Khi hộ nghèo hiến "tấc vàng"

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/3/2015 | 2:57:40 PM

YBĐT - Với vùng cao, chuyện người dân hiến cả trăm mét đất cho các công trình giao thông được xem như "chuyện thường ngày" ở huyện. Song, với thành phố, chuyện hộ nghèo hiến "tấc vàng" cho công trình giao thông quả không đơn giản. Nhưng, đó lại là chuyện có thật của những hộ nghèo ở tổ dân phố 20, khu dân cư Đoàn Kết, phường Yên Ninh - một trong những phường rộng và đông dân nhất nhì thành phố Yên Bái.

Đồng chí Đỗ Công Bích - Bí thư Chi bộ khu dân cư Đoàn Kết (thứ 4, phải sang) trao đổi với các thành viên Ban kiến thiết của tổ 20 về tiến độ làm đường.
Đồng chí Đỗ Công Bích - Bí thư Chi bộ khu dân cư Đoàn Kết (thứ 4, phải sang) trao đổi với các thành viên Ban kiến thiết của tổ 20 về tiến độ làm đường.

Giữa lòng thành phố

Nếu không được "mục sở thị" thì tôi chẳng thể tin giữa lòng thành phố nhộn nhịp, hối hả lại có một ngõ nhỏ đầy ắp những hoàn cảnh khốn khó đến thế. Ngõ nhỏ ấy người ta vẫn quen gọi là ngõ Kiểm Lâm bởi nó nằm sát trụ sở của Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Có lẽ vì cái chợ xép đầu ngõ luôn tấp nập lúc tan tầm nên chẳng ai để ý sau nó là địa bàn sinh sống của hơn 20 hộ dân cư. Phần bởi ngõ nhỏ, phần do dân nghèo quá, nghèo tới mức chả có lấy một hộ cán bộ, công chức nào, thậm chí cả đến hộ công nhân cũng không.

Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến là nhà của cụ Nguyễn Thị Ún - 94 tuổi. Theo giới thiệu của Bí thư Chi bộ Đỗ Công Bích, đây là hộ nghèo sẵn sàng bán chiếc nhẫn cưới - tài sản có giá trị nhất trong gia đình để quyên góp làm đường. Cụ Ún được anh con trai đỡ ngồi dựa vào ghế mà hai vai vẫn cao hơn chiếc cằm dài, chân tay cụ nổi đầy những gân xanh, đôi mắt đã đục và mờ lắm. Nghe con cháu ríu rít kể chuyện đường sá, cụ ngậm ngùi: "Ước chi một đêm tỉnh dậy, mắt sáng để trông thấy con đường rồi chết cũng vui". Nhà nghèo quá nên cụ và các con ở trong cái hủm này từ trước năm 1945. Khi ấy, con đường nhỏ đầy cỏ lau và chật đến nỗi chiếc xe ba gác đi không lọt.

Trong ngôi nhà tuềnh toàng ấy có 5 khẩu cùng sinh sống. Cụ Ún được hỗ trợ 180.000 đồng tiền ngân sách Nhà nước dành cho người cao tuổi, trái nhà - người con gái thứ hai bị tật bẩm sinh sống bằng nghề cuốn vàng thoi thuê, ngày cật lực mới được chục nghìn đồng. Vợ chồng người con gái út ở cùng cụ cũng khốn khó không kém. Chị vợ bị ngã phải mổ chân đi lại khó khăn, chồng là anh Nguyễn Văn Thành đi lính trinh sát nước bạn Lào hơn 20 năm về làm thợ xây buổi đực buổi cái nuôi vợ con. Anh Thành tâm sự: "Thu nhập bấp bênh nên khi huy động đóng góp làm đường gia đình tôi lo lắm. Một lúc bỏ ra 8,5 triệu đồng cơ mà. Nghĩ hết cách, tôi bàn với vợ bán chiếc nhẫn cưới mẹ tặng để làm đường, cũng may cô ấy đồng ý".

Không đến nỗi bán cả nhẫn cưới như nhà anh Thành nhưng hoàn cảnh gia đình anh Vũ Văn Tuyên, sinh năm 1982 khiến mọi người ứa nước mắt. So với các hộ trong tổ thì vợ chồng anh Tuyên ở sâu nhất, nên khi bàn chuyện làm đường anh rất hăng hái. Hai vợ chồng cùng làm nghề mộc, nói đúng hơn là anh làm thuê khâu đục đẽo cho cánh thợ mộc, chị đánh bóng giấy ráp. Việc nhiều cũng kiếm được 5 - 7 triệu đồng/tháng. Nhưng, cuộc sống chẳng mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ chịu thương chịu khó ấy khi cả hai đứa con của họ lần lượt bị bệnh máu trắng. Vậy là, mỗi tháng một lần, hai vợ chồng phải gom đủ 8 triệu đồng đưa nhau về Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để truyền máu duy trì sự sống cho con. Anh Vũ Văn Tuyên tâm sự: "Dù vậy, để có con đường đi lại bọn em cũng phải cố gắng làm và chi tiêu tiết kiệm...".
 
Thành công = quyết tâm + đồng lòng

Nếu cán bộ nào cũng ngại khó, ngại vận động thì chẳng biết đến bao giờ người dân mới mở mặt ra được. Thành công này chính là nhờ quyết tâm cao của lãnh đạo chi bộ.

Đó là nhận xét chân thành của người dân tổ 20. Hơn ai hết, họ hiểu giá trị của mỗi tấc đất, tấc vàng và từng giọt mồ hôi chát mặn nơi thành thị. Mỗi nhà mỗi cảnh nhưng khi được nghe những lời vận động chân tình: "Mình làm cho con cháu mình đỡ khổ", "làm để còn giao lưu với bà con xóm ngoài chứ như Mù Cang Chải giữa lòng thành phố thế này sao được?" của ông bí thư hết mực vì dân ấy mọi người lại có thêm nghị lực để vượt khó. Nhà thì gốc chuối, rặng tre, nhà thì chục, hai chục thước đất để nắn cua, uốn cho đường chạy thẳng. Tất nhiên, với địa bàn chẳng có nổi một hộ cán bộ, công chức, việc vận động hiến đất làm đường, việc họp dân lấy ý kiến đóng góp cho công bằng đòi hỏi người đứng đầu cấp ủy phải thực sự tâm huyết.

Được bầu làm Bí thư Chi bộ từ năm 2012, luôn có mặt trong hoạt động của tổ nhân dân, ông Bích hiểu rõ từng hoàn cảnh, điều kiện sống của người dân các tổ. Ông cũng hiểu đã phải vào sâu trong này hầu hết đều là hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn nên khi quyết định làm đường, ông cân nhắc rất kỹ. Hộ nghèo thường nhạy cảm và dễ bức xúc nếu cán bộ vận động không khéo. Vì thế, Chi bộ xác định phải dân vận tốt, giải thích cho dân thấy được cái lợi của con đường. Sau đó, mới họp, lắng nghe xem dân bức xúc ở đâu mà giải quyết.

Với hộ không hợp tác và đòi hỏi tiền đền bù, Chi bộ phải mời cả công an đến can thiệp. Uy tín, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy ấy còn thể hiện bằng việc lãnh đạo chi bộ, nhân dân tổ 20 kiên quyết đưa ra ánh sáng vụ cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Yên Bái lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt gần 200 triệu đồng tiền đất của hộ nghèo trong tổ. Khi cán bộ này bị cách chức và khai trừ Đảng, người dân mới bớt đi những bức xúc, hộ nghèo lấy lại lòng tin với Đảng, chính quyền và góp công, góp của vì việc chung.

Ông Trần Xuân Thiện, 70 tuổi - hộ đóng góp nhiều nhất với số tiền gần 20 triệu đồng bộc bạch: "Tôi ở đây từ năm 1976, đã có nhiều cuộc vận động lắm nhưng cũng như các hộ khác tôi không tham gia bởi chưa tin. Song, bí thư này thì khác. Gương mẫu, năng nổ và khéo vận động nên tôi nghe thủng tai". Không riêng ông Thiện mà hàng chục hộ dân trong tổ 20 được Bí thư Bích vận động đều nghe ra. Từ trông coi vật liệu những ngày mưa gió đến cho điện, nước, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công với tinh thần "lá rách ít đùm lá rách nhiều" các hộ đều nhiệt tình hưởng ứng. Cộng thêm quyết tâm của ban kiến thiết toàn các cụ "xưa nay hiếm" đã thắt chặt thêm tình đoàn kết trong bà con xóm phố. Bà Phạm Thị Dệt, 84 tuổi kể: "Tôi ở đây từ năm 1982, chứng kiến cảnh khiêng người chết đi trên con đường lầy thụt này vất vả thế nào nên cũng phải vay mượn để đóng đủ 10 triệu đồng làm đường đẹp mà đi".

Người dân tổ 20 phấn khởi đi trên con đường mới.

Gỡ khó cho hộ nghèo

Là hộ nghèo của tổ, bà Vũ Thị Phụ, 80 tuổi tủi thân lắm khi không thể có tiền đóng góp với hàng xóm. Trong căn nhà thơm mùi vữa, bà Phụ một mình nuôi người con gái mắc bệnh Down (đao) đã hơn 40 tuổi. Bí thư Bích cho hay, ngôi nhà tạm của bà Phụ được xóa trước tết Nguyên đán nhờ số tiền hơn 15 triệu đồng hỗ trợ hộ nghèo và 25 triệu đồng do chùa Bách Lẫm làm từ thiện. Chồng bà là bệnh binh tham gia chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ đã mất cách đây 20 năm, các con đứa khôn thì mất, đứa còn thì chẳng được nhờ. Lúc chúng tôi tới thăm, thật cảm động khi gặp bà cụ Dệt đang căng đôi mắt mới mổ đục thủy tinh thể đưa tấm ảnh mừng thọ hôm tết cho bà Phụ xem. Tôi hỏi bà Phụ có thấy vui khi con đường hoàn thành, bà sụt sùi, mặt ngước lên như muốn ngăn những giọt buồn rơi xuống: "Sướng chứ, có đường đẹp, đi lại bớt khổ rồi nhưng tôi không dám đi vì ra đường không có tiền họ chặt chân...".

Ghé sát tai người bạn già nói lại thật to câu hỏi của tôi, bà Dệt phân trần: "Khổ thân bà ấy, chẳng nhìn được nữa, có cái tai thì điếc nặng. Tôi ở gần nên thường xuyên ngó qua thăm. Câu vừa rồi là tôi nói chọc bà ấy nhưng quả thực gia cảnh bà ấy đáng thương lắm". Bà Trịnh Thị Thảo, 70 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố 20, Phó ban kiến thiết công trình đường giao thông trăn trở: "Tuy Ban cũng tạo điều kiện cho các hộ nghèo không phải đóng một lúc số tiền làm đường nhưng trong tổ vẫn còn những hoàn cảnh quá đặc biệt. Vì thế, con đường có tổng giá trị trên 200 triệu đồng, nay vẫn nợ gần 17 triệu đồng mà không biết trông vào đâu".

Quả thực, gỡ khó cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách là vấn đề không riêng của xã, phường hay tổ dân phố nào mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Gần 17 triệu đồng còn nợ đọng làm đường vẫn chưa bằng 1/10 số tiền năm 2013 các hộ nghèo ở đây bị chiếm dụng khi con đường manh nha khởi công. Song, nó đòi hỏi quyết tâm cao trong đội ngũ những "công bộc" của dân ở thành phố Yên Bái để các gia đình khó khăn, gia đình chính sách đã và đang sống giữa lòng thành phố hôm nay vơi bớt phần nào gánh nặng cuộc sống.

Thanh Hương

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
TIN MEDIA