Bao giờ đồng chí Nguyễn Văn Sơn mới được công nhận là liệt sỹ?

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/8/2017 | 6:51:01 AM

YBĐT - Hơn 33 năm sau ngày quân nhân Nguyễn Văn Sơn nhập ngũ mà chưa trở về, sau hơn 3 năm phóng sự của chúng tôi được đăng tải, thông tin “Sơn vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ, gia đình và địa phương vẫn phải tiếp tục... chờ đợi” của anh Trí, anh Thìn...- những bạn đồng ngũ với anh Sơn, giờ làm cán bộ xã Cường Thịnh thông báo, khiến chúng tôi không khỏi day dứt.

Giữa lúc cả nước đang sôi động các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 với những việc làm hiếu nghĩa, tri ân những người có công vì nền hòa bình và độc lập dân tộc, tôi chợt nhớ về trường hợp của anh Nguyễn Văn Sơn, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, nhập ngũ đầu năm 1983 đến nay chưa về.

Trường hợp này thuộc diện quân nhân mất tin, mất tích, đã có hướng dẫn quy định về việc công nhận liệt sỹ nhưng gia đình, thân nhân và địa phương vẫn tiếp tục “điệp khúc”... chờ đợi.

Tháng 3/2014, chúng tôi thực hiện phóng sự 2 kỳ “Đau đáu một nỗi đau” kể về trường hợp quân nhân Nguyễn Văn Sơn, người xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, nhập ngũ tháng 3/1983, cùng đợt nhập ngũ trong xã có 10 anh em và toàn huyện có 300 thanh niên.

Qua tìm hiểu thân nhân anh Nguyễn Văn Sơn, được biết: Lá thư đầu anh gửi về cho gia đình từ hòm thư 2A 2982 Phong Thổ - Lai Châu. Rồi thời gian qua đi, những bạn đồng ngũ với Sơn lần lượt hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, chỉ có Sơn là biệt vô âm tín.

Đợi mãi, đợi mãi vẫn không thấy tin tức gì, gia đình tìm đến những bạn bè đồng ngũ tìm hiểu thì chỉ được những thông tin rất ít ỏi: “Thời điểm tháng 4/1984, Sơn thuộc C5, D2, E 46, F326 thì bị ốm, chuyển lên bệnh xá của Sư đoàn điều trị, rồi không biết đi đâu”.

Do Sư đoàn 326 đã giải thể nên người thân của anh Sơn không thể lên Lai Châu tìm con, cách duy nhất là làm đơn hỏi các cấp có thẩm quyền. Trong hoàn cảnh ấy, xã Cường Thịnh cũng chỉ có thể làm công văn đề nghị lên UBND huyện Trấn Yên và Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện. UBND huyện và Ban CHQS huyện cũng chỉ có thể hỏi Bộ CHQS tỉnh, rồi tỉnh tiếp tục hỏi lên Quân khu!

Hỏi cả bằng miệng và bằng đơn nhưng câu trả lời: “Địa phương và gia đình cứ yên tâm, đã đề nghị lên cấp trên, chờ giải quyết” gần như đã thành điệp khúc quá quen với gia đình bà Phán và cả cấp ủy, chính quyền xã Cường Thịnh qua nhiều thời kỳ.

Trong tập tài liệu được cất kỹ trong tủ nhà bà Đào Thị Phán - mẹ anh Sơn, chúng tôi thấy có rất nhiều văn bản như: “Bản xác nhận quân nhân vắng tin” ngày 17/4/1995 của Ban CHQS huyện Trấn Yên: “Xác nhận tin tức nắm được: cuối năm 1984 rồi mất liên lạc; hòm thư cuối cùng: 2A 2982 Phong Thổ - Lai Châu”.

Bản Kết luận số 04, ngày 8/3/1995 của Thanh tra Quốc phòng - Bộ CHQS tỉnh Yên Bái kết luận: “Từ năm 1984 đến nay, không có tin tức và hiện không biết ở đâu. Sau khi xác minh các cơ quan: UBND xã Cường Thịnh, từ năm 1983 đến nay, Ban CHQS huyện Trấn Yên, Phòng Tổ chức động viên Quân khu 2 đều chưa có văn bản, căn cứ nào để giải quyết ra quân hoặc thông báo cho gia đình và địa phương về trường hợp quân nhân Nguyễn Văn Sơn hiện ở đơn vị nào, còn sống hay đã chết, mất tích”.

Hơn 33 năm sau ngày quân nhân Nguyễn Văn Sơn nhập ngũ mà chưa trở về, sau hơn 3 năm phóng sự của chúng tôi được đăng tải, thông tin “Sơn vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ, gia đình và địa phương vẫn phải tiếp tục... chờ đợi” của anh Trí, anh Thìn... những bạn đồng ngũ với anh Sơn, giờ làm cán bộ xã Cường Thịnh thông báo, khiến chúng tôi không khỏi day dứt.

Dù chưa biết mặt anh, càng không phải họ tộc nhưng bổn phận của những người hậu phương và nhất là trách nhiệm của người làm báo đã hối thúc chúng tôi tiếp tục lên tiếng.

Chúng tôi hoàn toàn có niềm tin anh Nguyễn Văn Sơn sẽ được công nhận là liệt sỹ, bởi đơn giản là ngay từ những năm đầu cách mạng, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến chính sách người có công nói chung và thương binh, liệt sỹ nói riêng.

Qua mấy chục năm lập pháp, các chính sách về người có công đã qua nhiều lần sửa đổi và ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, Nghị định 31 năm 2013 đã có quy định rất cụ thể, theo đó, tại Điểm k, Điều 17 (Điều kiện xác nhận liệt sỹ), Mục 3 (Liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ), quy định: “Mất tin, mất tích quy định tại Điểm 1, khoản 1 Điều 11 sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận chưa có chứng cứ phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đảo ngũ”.

Sáng ngày 26/7/2017, chúng tôi tìm đến Ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái để tìm hiểu thêm thông tin về trường hợp của quân nhân Nguyễn Văn Sơn.

Làm việc với thượng tá Nguyễn Ngọc Tính  - Trưởng Ban Chính sách, được biết: Ngày 28/6/2017 Bộ CHQS tỉnh Yên Bái đã nhận được Công văn số 1913, ngày 15/6/2017 của Tổng cục Chính trị, Cục Chính sách, theo đó: “Để có cơ sở xem xét, Cục Chính sách đề nghị Cục Chính trị Quân khu 2 chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với đơn vị có liên quan và gia đình, làm rõ, bổ sung một số nội dung sau: Bản xác nhận, kèm theo lý lịch của các nhân chứng là chỉ huy đơn vị hoặc đồng đội cùng công tác xác nhận ông Nguyễn Văn Sơn có thời gian công tác tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 46, Sư đoàn 326, Quân khu 2, bị mất tin, mất tích trong chiến đấu năm 1984, tại Phong Thổ, Lai Châu. Những giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý thể hiện ông Nguyễn Văn Sơn đã tham gia công tác tại đơn vị nêu trên (nếu có)”.

Nhận được Công văn số 1913, Bộ CHQS tỉnh đã sao lục và chuyển về Ban CHQS huyện Trấn Yên để triển khai thực hiện.

Tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chúng tôi còn được thiếu tá Nguyễn Phú Luật cán bộ của Ban cho biết: Anh em trong Ban và Phòng rất quan tâm và luôn cố gắng để giải quyết dứt điểm trường hợp này, “Bản thân tôi đã nhiều lần đôn đốc anh em ở Trấn Yên giải quyết theo hướng dẫn” - đồng chí Luật nhấn mạnh.

Như vậy là việc giải quyết chế độ, công nhận quân nhân Nguyễn Văn Sơn là liệt sỹ đang “dừng” ở Trấn Yên! Từ nhận định này chúng tôi quyết định đi Trấn Yên để tìm hiểu, tiếc rằng ngày 26/7/2017 lãnh đạo chỉ huy và cả cán bộ làm chính sách của Ban CHQS huyện đều vắng nhà nên chuyến đi không kết quả.

Quay lại UBND xã Cường Thịnh để tìm hiểu thông tin thì được biết, ngày 11/7/2017 cán bộ Ban CHQS huyện đã về xã, gặp những cán bộ đồng ngũ, giờ là lãnh đạo địa phương để giải quyết và việc xác nhận đã hoàn thành.

Như vậy, các bước thủ tục để công nhận quân nhân Nguyễn Văn Sơn là liệt sỹ vẫn đang được tiến hành, chỉ tiếc là quá chậm, nói như vậy vì Nghị định 31 có từ năm 2013, các văn bản hưởng dẫn thực hiện có ngay sau đó.

Ngay cả việc chuyển giấy xác nhận đồng ngũ của anh Sơn từ huyện Trấn Yên về tỉnh Yên Bái mà 15 ngày qua vẫn chưa xong (ngày 11/7 lấy xác nhận, ngày 26/7 Bộ CHQS vẫn chưa nhận được) thì gia đình và địa phương vẫn phải tiếp tục chờ là dễ hiểu!

Xin được chia sẻ thêm thông tin rằng: cha của anh Nguyễn Văn Sơn đã qua đời, người anh trai là thương binh nặng cũng đã mất, mẹ đẻ anh Sơn - bà Đào Thị Phán đã gần 90 tuổi, bị gẫy chân nằm liệt ở nhà... gia đình rất neo đơn và khó khăn, rất cần được địa phương và cơ quan đơn vị quan tâm, giúp đỡ.

Lê Phiên

Các tin khác
Từ nay đến năm 2030, thực hiện tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu từ nay đến năm 2030, thực hiện tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ; hoàn thành việc tìm kiếm, quy tập và kết luận khu vực, địa bàn có thông tin mộ liệt sĩ tập thể; từ năm 2031 trở đi, tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến khi không còn thông tin về hài cốt liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Đại tá Phạm Viết Khánh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh trao giấy chứng nhận cho các thương binh.

Những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Đồng thời, thiết thực tri ân đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, đối tượng chính sách và người có công trên địa bàn.

Lãnh đạo xã Lang Thíp thăm hỏi, động viên và tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn xã nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Hiện nay, huyện Văn Yên có 801 đối tượng chính sách là người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người hoạt động cách mạng trước năm 1945, quân nhân xuất ngũ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thanh niên xung phong... đang được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải tặng quà bà Vàng Thị Pàng, vợ liệt sĩ ở bản Háng Đề Đài, xã Khao Mang.

Huyện Mù Cang Chải hiện có 25 đối tượng là gia đình chính sách và người có công; trong đó có 2 vợ liệt sĩ, 2 thương binh, còn lại là người thờ cúng liệt sĩ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục