Góp sức cho vùng cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/5/2015 | 9:13:38 AM

YênBái - YBĐT - Đồng bào Mông xã Tà Si Láng, Túc Đán (huyện Trạm Tấu) hay xã Kim Nọi, Mồ Dề… huyện Mù Cang Chải, sẽ chẳng bao giờ quên những công trình thanh niên tình nguyện mang sức lực, nhiệt huyết của tuổi trẻ góp sức cho quê hương, để làm đổi thay cuộc sống trên những bản làng heo hút. Lăn lộn với cơ sở, đồng hành với đồng bào các dân tộc trong lao động sản xuất, trên 16 nghìn đoàn viên ưu tú đã thực sự trưởng thành từ nơi dân, trở thành những đảng viên qua những phong trào tình nguyện “ba cùng” với dân.

Các đội viên tình nguyện tham gia công trình mở đường tại bản Đá Đen, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải.
Các đội viên tình nguyện tham gia công trình mở đường tại bản Đá Đen, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải.

Khơi nguồn sức mạnh

Tiếp lửa truyền thống cách mạng, bầu nhiệt huyết của thế hệ cha anh với những phong trào: chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, tuổi trẻ Yên Bái hôm nay, tiếp tục đi cùng năm tháng, góp sức đưa quê hương đổi mới, xây dựng vùng cao no ấm. Tinh thần ấy đã lan tỏa, kết tinh thành sức mạnh thần kỳ khi bạt núi mở đường, khi san đồi hoang thành cánh đồng tươi tốt; giúp dân trồng rừng kinh tế, đẩy lùi hủ tục, đưa ánh sáng văn minh cùng ý nguyện của Bác Hồ kính yêu “đưa miền núi tiến kịp với miền xuôi” thông qua đường hướng phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có chương trình xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào vùng cao với muôn vàn khó khăn.

Công trình đầu tiên cũng là một trong 10 công trình thanh niên tình nguyện tiêu biểu của cả nước, được vinh danh năm 2004, ghi dấu ấn sức trẻ tình nguyện của tuổi trẻ Yên Bái khiến nhiều người không thể nào quên, đó là công trình mở đường tại xã Tà Si Láng, huyện Trạm Tấu. Hơn 6.500 đoàn viên thanh niên ở Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái đã tình nguyện lao động ngày đêm trên công trình này. Lòng dân và sức trẻ đồng thuận, đã làm nên sức mạnh khơi thông tuyến đường quan trọng, nối gần cuộc sống của đồng bào Mông nơi rẻo cao Tà Si Láng vốn nhiều đời bị chia cắt với bên ngoài bởi núi non hiểm trở.

Đường Tà Si Láng được khởi công vào ngày 6 tháng 2 năm 2004, với tổng chiều dài 15.240m. Vượt lên khó khăn của địa hình vực sâu, dốc đá cheo leo, có những điểm thi công, ta luy cao 12 đến 15m, trong điều kiện thời tiết nhiều ngày mưa dầm, sương mù và rét có lúc tới 2 độ C, ăn đói, mặc rét… nhưng tuổi trẻ các dân tộc vẫn đêm ngày hăng say lao động. Để rồi, sau 4 tháng thi công bằng tất cả sự nhiệt thành cống hiến, tuyến đường huyền thoại đã hoàn thành trong niềm hân hoan của nhân dân. Vinh dự lớn nhất, thuộc về chính những người trẻ đã góp sức dệt nên con đường huyền thoại. Tại công trường, trước sự suy tôn của tập thể, sự ghi nhận của tổ chức, 1.540 thanh niên ưu tú đã vinh dự được kết nạp Đoàn; 117 đoàn viên ưu tú, tự hào được đứng trong hàng ngũ của Đảng; 257 đoàn viên ưu tú hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã được giới thiệu cho các đảng bộ, chi bộ bồi dưỡng phát triển Đảng...

Cùng Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn và các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy lên thăm công trường ngày 8/3/2004, Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái - Phạm Thị Thanh Trà (nay là Chủ tịch UBND tỉnh) đã ôm các đội viên tình nguyện mà khóc: "Thương các em lắm! Công trường gian khổ, thiếu thốn, mưa, rét, xa nhà... Vậy mà, các em vẫn làm nên bao điều kỳ diệu. Thật xúc động và tự hào. Tuổi trẻ Yên Bái của chúng tôi là như thế đấy!". Công trình thi công vào xã Tà Si Láng với sức trẻ tình nguyện đã làm lợi cho Nhà nước gần 10 tỷ đồng...  

Có rất nhiều những công trình mang đậm dấu ấn tình nguyện của tuổi trẻ như: Công trường mở đường Quy Mông-Hoàng Thắng, huyện Trấn Yên; đường Động Quan-Tân Lĩnh-Lâm Thượng, huyện Lục Yên; đường An Lương-Nà Hẩu, huyện Văn Yên. Gần nhất là công trình khai hoang 10,5ha ruộng nước trên cánh đồng Nậm Tộc, còn gọi là cánh đồng “ma” ở xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu; công trình trồng 200 ha cây sơn Tra của tuổi trẻ huyện Trạm Tấu hay như các công trình xây dựng lớp học, nhà bán trú cho em tại xã Mồ Dề, La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, trị giá trên 2,5 tỷ đồng; xây dựng “Nhà bán trú cho em” tại 5 điểm trường lẻ của tuổi trẻ huyện Văn Yên, trị giá hơn 1,3 tỷ đồng, cùng các công trình trồng mới và bảo vệ trên 2 nghìn ha rừng phòng hộ, rừng kinh tế của tuổi trẻ nhiều địa phương, để tạo ra sự đổi thay tích cực, bước chuyển mạnh trong phát triển kinh tế,  xã hội ở vùng cao.
                                       
Cho vùng cao no ấm

Có thể  thấy, các phong trào tình nguyện của tuổi trẻ Yên Bái những năm qua, luôn đồng hành cùng nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và của tỉnh. Hoạt động tình nguyện với nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, đổi mới theo hướng cụ thể, rõ việc, sát với nhu cầu thực tiễn của địa phương. Tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, những nhiệm vụ trọng tâm ở cơ sở như: không thả rông gia súc, chuyển đổi tập quán canh tác ruộng nước 2 vụ, trồng ngô trên đất dốc, chống tái trồng cây thuốc phiện... và rõ nhất là tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng đường-trường -trạm ở các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn.

Mục tiêu hướng các hoạt động tình nguyện đến vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vì cuộc sống cộng đồng, hàng nghìn đội viên tình nguyện đã thực hiện “ba cùng” với dân, trực tiếp tuyên truyền tại hơn 4 nghìn lượt thôn, bản; thực hiện gần 2 nghìn mô hình trình diễn, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật giúp nhân dân nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo; tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, tu sửa và làm mới gần 10 nghìn km đường liên thôn, liên xã; sửa chữa và làm mới gần 15 nghìn km kênh mương nội đồng, cống rãnh thoát nước; chung tay sửa chữa và làm mới gần 10 nghìn nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách…

 Hàng nghìn công trình tình nguyện của tuổi trẻ đã tham gia góp sức vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội ở vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người. Chỉ riêng năm 2014, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai thực hiện được trên 1.700 công trình phần việc thanh niên. Trong đó, công trình làm đường nông thôn từ đầu thôn Tà Chừ đến thôn Háng Tầu, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu dài 4,5km, nằm trong Dự án Làng thanh niên lập nghiệp của Tỉnh đoàn Yên Bái, trị giá gần 10 tỷ đồng đã được Trung ương Đoàn công nhận là công trình thanh niên tình nguyện tiêu biểu toàn quốc.

Chứng kiến sức trẻ trên công trường mới hiểu, khi nhiệt huyết được đánh thức và lý tưởng sống “Đâu cần thanh niên có. Đâu khó có thanh niên” của tuổi trẻ được khơi nguồn thì đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy thanh niên: “Không có việc gì khó”… Trưởng thành từ chính phong trào thanh niên tình nguyện, Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái-Nông Việt Yên cho rằng: “Mỗi công trình tình nguyện, dù lớn, nhỏ đều là cơ hội quý để mỗi đoàn viên, thanh niên tự rèn luyện, trải nghiệm, tự khẳng định bản lĩnh, sức trẻ để biết sống có trách nhiệm hơn với bản thân, với cộng đồng. Các phong trào tình nguyện của tuổi trẻ Yên Bái những năm qua, đã thể hiện rõ được vài trò của tổ chức Đoàn và vị thế của tuổi trẻ, bảo đảm được mục tiêu cũng như yêu cầu “Được người, được việc, được tổ chức”, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội ở vùng cao...”. 

Lớn lên cùng phong trào, hình ảnh màu áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ Yên Bái đã có mặt ở trên khắp các vùng quê, các bản làng vùng cao gian khó, thắp sáng niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, với Bác Hồ kính yêu; xây dựng được hình mẫu đẹp về lớp thanh niên Yên Bái trong thời kỳ mới-phơi phới sức trẻ, rạng ngời khát vọng được khẳng định và cống hiến sức mình cho quê hương. Con số hơn 16 nghìn đoàn viên ưu tú đã vinh dự kết nạp Đảng trên chính những công trường tình nguyện là minh chứng cho sự trưởng thành của tuổi trẻ qua thực tiễn sinh động.

Với gần 2 nghìn công trình, phần việc ý nghĩa, thiết thực bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và các địa phương, trọng tâm hướng đến vùng cao, vùng đồng bào dân tộc và vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, các phong trào tình nguyện của tuổi trẻ Yên Bái đang sôi nổi, nỗ lực phấn đấu góp sức thực hiện mục tiêu chung của tỉnh là đưa Yên Bái thoát khỏi 10 tỉnh nghèo, trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Anh Đàm Văn Đạt - Phó chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh

Hiệu quả các công trình tình nguyện của tuổi trẻ Yên Bái những năm qua, vừa tập hợp, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia vào tổ chức hội, vừa tạo được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương.

Điển hình như công trình mở đường tại xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải - một trong 2 công trình tình nguyện lớn của tuổi trẻ năm 2014, với sự góp sức của gần 2 nghìn đội viên tình nguyện, nhân dân địa phương, con đường trên 4,5 km đã hoàn thành sau 7 ngày thi công. Đặc biệt, trên 70 hộ trong xã đã tự nguyện hiến hơn 6.000 m2 đất ruộng để làm đường...

Anh Mùa A Chống - Trưởng thôn Tà Chừ, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu:

Khi thanh niên tình nguyện tổ chức mở đường giúp dân bản, bà con vui lắm, nhà nào cũng đăng ký 1 đến 2 người tham gia. Trước đây, khi chưa có con đường của thanh niên làm, bà con đi lại rất khó khăn. Bây giờ đường vào Làng thanh niên lập nghiệp được mở rộng rãi, xe máy đi lại rất thuận tiện. Vui nhất là từ mùa thu hoạch này trở đi, bà con không còn phải vất vả vận chuyển lúa, ngô về nhà...

Minh Thúy

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
TIN MEDIA