợ chồng. Đến năm 1983, được ra quân và ông chuyển lên sinh sống tại xã Đại Đồng, huyện Yên Bình là quê vợ. Thời gian mới lên đất Đại Đồng, ông gặp rất nhiều khó khăn vì gia đình nghèo đói.

Đặc biệt, với nhiều thương tổn sức khỏe như: chấn thương sọ não, lệch khớp xương ngực, răng chỉ còn 5 chiếc, giảm 75% sức nhai, nên cuộc sống của vợ chồng ông lại càng thêm khó khăn. Tuy nhiên, với ý chí sắt son, bản lĩnh của người lính được tôi luyện nhiều năm trong quân ngũ, hai vợ chồng ông đã đi lên từ đôi bàn tay trắng. Năm 1994, với chủ trương giao đất, giao rừng, ông được nhận 4 ha rừng. Dù sức khỏe không còn được như xưa, nhưng ngoài việc trồng rừng ông còn ngày đêm khai hoang mở đất, đào hàng trăm mét vuông đất nắn dòng chảy đào ao thả cả.

Ngồi trong căn nhà xây rộng 150 m2 khang trang, đầy đủ tiện nghi, bồi hồi nhớ về những ngày tháng gian khổ ông kể: "Khi mới được giao đất, cả 4 ha đồi toàn cây cỏ dại. Ngày nào hai vợ chồng tôi cũng đi phát rừng từ sớm tinh mơ đến tối mịt. Trồng được rừng rồi lại đào ao để thả cá. Lúc ấy, gia đình khó khăn không có tiền thuê thợ, nên hai vợ chồng lại khai hoang từng mét vuông đất, đào từng xẻng đất làm ao. Ngoài ra, vợ chồng tôi còn chăn nuôi thêm lợn, gà để tăng thu nhập. Rồi khó khăn cũng qua đi, cuộc sống dần khấm khá lên từ đấy".

Như để "khoe" những thành quả bao năm của gia đình, dẫn chúng tôi lên đồi cây keo, bồ đề to lừng lững thẳng hàng và ông hồ hởi: "Đồi cây này sắp được thu hoạch rồi. Mỗi lần thu hoạch cũng đem về cho gia đình tôi hơn 50 triệu đồng. Còn ao cá dưới kia, cũng túc tắc thu mỗi năm hơn chục triệu để thêm thắt cho gia đình và cải thiện bữa ăn hàng ngày. Trước kia, gia đình tôi chăn nuôi khá nhiều. Bây giờ, con cái trưởng thành hết rồi, sức khỏe tôi lại ngày một yếu do sức ép của bom, đạn chiến tranh nên phổi tôi không tốt, thường xuyên phải dùng thuốc, do đó chỉ chăm sóc rừng cây, ao cá và vài ba con lợn thôi".

Đánh giặc ngoại xâm đã khó, chống lại giặc đói nghèo còn khó khăn hơn khi mà hầu hết những người lính bước ra từ cuộc chiến đều mang trên mình nhiều vết thương chiến tranh và chỉ có đôi bàn tay trắng. Thế nhưng, vượt lên tất cả, họ đã từng bước phát triển kinh tế, gây dựng sự nghiệp, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Tiếp lời ông Thắng và cũng là để khép lại chuyến thăm này, ông Phan Long Định, Chủ tịch Hội CCB huyện Yên Bình cho biết: "Anh Thắng là một trong số rất nhiều CCB phát triển kinh tế tốt trên địa bàn huyện. Hiện nay, huyện Yên Bình có trên 5.200 hội viên CCB, thì có gần 3.000 hội viên khá, giàu và chỉ có gần 600 hội viên nghèo".

Cùng nhau phát triển kinh tế

Chia tay CCB Nguyễn Đức Thắng, chúng tôi tiếp tục hành trình đến huyện Trấn Yên. Trên con đường 2 km từ trung tâm xã Đào Thịnh vào thăm Hợp tác xã (HTX) 6/12 của những người CCB, tôi được nghe kể về chuyện những người lính thời bình cùng nhau phát triển kinh tế. Đầu những năm 1990, Hội CCB xã Đào Thịnh được giao bảo vệ 10 ha rừng thuộc địa phận giáp ranh xã Đào Thịnh, Việt Thành, Tân Đồng. Năm 1998, sau khi có chủ trương giao đất, giao rừng, Hội được giao 15 ha đất rừng để trồng và phát triển kinh tế.

Đến năm 2004, các thành viên Hội CCB tham gia bảo vệ rừng đã thành lập HTX 6/12. Đến nay, HTX được giao quản lý và trồng trên 80 ha quế, đem lại thu nhập hàng năm cho hội viên từ 60 đến 100 triệu đồng/người. Khuất sâu trong núi, bao phủ bởi những đồi quế xanh mướt là ngôi nhà cấp 4 khang trang, tiện nghi của trụ sở HTX 6/12. Giữa cái nắng oi ả của ngày hè, CCB, thương binh Phạm Đình Chi - thành viên của HTX nhanh nhẹn khoác lên mình bộ quần áo lao động, tay cầm dao phát và ông hồ hởi dẫn chúng tôi lên thăm đồi quế. Dưới bóng mát của tán rừng, tiếng suối chảy róc rách, tiếng xào xạc của lá quế, ông kể về câu chuyện đời, chuyện nhân duyên đến với HTX.

Ông sinh năm 1959, khi 18 tuổi thì đi bộ đội ở chiến trường biên giới Tây Nam, làm liên lạc cho đại đội trưởng. Tháng 5/1978, trong một lần đi liên lạc không may bị thương ở đầu, chân và hỏng mắt trái. Điều trị một thời gian, đến tháng 5/1979 ông phục viên và lập gia đình. Bồi hồi nhớ lại quá khứ, ông kể: "Về quê, tôi tham gia vào Hội CCB xã. Gia đình, anh em trong Hội cũng đều hoàn cảnh như nhau, nghèo, đói nên dựa vào nhau giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.

Khi được giao đất, giao rừng, anh em chúng tôi phấn khởi lắm, bảo ban nhau trông coi làm lụng, phân công rõ ràng mỗi ngày đêm một người trông coi, bảo vệ đồi rừng, phân công cả lịch làm cỏ, chăm sóc quế. Thế nhưng, chúng tôi đều là CCB, mang trên mình nhiều vết thương chiến tranh, nên sức khỏe không được như người thường, đặc biệt những hôm trái gió trở trời hay đau ốm nên mọi người thấu hiểu và động viên nhau. Hôm nay người này ốm thì người khác trông thay".

Thương binh Phạm Đình Chi ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên làm giàu từ cây quế.

Tình cảm đối với những người đồng đội cùng trở về sau chiến tranh, trách nhiệm đối với gia đình, con em những người đồng đội đã ngã xuống, đến năm 2014, tổ HTX 6/12 đóng góp mỗi thành viên 500 triệu đồng mở nhà máy sản xuất tinh dầu quế nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho hội viên, giải quyết việc làm cho con em, người thân trong gia đình các CCB.

Trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo hôm nay, nhiều CCB đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thử thách, họ đã tựa vào nhau, mong muốn cùng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ông Đoàn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội CCB tỉnh cho biết: "Những năm qua, các cấp Hội đã đẩy mạnh các hoạt động tình nghĩa, giúp nhau xóa nhà dột nát, giảm nghèo, nâng cao đời sống hội viên, góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. Đến nay, Hội có 72 doanh nghiệp vừa và nhỏ do CCB làm chủ, 25 HTX, 125 tổ hợp tác, 104 trang trại, 1.190 gia trại, 3 câu lạc bộ doanh nhân cấp huyện.

Nhờ đó, đã tạo việc làm cho trên 18.000 lao động là CCB, con em CCB, cựu quân nhân và nhân dân địa phương. Tính đến tháng 4/2017, có gần 44% hội viên CCB có mức sống khá, giàu, còn 5,11% hội viên có mức sống cận nghèo và gần 14% hội viên có mức sống nghèo; trên 850 hộ hội viên thu nhập 61 - 80 triệu đồng/ năm, trên 350 hội viên có thu nhập 81 - 100 triệu đồng/ năm, đặc biệt có trên 180 hộ hội viên có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm".

Những việc làm thiết thực, những tấm gương thương binh, bệnh binh như Nguyễn Đức Thắng, Phạm Đình Chi đã đưa phong trào CCB phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo của CCB Yên Bái có bước phát triển mạnh mẽ. Dù mọi khó khăn, gian khổ họ vẫn lạc quan, yêu đời, tự mình vượt lên sự hành hạ của thương tật, tự lao động nuôi sống bản thân và gia đình, không một lời than phiền...

Đặc biệt, họ vẫn mãi vẹn nguyên phẩm chất người lính Cụ Hồ và luôn xứng đáng với lời dạy của Bác đối với thương binh, bệnh binh: “tàn nhưng không phế”. Tinh thần thép và ý chí quyết tâm của những người CCB ấy, luôn là điểm tựa vững vàng cho thế hệ trẻ hôm nay phấn đấu, noi theo.

Lê Thương

Các tin khác
Từ nay đến năm 2030, thực hiện tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu từ nay đến năm 2030, thực hiện tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ; hoàn thành việc tìm kiếm, quy tập và kết luận khu vực, địa bàn có thông tin mộ liệt sĩ tập thể; từ năm 2031 trở đi, tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến khi không còn thông tin về hài cốt liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Đại tá Phạm Viết Khánh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh trao giấy chứng nhận cho các thương binh.

Những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Đồng thời, thiết thực tri ân đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, đối tượng chính sách và người có công trên địa bàn.

Lãnh đạo xã Lang Thíp thăm hỏi, động viên và tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn xã nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Hiện nay, huyện Văn Yên có 801 đối tượng chính sách là người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người hoạt động cách mạng trước năm 1945, quân nhân xuất ngũ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thanh niên xung phong... đang được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải tặng quà bà Vàng Thị Pàng, vợ liệt sĩ ở bản Háng Đề Đài, xã Khao Mang.

Huyện Mù Cang Chải hiện có 25 đối tượng là gia đình chính sách và người có công; trong đó có 2 vợ liệt sĩ, 2 thương binh, còn lại là người thờ cúng liệt sĩ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục