Đổi thay quê núi

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/11/2016 | 7:49:56 AM

YBĐT - Chuyển biến từ những việc cụ thể như: trong các đám cưới đã không mở loa đài qua 22 giờ đêm và trước 5 giờ sáng; hầu hết các đám cưới đều tổ chức trong 1 ngày; tiệc mặn chỉ tổ chức gọn nhẹ trong anh em, họ hàng và bạn bè thân thiết…

Ném còn trong ngày hội xuân ở Suối Giàng.
Ném còn trong ngày hội xuân ở Suối Giàng.

Đổi thay theo hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, thông tin của Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Chấn Trịnh Khắc Nghĩa như lời mời để chúng tôi đến với vùng quê trù phú với những nét văn hóa đặc sắc hiếm nơi nào có được: huyện Văn Chấn.

Bên những nếp nhà sàn và bản làng truyền thống của bà con người Thái, người Mông, người Tày… hôm nay là những ngôi nhà xây hiện đại. Điện, đường, trường, trạm… được xây dựng đã khiến bộ mặt nông thôn miền núi từ vùng thấp đến vùng cao của Văn Chấn mang một sức sống mới. Điều này trái ngược với những năm trước đây khi cuộc sống của bà con còn chìm trong đói nghèo và những hủ tục, tập tục lạc hậu.

Nước nóng, trà thơm, chuyện về sự thay đổi của đất và người Văn Chấn giữa chúng tôi với Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Chấn diễn ra rôm rả. Anh Nghĩa tâm sự, Văn Chấn cũng mang đặc thù của nhiều địa phương miền núi khác, đa dân tộc, nhiều bản sắc, những năm trước đây vì nhiều nguyên nhân mà trong đời sống bà con còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán cũ, lạc hậu. Đây chính là rào cản trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cũng như phần nào ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Mọi sự chỉ thật sự đổi thay khi Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được huyện đẩy mạnh.

Đã từng nhiều lần đi thâm nhập thực tế ở Văn Chấn những năm trước đây, tôi hiểu, đến với đồng bào Mông, Tày, Thái, Khơ Mú… ở Suối Giàng, Nậm Mười, Suối Quyền, Thanh Lương, Thạch Lương hay Tú Lệ… bên cạnh nét văn hóa đặc sắc, trong đời sống của bà con còn nhiều những hủ tục lạc hậu. Nào là chuyện thách cưới cao, làm đám cưới linh đình, đến chuyện để người chết lâu ngày trong nhà. Nhà có công việc lớn, tiệc tùng đình đám rượu chảy như suối, lợn gà, thậm chí trâu bò chết hàng loạt… điều này dẫn đến nhiều gia đình cũng vì lo việc lớn mà “khuynh gia, bại sản”.

Đó là chưa kể đến chuyện trai, gái chưa đến tuổi đã kết hôn sớm, sinh đẻ không kế hoạch; các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút thuốc phiện đầu độc giới trẻ khiến nhiều miền quê thanh bình trở thành điểm “nóng”. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp khiến đồng bào cứ quẩn quanh với đói nghèo, lạc hậu. Nhưng từ khi xây dựng đời sống mới, mọi chuyện đã có sự chuyển biến rõ nét, nhất là trong việc cưới, việc tang.

Như Trưởng phòng Trịnh Khắc Nghĩa thông tin, với trên 13.500 đám cưới diễn ra trên địa bàn trong khoảng 10 năm gần đây thì hầu hết đã thực hiện theo nếp sống mới, đúng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Chuyển biến từ những việc cụ thể như: trong các đám cưới đã không mở loa đài qua 22 giờ đêm và trước 5 giờ sáng; hầu hết các đám cưới đều tổ chức trong 1 ngày; tiệc mặn chỉ tổ chức gọn nhẹ trong anh em, họ hàng và bạn bè thân thiết… Còn đối với việc tang, mỗi làng, bản, tổ dân phố nơi đây đã có ban tang lễ và có quỹ thăm hỏi, phúng viếng. Khi gia đình có người chết, đã kịp thời báo cáo chính quyền làm thủ tục khai tử, thành lập ban tang lễ do chính quyền địa phương cùng với đoàn thể đứng ra tổ chức…

Để “mục sở thị” việc phá bỏ tập tục cũ, chúng tôi được giới thiệu đến xã Suối Giàng, một xã có trên 90% đồng bào Mông sinh sống. Về những hủ tục trước kia, nhất là trong việc tang, ông Sùng A Thào - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã cho biết: “Trước đây khi có người mất, gia đình người Mông sẽ treo xác trong nhà, bón cơm cho người chết vào bữa ăn. Trước khi đưa người chết đi chôn bà con phải làm thủ tục phơi xác. Không chỉ để lâu ngày, bà con còn mổ nhiều trâu, bò để làm đám. Vì yêu quý, thương tiếc người thân đã mất, cộng với tâm lý sùng bái tín ngưỡng, tôn trọng phong tục của tổ tiên để lại mà cuộc sống của đồng bào vốn khó khăn lại càng nghèo khó hơn!”.

Phong tục cũ là vậy, nhưng từ khi thực hiện Đề án “Vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang” của huyện, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đến nay tất cả các đám ma, đám cưới của người Mông trong xã Suối Giàng cũng như các xã khác trên địa bàn huyện có đồng bào Mông sinh sống đã được tổ chức theo nếp sống mới, giảm phiền hà, tốn kém và mất vệ sinh. Đây là điều kiện để bà con vùng cao vươn lên xóa đói nghèo!

Xây dựng đời sống mới, phải được bắt đầu từ cái nhỏ nhất, đó là từ mỗi gia đình - tế bào của xã hội. Xác định được vấn đề đó, cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể của huyện Văn Chấn đã quan tâm chỉ đạo thực hiện Phong trào “Toàn dân xây dựng gia đình văn hóa”. Từ sự chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của nhân dân mà số lượng và chất lượng gia đình văn hóa của huyện năm sau cao hơn năm trước. Đánh giá hai năm gần đây, năm 2015, toàn huyện có 30.530/ 37.928 hộ đăng ký gia đình văn hóa, qua bình xét có 26.994 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 71% số hộ trên địa bàn.

Năm 2016 này, tuy số liệu chưa chính thức, nhưng số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” của huyện chắc chắn là trên 27.000 hộ, đạt khoảng 72%. Với tỷ lệ cao như vậy, đây là yếu tố quan trọng để Văn Chấn đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, góp phần để tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 15%/năm; giảm được bình quân mỗi năm 5% hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 24 triệu đồng/năm.

Không chỉ kinh tế phát triển, qua Phong trào, tình làng nghĩa xóm cũng được vun đắp, giảm các tệ nạn xã hội, ổn định tình hình trật tự an ninh nông thôn. Điều này được thể hiện, với 374 bản, làng khu dân cư, năm 2016 này huyện có 306 khu dân cư không phát sinh người nghiện ma túy; 298 khu dân cư không phát sinh tệ nạn; 278 khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường; 341 khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Trong xây dựng đời sống mới hôm nay, không chỉ tiếp thu giá trị văn hóa mới, việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống cũng luôn  được Văn Chấn quan tâm, duy trì. Đến hết năm 2016, toàn huyện có 197 thôn, làng, bản, tổ dân phố được công nhận và giữ vững chuẩn văn hóa, đạt 53%; có 220 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa, đạt trên 58%. Tại các cơ quan, đơn vị, các tiêu chí cụ thể được cụ thể hóa bằng nghị quyết của chi bộ, bằng tiêu chuẩn của mỗi cán bộ, công chức qua việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hành tiết kiệm, từ thiện nhân đạo… Qua bình xét hàng năm, có trên 70% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đạt chuẩn “Đơn vị văn hóa”.

Lãnh đạo Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Văn Chấn kiểm tra việc triển khai Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" tại cơ sở.

Là mảnh đất quần tụ 18 dân tộc anh em, sinh sống tại 31 xã, thị trấn, mảnh đất Văn Chấn là vùng đất giàu văn hóa, do đó, xây dựng đời sống mới là yếu tố tác động trực tiếp tới sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc, trong đó có lễ hội. Với 3 lễ hội chính là Lồng tồng (xã Tú Lệ), Sên đông (xã Hạnh Sơn), Cầu đình (xã An Lương), tuy không lớn nhưng các lễ hội đều thành lập ban tổ chức, được tổ chức đúng nghi lễ, thiết thực, phù hợp với phong tục tập quán mỗi dân tộc; không để xảy ra tình trạng lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan.

Ngoài bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, đã quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người, quê hương Văn Chấn đến bạn bè trong và ngoài huyện. Đời sống văn hóa tinh thần được nâng lên, Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được các cấp, các ngành của huyện chỉ đạo, phát động sâu rộng trong cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân. Ngoài sự đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ của mọi đối tượng thì càng vui hơn khi với phương châm xã hội hóa, đưa thể dục thể thao về cơ sở, Phong trào này đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đến nay, số người rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên của huyện đạt trên 31.400 người; toàn huyện có 2.000 gia đình thể thao, 34 CLB thể thao, 185 đội thể dục thể thao; 268 đội văn nghệ quần chúng…

Những kết quả đó là yếu tố quan trọng để bộ mặt nông thôn, miền núi của Văn Chấn từ vùng thấp đến vùng cao có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, bên cạnh những kết quả đạt được không phải không còn những tồn tại, hạn chế. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác này; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, thường xuyên; chưa tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhân dân… Điều này đã dẫn đến trong cuộc sống người dân đâu đó vẫn còn tồn tại những phong tục, tập quán cũ, hay nảy sinh những tiêu cực tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường. Đây là rào cản công cuộc phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Vượt lên tất cả, với truyền thống văn hóa tốt đẹp, mỗi người dân miền quê này đang đồng sức, đồng lòng xây dựng đời sống mới. Trong tôi tràn ngập niềm tin tưởng, bởi giờ đây với việc đẩy mạnh các giải pháp thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với việc đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chắc rằng cuộc sống của bà con nơi đây sẽ tiếp tục đổi thay. Văn Chấn sẽ ngày thêm giàu đẹp.

Đình Tứ

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục