Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với vùng nguyên liệu: Thực trạng và thách thức

Bài 2: Tăng cường liên kết gắn với tái cơ cấu

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/4/2015 | 9:51:25 AM

YênBái - YBĐT - Công nghiệp chế biến nông, lâm sản phát triển kéo theo những bước tiến dài trong sản xuất nông nghiệp và đời sống kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, sự phát triển này vẫn chưa xứng với tiềm năng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho giá trị hàng nông sản của chúng ta thường thấp hơn từ 15 - 50% so với sản phẩm cùng loại từ nước khác. Vì thế, để công nghiệp chế biến nông, lâm sản và vùng nguyên liệu phát triển bền vững, giải pháp cấp thiết lúc này là tăng cường liên kết gắn với tái cơ cấu và qui hoạch bền vững từ vùng nguyên liệu cho đến nội ngành công nghiệp chế biến.

Nông dân và doanh nghiệp cần tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Thu hoạch lúa mùa ở xã An Thịnh (Văn Yên). (Ảnh: Thanh Miền)
Nông dân và doanh nghiệp cần tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Thu hoạch lúa mùa ở xã An Thịnh (Văn Yên). (Ảnh: Thanh Miền)

Chưa xứng với tiềm năng

Yên Bái có tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Để biến tiềm năng này thành hiện thực, một trong những giải pháp có tính tiên quyết được tỉnh tập trung chỉ đạo để khai thác tốt thế mạnh này trong thời gian qua là nhà máy phải gắn với vùng nguyên liệu; nhà máy gắn với lợi ích kinh tế của nông dân và ngược lại… Trong đó, phải kể đến nhà máy chế biến sắn Văn Yên nhiều năm qua đã “bắt tay” bền chặt với chính quyền địa phương và người trồng sắn trong việc giải quyết hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp, nhất là chính sách về giá thu mua, bao tiêu sản phẩm.

Ông Nguyễn Quốc Trinh - Giám đốc Nhà máy Chế biến sắn Văn Yên cho biết: “Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, hàng năm nhà máy ký kết hợp đồng canh tác bền vững và bao tiêu quản lý vùng nguyên liệu với 8 xã vùng nguyên liệu chính, đồng thời có chính sách hỗ trợ canh tác sắn bền vững, trích hỗ trợ theo diện tích, sản lượng, doanh thu để các xã, các hợp tác xã và các đại lý tái đầu tư sản xuất”. Cùng với Nhà máy Sắn Văn Yên, Công ty Vạn Đạt (Trấn Yên) cũng đã duy trì rất tốt mối liên kết với nông dân và vùng nguyên liệu khi hàng năm đứng ra thu mua và phát triển vùng nguyên liệu măng Bát Độ ở xã Kiên Thành (Trấn Yên). Đến nay, Kiên Thành đã có vùng măng trên 1.200ha, mỗi năm thu về hàng chục tỷ đồng cho nông dân. Ngoài ra, các doanh nghiệp như: Nhà máy Chè Nghĩa Lộ, Nhà máy Chè Liên Sơn... cũng đang xây dựng rất tốt vùng nguyên liệu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Sự nở rộ các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng gây nên sự mất cân bằng giữa vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến.

Thế nhưng, nhìn tổng thể các mối liên kết trên chỉ là những gam mầu sáng hiếm hoi. Rõ ràng, một vấn đề đang tồn tại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh chế biến nông, lâm sản là giữa nhà máy và vùng nguyên liệu chưa có mối quan hệ khăng khít với nhau. Đơn cử như trong sản xuất, kinh doanh chè, nhiều doanh nghiệp đã cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trong vùng nguyên liệu của nhà máy, ứng trước vật tư chăm sóc… nhưng khi bán nguyên liệu, chỉ cần các cơ sở chế biến khác đến tranh mua và nhích giá lên một chút là không ít người sẵn sàng quay lưng lại với nhà máy.

Thừa nhận thực tế này, đại diện một công ty cổ phần chè ở Văn Chấn cho biết, công ty đã từng cung ứng giống, phân bón, vật tư cho người dân với mục đích bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất. Thế nhưng, do tranh mua, tranh bán nên đến nay vẫn chưa thu lại vốn do người dân tự ý mang chè bán cho thương lái. Hay như chuyện nhà máy và vùng nguyên liệu sắn, gần như năm nào cũng lặp lại điệp khúc “được mùa, rớt giá”. Điển hình như vụ sắn vừa qua, do giá sắn thấp hơn năm trước (dao động từ 1.100-1.200 đồng/kg) nên nông dân không nhổ để bán cho nhà máy chế biến. Đến thời điểm trồng vụ mới nhiều nơi sắn cũ vẫn trên đồi. 

Tìm hiểu sâu hơn, có thể nhận thấy chính sự phát triển quá nhanh, không theo qui hoạch của các cơ sở chế biến và vùng nguyên liệu cũng ảnh hưởng đến mối liên kết của đôi bên. Minh chứng rõ nhất cho thực trạng này là sự phát triển của các cơ sở chế biến chè Văn Chấn. Đến hết năm 2014, toàn huyện có 68 nhà máy tham gia sản xuất, chế biến chè (chưa tính hàng trăm cơ sở chế biến bằng bom quay tay), tăng 8 cơ sở so với năm 2010. Tổng công suất thiết kế của các đơn vị này đạt trên 850 tấn chè búp tươi/ngày, gấp 3,5 lần khả năng đáp ứng của vùng nguyên liệu.

Ông Trần Hữu Sính - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Văn Chấn thừa nhận: “Việc phát triển quá nhanh các cơ sở chế biến chè nhất là các cơ sở chế biến công suất nhỏ đã dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán. Giữa các doanh nghiệp chưa có sự liên kết với nhau và gắn kết với người trồng chè. Mặt khác, do công nghệ, thiết bị lạc hậu, thô sơ nên giá trị sản phẩm thấp, thiếu tính cạnh tranh, không tạo dựng được thương hiệu”.

Từ câu chuyện về chè Văn Chấn, ta cũng có thể thấy vùng quế Văn Yên cũng đang rơi vào thực trạng này. Với 10 đơn vị và 209 hộ tư nhân tham gia chế biến, chưng cất tinh dầu quế mỗi ngày cần tới hàng nghìn tấn cành, lá thì việc khai thác, cắt tỉa ồ ạt, không bảo đảm kỹ thuật chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tinh dầu và sự phát triển của quế. Ngoài chè, quế thì sự nở rộ của các cơ sở chế biến ván bóc thời gian qua cũng dẫn đến tình trạng mất cân bằng khi vùng nguyên liệu không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Thực - Phó giám đốc Sở Công thương nhận xét, thực tế lâu nay việc cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến thường không ổn định, việc thay đổi cơ cấu cây trồng thường do dân tự quyết định theo biến động của thị trường nông phẩm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít, sản phẩm nghèo nàn, chất lượng sản phẩm chưa cao, công nghệ chế biến còn lạc hậu, thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp, sức cạnh tranh còn yếu kém. Phần lớn các dự án đầu tư tập trung vào chế biến nông sản thô, giá trị gia tăng thấp nên khó xây dựng được thương hiệu và sức cạnh tranh cho sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng "khó tính" của thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, điều dễ nhận thấy là công nghiệp chế biến nông, lâm sản mới chỉ tiếp cận với một số cây mũi nhọn là cây chè, quế, sắn, măng và cây gỗ nguyên liệu. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp đã hình thành các vùng chuyên canh có năng suất cao như: vùng thâm canh lúa 5.000ha, vùng sản xuất ngô 15.000ha, vùng cây ăn quả trên 3.000ha... Rõ ràng, việc chưa có các cơ sở tham gia chế biến gắn với những vùng thâm canh này là điều đáng để suy nghĩ.

Liên kết, hướng phát triển bền vững

Từ những bất cập, tồn tại trên có thể thấy để công nghiệp chế biến nông, lâm sản phát triển ổn định, vững chắc, thời gian tới các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh cần tập trung xây dựng, qui hoạch và tái cơ cấu vùng cây nguyên liệu cũng như nội ngành chế biến đồng thời tiếp tục thu hút các cơ sở tham gia chế biến gắn với các vùng cây trồng vật nuôi có thể mạnh của tỉnh như: lúa, ngô, cây ăn quả... Trong đó, chú trọng các lĩnh vực công nghệ chế biến hiện đại, sản xuất các sản phẩm tinh chế và công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Muốn vậy, cần minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính để các doanh nghiệp dễ dàng hình thành dự án và triển khai thực hiện; xây dựng chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Trước mắt là tăng mức vay, hạ lãi suất vay tín dụng, cung cấp mặt bằng sạch...

Bên cạnh đó, điều quan trọng là phải tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp với vùng nguyên liệu, doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nông dân và nông dân với nông dân. Để làm được điều này, trước tiên chúng ta cần xây dựng được qui hoạch các vùng cây nguyên liệu gắn với từng địa phương. Chẳng hạn như xây dựng vùng lúa hàng hóa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, Văn Chấn), cánh đồng Đại - Phú - An và Đông Cuông (Văn Yên); vùng cây ăn quả đặc sản (vùng bưởi Khả Lĩnh tại xã Đại Minh và Hán Đà (huyện Yên Bình) và vùng cam, quýt huyện Văn Chấn, Lục Yên; vùng rau an toàn ở thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ...

Trước nhu cầu trước nhu cầu của thị trường về sản xuất tinh dầu, huyện Văn Yên cần mở rộng vùng nguyên liệu chuyên biệt cung cấp cành và lá quế cho các nhà máy chế biến tinh dầu. Tuy nhiên, việc xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu ngoài sự định hướng, qui hoạch rõ ràng, cụ thể của các cấp chính quyền rất cần sự vào cuộc của doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò "động lực" kết nối sản xuất, chế biến với thị trường; tập trung thực hiện các phương án đầu tư cho vùng nguyên liệu thông qua mối liên kết với hợp tác xã, hộ dân để chủ động được nguồn nguyên liệu; từng bước đầu tư thay thế dần các thiết bị công nghệ đã lạc hậu, không ngừng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và hạ giá thành sản phẩm… Ngoài ra, nông dân, doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau bàn về cơ chế, sự liên kết, tính toán cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Công nghiệp chế biến nông, lâm sản của Yên Bái đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn, nhất là khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang chạy qua nhiều vùng cây nguyên liệu tại nhiều địa phương. Đây là điều kiện rất tốt cho việc thu hút, kêu gọi thêm nhiều nhà đầu tư với dây chuyền sản xuất hiện đại, góp phần nâng cao chuỗi giá trị cây trồng, vật nuôi cho nông dân. Từ đó, đưa công nghiệp chế biến nông, lâm sản có bước phát triển mới, tạo đà cho việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh.

Hùng Cường

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
TIN MEDIA