Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới: Yêu cầu cấp thiết

Bài 2: Giải pháp EMINA

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/4/2016 | 10:40:51 AM

YBĐT - Mọi bức xúc, những điều tiếng, các ý kiến... về tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi lợn của các hộ gia đình mà chúng tôi đã gặp bỗng thưa vắng hơn, ắng lặng dần.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sử dụng chế phẩm EMINA trong chăn nuôi lợn tại huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái".

>> Bài 1: Câu chuyện chung - riêng

Tín hiệu tốt đẹp ấy bắt đầu cùng với việc Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sử dụng chế phẩm EMINA trong chăn nuôi lợn tại huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái” được triển khai và kỹ sư chăn nuôi Nguyễn Thị Nhàn - Trưởng phòng Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái làm Chủ nhiệm Dự án.

Gắn bó lâu năm với nghề, chị Nhàn nhận thấy và suy nghĩ nhiều về vấn đề ô nhiễm môi trường của các hộ chăn nuôi. Nhiều nông hộ đã lựa chọn chăn nuôi để nâng cao thu nhập gia đình khi diện tích đất canh tác không có nhiều, giá trị kinh tế của các loại cây trồng cũng chưa cao. Theo xu hướng phát triển hiện nay, các hộ đương nhiên sẽ chuyển dần sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn, chưa kể tới yếu tố chuồng trại chăn nuôi ở ngay trong khu dân cư đông đúc.

Quá trình này kéo theo một bài toán không đơn giản vì phải giải quyết hai vấn đề: hiệu quả kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Trăn trở của lãnh đạo các địa phương cũng là đây. Năm 2013, chị cũng đã làm Chủ nhiệm Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái”.

Thực tế cho thấy, Dự án mang lại hiệu quả nhất định nhưng mùi hôi chuồng trại chăn nuôi chưa giảm rõ rệt. Trở đi trở lại với vấn đề xử lý môi trường chăn nuôi lợn, chị vẫn không ngừng tìm kiếm các giải pháp mới. Chị Nhàn nói: “Chưa bao giờ vấn đề giữ gìn môi trường được đặt ra cấp thiết như bây giờ, nhất là khi các địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới. Càng ngày yêu cầu về giải quyết hiệu quả chất thải chăn nuôi càng trở nên quan trọng”.

Đầu năm 2015, tham dự một lớp tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm tại Sở Y tế tỉnh Yên Bái, chị biết đến chế phẩm EMINA xử lý môi trường chăn nuôi qua giới thiệu của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thạch - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

Kỹ sư chăn nuôi Nguyễn Thị Nhàn - Chủ nhiệm Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sử dụng chế phẩm EMINA trong chăn nuôi lợn tại huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái”.

“Tôi ấn tượng nhất là thầy Thạch uống ngay chế phẩm EMINA trước cả lớp tập huấn” và bị thuyết phục bởi đặc tính vừa an toàn vừa hiệu quả của chế phẩm, chị Nhàn chú tâm nghiên cứu thêm rồi đề xuất Dự án. Ngày 9/10/2015, UBND tỉnh Yên Bái đã có Quyết định số 1975/QĐ-UBND về việc phê duyệt thuyết minh Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sử dụng chế phẩm EMINA trong chăn nuôi lợn tại huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái”. Quy mô Dự án thực hiện 1.500 m2 ở 20 hộ của 4 xã: Tân Thịnh, Văn Tiến (thành phố Yên Bái) và Minh Quân, Vân Hội (Trấn Yên) từ tháng 10 năm 2015 đến tháng 6 năm 2016.

Từng sử dụng nhiều loại khử mùi nên tham gia Dự án, lúc đầu, anh Hoàng Văn Kiên cũng còn hoài nghi. Tuy nhiên, mong muốn giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường chăn nuôi đã thúc giục anh tham gia nhiệt tình. Hiện tại, anh nuôi 65 lợn thịt, 10 lợn nái nên lượng chất thải rất lớn. Sử dụng chế phẩm EMINA, anh tuân thủ đúng hướng dẫn để xử lý mùi hôi chuồng trại, xử lý nước thải và bể chứa phân.

Thật bất ngờ, chỉ sau 21 ngày sử dụng chế phẩm này tưới lên nền chuồng, phun lên tường, trần, rèm che... quanh chuồng nuôi và đổ trực tiếp vào nguồn nước thải, bể chứa phân là mùi hôi thối đã giảm hẳn. “Lúc chưa có EMINA, đố ai ngồi được chỗ sân này nhà tôi, có mà nín thở! Ruồi nhặng cũng trốn ráo. Khí đốt gas nhiều hơn, không còn mùi khó chịu. Tôi còn dùng cả chế phẩm này để ủ phân chuồng, nhanh hoai hơn lại chẳng có mùi” - anh Kiên phấn khởi.

Anh Hoàng Văn Kiên phun chế phẩm EMINA.

Chị Vũ Thị Hải Hương - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Thịnh cho biết: “Mùi hôi thối từ chuồng nuôi lợn nhà anh Kiên đã đỡ rất nhiều. Tôi cho rằng nên tuyên truyền rộng rãi để người chăn nuôi biết và sử dụng chế phẩm EMINA vì bây giờ nhân dân rất chú trọng phát triển chăn nuôi”.

Chị Nguyễn Thị Kiều - cán bộ Địa chính - Kinh tế xã cũng đồng tình với quan điểm của chị Hương vì hiện nay, xã có 130 hộ chăn nuôi lợn, gà tập trung quy mô lớn.

Ông Nguyễn Văn Đài so sánh, sử dụng chế phẩm EMINA đơn giản, tiện lợi, giá rẻ, hiệu quả hơn dùng đệm lót sinh thái. Qua 5 tháng sử dụng, ông nhận thấy không khí đã trong lành trở lại, ruồi nhặng giảm hẳn. Lượng khí gas tăng nên ông Đài đang tìm mua máy phát điện chạy bằng khí gas để bớt đi chi phí tiền điện hàng tháng. Đặc biệt, chất lượng nguồn nước thải qua bể biogas cũng trong hơn, không đen ngòm như hồi xưa lại không còn mùi khó chịu, ông thường xuyên dùng máy bơm tưới nước cho hàng ngàn gốc chanh tứ thời.

Chị Vũ Thị Thủy - chủ một cửa hàng thức ăn chăn nuôi ở thôn Văn Quỳ, xã Văn Tiến cho biết: “Dạo nọ, đến nhà chú Đài chơi, thấy can chế phẩm EMINA, tôi hỏi và được chú cho một ít về dùng thử. Dùng hiệu quả lại an toàn, không độc hại nên tôi đã nhờ mua thêm 3 can nữa”. Nhà chị Thủy ngay trục đường chính, nhà này nối giáp nhà kia. Bây giờ, chị đang nuôi 60 lợn thịt, 5 lợn nái.

“Khi mang về, em trai tôi trực tiếp chăm sóc đàn lợn không muốn dùng vì không tin, tôi phải giục mãi. Giờ chả cần giục cậu ấy cũng tự làm và nếu không có sẽ đòi mua ngay”, chị Thủy hào hứng. Chị bày tỏ, các cơ quan chức năng nên giới thiệu rộng rãi chế phẩm này đến nhiều người chăn nuôi hơn nữa. Anh Vũ Văn Quân - em trai chị Thủy chia sẻ: “Sử dụng chế phẩm đúng hướng dẫn sẽ bớt mùi hôi thối rõ rệt, không có nấm mốc bám tường, nền chuồng không trơn trượt, ruồi nhặng hầu như biến mất”.

Nhận xét sau khi nhà anh Nguyễn Biên Thùy sử dụng chế phẩm EMINA, ông Trần Văn Đa - Bí thư Chi bộ thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên cho rằng, mùi hôi giảm được khoảng 70%. “Nếu nhà anh Thùy duy trì tốt như hiện nay, Chi bộ thôn sẽ vận động các hộ chăn nuôi khác sử dụng. Các ngành chức năng nên nhân rộng mô hình này để giúp người chăn nuôi có thể nâng cao thu nhập lại bảo đảm vệ sinh môi trường là hết sức thiết thực. Một vài hộ chăn nuôi lớn của thôn cũng đã biết đến chế phẩm này và đang có nhu cầu được sử dụng”. Đối với hộ ông Phạm Văn Cử, môi trường chăn nuôi bảo đảm vệ sinh khi sử dụng chế phẩm.

Ông Hoàng Trọng Lưu - Trưởng thôn 8 xã Vân Hội nói “sẽ tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng chế phẩm EMINA trong chăn nuôi” vì thôn có gần chục hộ nuôi từ 40 - 50 con lợn trở lên.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dần - Phó chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã Vân Hội đã thốt lên: “Tuyệt vời, tuyệt vời!” khi nhắc đến chế phẩm EMINA. Phong trào phát triển chăn nuôi của xã giờ rất mạnh. Không có niềm vui nào hơn khi chế phẩm này đã giải được bài toán: vừa nâng cao thu nhập cho nông hộ chăn nuôi lại bảo đảm vệ sinh môi trường, tránh ô nhiễm. Yên tâm chăn nuôi mà không ảnh hưởng đến môi trường và những người xung quanh, anh Kiên đã chuẩn bị rào lưới, vật liệu để làm chuồng trại, nuôi thêm 20 con lợn.

Ông Cử vui vẻ nói về dự định mở rộng quy mô lên 200 con lợn vào cuối năm nay: “Không có chế phẩm EMINA, chắc tôi không dám phát triển thêm như thế”.

Dự án đang đến giai đoạn cuối, 20 hộ tham gia thực hiện đã có thêm niềm tin về một giải pháp hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường từ chính thực tế chăn nuôi của gia đình. Dù kết thúc Dự án là không còn được hỗ trợ chế phẩm nhưng các hộ đều sẽ tự mua để tiếp tục sử dụng theo nhu cầu thực tế. Vẫn còn những điều cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện song chắc chắn rằng, khả năng nhân rộng mô hình hoàn toàn có thể. Khi đó, không chỉ riêng mỗi hộ chăn nuôi được hưởng lợi mà là lợi ích chung cho cả cộng đồng.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục