Gia Hội chuyển mình

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/5/2016 | 10:37:32 AM

YBĐT - Từng bước khắc phục những khó khăn vốn có của một xã vùng thượng huyện Văn Chấn, từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực đã giúp Gia Hội có một số mô hình kinh tế trang trại trồng rừng kết hợp chăn nuôi, chè Shan được trồng mới, cải tạo có năng suất, chất lượng cao, những giống lúa mới đã được đưa vào gieo cấy.

Khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình chị Hoàng Thị Duyên ở thôn Bản Van đang được khẩn trương xây dựng bảo đảm cho nuôi nhốt 30 con gia súc.
Khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình chị Hoàng Thị Duyên ở thôn Bản Van đang được khẩn trương xây dựng bảo đảm cho nuôi nhốt 30 con gia súc.

Giữa cánh đồng Chiềng Pằn 1, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hội đồng chí Đinh Khánh Tùng hào hứng: “Nhà báo thấy đấy, lúa lên xanh tốt thế này thể hiện ý thức, trình độ thâm canh của nông dân Gia Hội đã được nâng lên. Tuy diện tích cấy lúa nước rất ít, chỉ khoảng 140 héc-ta nhưng năm 2 vụ với 60% diện tích là lúa lai, 40% diện tích bà con cấy lúa thuần nên xã cơ bản giải quyết được vấn đề lúa gạo.

Là xã thuộc vùng thượng huyện Văn Chấn còn nhiều khó khăn, những năm qua, nhờ phát huy hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tỉnh, trung ương, đẩy lùi tư tưởng trông chờ ỷ lại, xác định hướng đi cho mình nên đời sống kinh tế - xã hội của xã đã có bước chuyển rõ nét...”.

Một thời nghèo khó

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ điều kiện kinh tế - xã hội cách đây khoảng trên chục năm đầy khó khăn, vất vả của Gia Hội. Hệ thống kết cấu hạ tầng như đường giao thông, kênh mương, đường điện lưới rất thiếu, đặc biệt là trạm y tế và trường học chưa được khang trang, kiên cố như bây giờ. Trong ngôi nhà sàn khang trang với nhiều tiện nghi phục vụ sinh hoạt, bà Trương Thị Quyết ở thôn Đồng Bú nhớ lại: “Hồi đó, không chỉ gia đình tôi mà đa số người dân trong xã này khó khăn, vất vả lắm. Ruộng thì ít, chè thì mới trồng, rừng kinh tế hầu như không hộ nào có. Khi đó, phần lớn các hộ dân trong xã đều là hộ nghèo, cá biệt, những hộ đông con, thiếu tư liệu sản xuất còn bị đói...”.

Quả thực hồi đó Gia Hội khó khăn thật. Muốn vào thôn Chiềng Pằn 1 hay Chiềng Pằn 2 phải qua con đường đất lầy lội chẳng khác gì đi dưới ruộng, chưa kể tối đến, người dân chỉ làm bạn với chiếc đèn dầu vì nhiều thôn của xã không có điện lưới quốc gia.

Nghèo khó dẫn đến một vòng luẩn quẩn, thiếu thông tin phát triển kinh tế, thiếu tiền đầu tư phân bón phục vụ thâm canh lúa và các loại hoa màu. Vì vậy, người dân chỉ trông vào cây lúa, mà lúa cấy có năm được mùa, năm mất mùa do sâu, bệnh, thiên tai. Kinh tế Gia Hội cả một thời kỳ dài yếu như người ốm.

Cùng rong ruổi khắp các thôn Bản Văn, Đồng Bú, Minh Nội, Nà Kè... Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lò Văn Dương bộc bạch: “Trước đây, muốn suy tôn hộ nông dân sản xuất giỏi khó lắm. Bởi kinh tế hộ nào cũng bình bình như nhau. Nhà nào cũng có tý ruộng, tý rừng, nuôi mấy con gà, con lợn. Nhà khá hơn có thêm ít chè, nuôi 1 - 2 con trâu, bò. Cả xã chẳng hộ nào có mô hình phát triển kinh tế quy mô...”.

Có lẽ cũng như các xã vùng thượng huyện, trước đây, ngoài thời gian làm lúa, người dân Gia Hội chỉ lên núi Khau Kiến chặt cây, khai thác lâm sản kiếm sống. Thậm chí, nhiều người còn sang tận Văn Yên, Trạm Tấu, Bắc Yên (Sơn La)... xẻ gỗ mà đời sống gia đình vẫn lam lũ, kinh tế cũng chẳng khá hơn. Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Lò Văn Dương cho biết thêm: “Đấy là hoàn cảnh chung của xã cách đây đã hơn chục năm rồi. Bây giờ thì Gia Hội khác rồi, bức tranh kinh tế - xã hội của xã đã xuất hiện những gam màu sáng”.

Những gam màu sáng

Mặc dù đời sống người dân đã có nhiều thay đổi so với trước nhưng hiện nay, Gia Hội vẫn là một trong xã nghèo của huyện Văn Chấn. Đây cũng là sự trăn trở của đội ngũ cán bộ địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Khánh Tùng bộc bạch: “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền xã tuy đã có nhiều đổi mới, cán bộ thường xuyên được kiện toàn, tăng cường, nâng cao trình độ, vị trí địa lý của xã tương đối thuận lợi, nằm dọc theo quốc lộ 32 nhưng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình ở Gia Hội vẫn chưa có bước phát triển mang tính đột phá”.

Tâm sự của Phó Chủ tịch UBND xã cũng chính là tâm sự chung của tập thể cán bộ, lãnh đạo Gia Hội. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng tình hình cơ sở, Gia Hội đã nêu được ra những khuyết điểm, yếu kém. Đó là, thời gian qua, Đảng bộ xã vẫn chưa có nhiều nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo phát triển kinh tế; chưa phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm; hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả chưa cao; đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn gặp nhiều khó khăn... với nguyên nhân chính: chưa nêu cao vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chưa được phát huy đầy đủ; một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nguồn lực trong dân chưa được khai thác hiệu quả...

Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã khẳng định ý chí, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân Gia Hội trong quyết tâm đẩy lùi nghèo khó. Với nhiều mục tiêu và giải pháp cụ thể trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, ngay sau Đại hội, đại đa số cán bộ, đảng viên trong xã đã đi đầu trong đổi mới tư duy làm ăn, tập trung thâm canh lúa, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Bên cạnh được đầu tư sửa chữa, nâng cấp thủy lợi Gốc Gạo, Bản Đồn, sửa chữa 10,8 km đường ra khu sản xuất, bê tông hoá 7,2 km đường liên thôn... trên địa bàn Gia Hội đã có nhiều thôn thực hiện mô hình thí nghiệm giống lúa, ngô chất lượng cao như tại thôn Nam Vai, Nà Kè, Hải Chấn... Đặc biệt, với điều kiện của mình, xã đã tập trung vào đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc và thâm canh chè. Đến nay, toàn xã đã có gần 250 ha chè Shan được cải tạo và trồng mới, tăng trên 100 ha so với năm 2010.

Trong đó, gần 180 ha chè kinh doanh cho năng suất 75 tạ/ha, đạt sản lượng trên 1.300 tấn. Thực hiện chủ trương phát triển chăn nuôi trâu, bò, cán bộ xã đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền, triển khai chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của địa phương.

Cán bộ khuyến nông xã Gia Hội hướng dẫn người dân kiến thức chăn nuôi gia súc.

Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Lò Văn Dương nói: “Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của huyện được thực hiện tới hộ gia đình, nhóm hộ tham gia chăn nuôi đáp ứng yêu cầu của chính sách. Hộ chăn nuôi được hỗ trợ chi phí thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò, được hỗ trợ một lần căn cứ theo quy mô. Nếu có từ 10 con trâu, bò trở lên thì mức hỗ trợ 15 triệu đồng, quy mô từ 30 con trở lên được hỗ trợ 30 triệu đồng...”.

Theo chỉ dẫn của bà Trương Thị Quyết, chúng tôi đến khu vực chăn nuôi của bố con ông Hoàng Hải Ướng. Đã nhiều năm phát triển chăn nuôi trâu, bò, gia đình ông bà Ướng - Quyết rất vui khi huyện, xã có chính sách hỗ trợ các hộ phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Thấy có khách, bố con ông Ướng dừng tay giới thiệu: “Khu chuồng này đủ điều kiện để chúng tôi chăn nuôi từ 30 con trâu, bò trở lên. Với quy mô thế này, gia đình sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng. Sự hỗ trợ của huyện là đòn bẩy, là nguồn lực rất cần thiết để người dân chúng tôi giải quyết việc làm, phát huy được lợi thế địa phương trong phát triển kinh tế hộ, nhất là phát triển chăn nuôi đại gia súc”.

Sau một vòng đi xem khu chuồng trại của bố con ông Ướng, Phó chủ tịch UBND xã Đinh Khánh Tùng cho biết thêm: “Triển khai chủ trương phát triển chăn nuôi trâu, bò, xã Gia Hội đã phân công nhiệm vụ cho từng ban, ngành, đoàn thể với chức năng, nhiệm vụ của mình làm công tác tuyên truyền, giúp đỡ về kiến thức cho các hộ. Cùng với sự phối hợp tốt của cán bộ huyện, bước đầu chủ trương này đã được bà con tích cực đón nhận”.

Hiện ở Gia Hội đã có 11 hộ đăng ký thực hiện đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đây là điều kiện để người dân Gia Hội chuyển đổi tập quán chăn nuôi gia súc từ thả rông sang nuôi nhốt theo phương thức bán công nghiệp.

Lời kết

Từng bước khắc phục những khó khăn vốn có của một xã vùng thượng huyện Văn Chấn, từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực đã giúp Gia Hội có một số mô hình kinh tế trang trại trồng rừng kết hợp chăn nuôi, chè Shan được trồng mới, cải tạo có năng suất, chất lượng cao, những giống lúa mới đã được đưa vào gieo cấy. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, phát huy nội lực trong dân nên kết cấu hạ tầng như đường giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi, trường học... được xây dựng phát huy hiệu quả, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

 Thành Trung

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục