Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi:

Bài 2: “Bài toán” duy trì phổ cập bền vững

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/9/2015 | 2:33:39 PM

YênBái -

YBĐT - Rất cần thêm những chính sách đột phá để giáo dục mầm non phát triển hơn nữa, đặc biệt là giữ vững được PCGDMNCTNT trong thời gian tiếp theo.

>> Bài 1: Tổng lực để về chuẩn

Giờ ngoại khóa của Trường Mầm non Sơn Thịnh (Văn Chấn).
Giờ ngoại khóa của Trường Mầm non Sơn Thịnh (Văn Chấn).

Thành quả nổi bật nhất của phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (PCGDMNCTNT) ở Yên Bái đến thời điểm này không phải chỉ là số phòng học được xây mới hay tuyển, chuẩn được bao nhiêu giáo viên mà chính là ý thức của toàn xã hội về việc chăm lo cho trẻ học ở bậc học này. Từ sự đồng thuận đó, rất cần thêm những chính sách đột phá để giáo dục mầm non phát triển hơn nữa, đặc biệt là giữ vững được PCGDMNCTNT trong thời gian tiếp theo.

Đạt chuẩn nhưng vẫn còn khó khăn

Huyện Văn Chấn hoàn thành phổ cập giáo dục từ năm 2013, nhưng việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp tại một số xã chưa đạt 100%, do địa bàn rộng, dân cư ở thưa thớt, điều kiện kinh tế của nhân dân còn khó khăn, sự quan tâm đến việc học của nhiều gia đình đối với trẻ chưa được đảm bảo. Tại một số trường, điểm trường thiếu phòng học phải đi học nhờ, hiện nay huyện vẫn còn 26 lớp 5 tuổi phải học phòng tạm. Nhiều lớp 5 tuổi còn thiếu một số danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối tiểu do mất mát hoặc hư hỏng, công tác xã hội hóa giáo dục ở một số trường mầm non chưa thực hiện tốt. Hơn nữa, ở một số địa phương, chính quyền và một bộ phận nhân dân chưa hiểu được nhiệm vụ, ý nghĩa của công tác PCGDMNCTNT do việc tuyên truyền chưa liên tục, chưa sát thực tế để nâng cao nhận thức cho nhân dân về lĩnh vực này.

Cô giáo Nguyễn Thị Thương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Suối Giàng chia sẻ: “Mặc dù đã đạt PCGDMNCTNT, nhưng xã có địa bàn rộng, đi lại khó khăn, nhiều thôn cách xa các đơn vị trường học từ 8 - 10km như thôn Tập PLăng I, thôn Tập PLăng II, thôn Suối Lóp nên ảnh hưởng lớn tới việc huy động học sinh ra lớp và duy trì số lượng. Cùng với đó, nhận thức của một số gia đình còn thấp, người dân ở rải rác trên núi cao còn nhiều hộ đói nghèo nên việc tạo điều kiện cho con em đi học còn khó khăn, tình trạng học sinh đi học theo mùa vẫn xảy ra. Cơ sở vật chất  nhà trường nhiều điểm còn thiếu và yếu. Đặc biệt, đời sống nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn nên công tác xã hội hóa chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân chưa nhận thức sâu sắc và toàn diện về quyền lợi được học của con em mình, chưa nhận thức được ý nghĩa và trách nhiệm của gia đình trong công tác vận động, tạo điều kiện cho học sinh đến trường”.

Những khó khăn của Văn Chấn, có lẽ là những khó khăn chung của nhiều địa phương khác. Do vậy, dù đã chú trọng tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, nhưng một số trường vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn có sở vật chất chưa đảm bảo yêu cầu. Vì vậy, tỷ lệ phòng học kiên cố trong toàn bậc học chưa cao, toàn tỉnh vẫn còn 132 phòng học tạm dành cho lớp dưới 5 tuổi; phòng chức năng, công trình vệ sinh đạt yêu cầu dành cho trẻ và giáo viên còn thiếu; đồ dùng đồ chơi và thiết bị dạy học tối thiểu còn hạn chế; tỷ lệ trẻ nhà trẻ huy động ra lớp thấp (16%); lớp 5 tuổi tại các điểm trường vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn chủ yếu là lớp ghép từ 2 - 3 độ tuổi (chiếm tới 55,1%); nhiều điểm chưa có bếp ăn và trẻ vẫn mang cơm nên phần nào ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Với những khó khăn đặc thù của tỉnh vùng cao, nên đạt được PCGDMNCTNT đã khó, giờ giữ được càng khó hơn.

Lời giải cho “bài toán” khó

Trước những cái khó trong duy trì PCGDMNCTNT, huyện Văn Chấn đã tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể theo phương châm: “Thường xuyên, liên tục, đẩy nhanh và vững chắc kết quả PCGDMNCTNT”. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của ban chỉ đạo các cấp, có sự kết hợp tốt giữa ngành giáo dục với các cơ quan chức năng, tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia xã hội hóa giáo dục.

Bà Bùi Thị Oanh - Phó trưởng phòng GD - ĐT huyện Văn Chấn cho biết: “Phòng tăng cường công tác chỉ đạo chuyên môn, thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện quy chế chuyên môn; tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tập trung theo cụm trường, tổ chức các chuyên đề nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động và phối hợp vận động đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, duy trì số lượng, nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ. Đặc biệt, Phòng chỉ đạo đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động theo hướng phát huy tính tích cực của trẻ; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chăm sóc”.

Còn với ngành giáo dục, đạt PCGDMNNT là sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực vượt khó đạt chuẩn, sẽ là động lực để toàn ngành tập trung duy trì và nâng cao chất lượng PCGDMNCTNT. Trong thời gian tới, ngành xác định sẽ tập trung chỉ đạo các xã còn lại trong tỉnh đạt chuẩn PCGDMNCTNT vào năm 2016, đảm bảo 100% số xã, phường, thị trấn, 100% số huyện thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGDMNCTNT. Bởi toàn tỉnh hiện còn 2 xã Tà Si Láng của huyện Trạm Tấu và Chế Tạo của huyện Mù Cang Chải là chưa đạt chuẩn phổ cập.

Bà Hà Thị Minh Lý – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Thời gian tới, ngành vẫn tiếp tục thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo về công tác PCGDMNCTNT; tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện PCGDMNCTNT tại các địa phương; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non; chú trọng nâng cao chất lượng thực hiện chương trình ở các lớp mẫu giáo ghép, chất lượng ở các điểm trường vùng khó khăn. Đặc biệt, tăng cường tiếng Việt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng”.

Bà Lý cũng nhấn mạnh: Muốn PCGDMNCTNT bền vững, cần nâng cao chất lượng giảng dạy, do đó nâng cao trình độ giáo viên là việc làm thường xuyên và quan trọng cho tất cả các nhà trường. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy để kịp thời theo kịp với những địa phương phát triển, phù hợp với chủ trương đổi mới giáo dục của Bộ. Tuy vậy, tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia xã hội hóa và PCGDMNCTNT vẫn là giải pháp chủ yếu để duy trì sự huy động trẻ ra lớp, tiến tới huy động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, tích cực trong phối hợp giáo dục nuôi dưỡng chăm sóc trẻ.

Để công tác PCGDMNCTNT được duy trì và Đề án thực sự là tiền đề vững chắc trong nâng cao giáo dục mầm non nói riêng, nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, bà Hà Thị Minh Lý cho biết thêm: “Sở tiếp tục tham mưu với tỉnh chỉ đạo các địa phương huy động trẻ mầm non đến trường, đạt tỷ lệ phù hợp với tình hình chung của tỉnh và khu vực, duy trì nâng cao chất lượng phổ cập bền vững. Đồng thời, tham mưu với tỉnh chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập; bổ sung biên chế đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cho các cơ sở mầm non. Hiện nay, đặc thù của ngành học gần như 100% là lao động nữ, nên đề nghị tỉnh xem xét có cơ chế có giáo viên thay thế giáo viên nghỉ thai sản tại các cơ sở giáo dục như theo hình thức hợp đồng lao động thời vụ hay giáo viên hợp đồng thỉnh giảng, đảm bảo liên tục 2 giáo viên/ lớp theo đúng chuẩn PCGDMNCTNT. Bên cạnh đảm bảo đội ngũ giáo viên, Sở cũng tham mưu với tỉnh tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đến năm 2020 cơ bản xóa phòng học tạm, học nhờ tại các cơ sở giáo dục mầm non, mua sắm trang thiết bị, xây dựng các công trình phụ trợ. Đặc biệt đẩy mạnh chỉ đạo xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia”.

Giáo dục mầm  non đã được công nhận vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển giáo dục chung. Nhìn lại quá trình phổ cập PCGDMNCTNT của tỉnh Yên Bái mới thấy được sự nỗ lực không ngừng của các cấp các ngành trong chỉ đạo, phối hợp. Cái được có lẽ không chỉ là danh hiệu đạt chuẩn mà là chất lượng của phổ cập giáo dục mầm non, vì đây là nền tảng để các em vững vàng ở những bậc học tiếp theo. Với những giải pháp kịp thời, liên tục mà ngành giáo dục đưa ra tin tưởng rằng PCGDMNCTNT tại Yên Bái sẽ được duy trì bền vững.   

Đề xuất từ cơ sở

Bà Hà Thị Minh Lý - Phó giám đốc Sở GD-ĐT:

Để duy trì bền vững và nâng cao chất lượng PCGDMNCTNT, bên cạnh việc huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trong thời gian tới ngành tập trung chỉ đạo tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện PCGDMNCTNT tại các địa phương. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non; chú trọng nâng cao chất lượng thực hiện chương trình ở các lớp mẫu giáo ghép, chất lượng ở các điểm trường vùng khó khăn.

Đặc biệt là tăng cường tiếng Việt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Hiền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Thành (Yên Bình):

Là xã vùng 3 khó khăn, nhưng Yên Thành đã đạt PCGDMNCTNT từ năm 2011. Song, cái khó của nhà trường vẫn là duy trì bền vững và nâng cao chất lượng PCGDMNCTNT tại xã trên 98% là đồng bào Dao, đời sống còn nhiều khó khăn, người dân còn chưa coi trọng bậc học này. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục tham mưu với chính quyền địa phương, phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của PCGDMNCTNT.

 Đặc biệt, số giáo viên nhà trường hiện đang thiếu nhưng trường ưu tiên bố trí đủ 2 giáo viên/lớp 5 tuổi, nhưng về lâu dài đề nghị phải bổ sung. Đặc biệt, 100% giáo viên là nữ giới nên việc bố trí nhân sự lúc nghỉ chế độ thai sản, ốm đau là rất khó khăn. Đề nghị các cấp, ngành nghiên cứu xây dựng cơ chế để nhà trường giải quyết tình trạng khó khăn này như hợp đồng thời vụ, công việc...

Cô giáo Nguyễn Thị Thương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Suối Giàng (Văn Chấn):

Để công tác PCGDMNCTNT ở Suối Giàng được duy trì, nâng cao, nhà trường mong các cấp, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, xoá phòng học nhờ ở điểm trường và các phòng chức năng, bổ sung trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các trường mầm non, có kế hoạch chỉ đạo cho công tác phổ cập của xã được duy trì bền vững, tăng cường làm tốt việc tuyên truyền tới thôn bản, tới từng hộ dân.

Đồng thời, tiếp tục có chính sách hỗ trợ học sinh vùng 135 trong những năm tiếp theo để các cháu có điều kiện đến trường tốt hơn, cấp chi trả đầy đủ các chế độ cho học sinh kịp thời.

 

Thanh Ba

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
TIN MEDIA