Trạm Tấu: Xóa hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/1/2017 | 8:24:41 AM

YBĐT - Là một trong số 62 huyện nghèo của cả nước, Trạm Tấu có trên 31.000 người, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm đa số, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm trên 75%.

Các già làng, trưởng bản ở Trạm Tấu tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các già làng, trưởng bản ở Trạm Tấu tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Những năm trước đây, một số tập tục không còn phù hợp vẫn tồn tại, ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào như: vẫn còn tình trạng để người chết trong nhà nhiều ngày; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh nhiều con còn khá phổ biến đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chính vì vậy, kiên quyết xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống mới, nâng cao dân trí là mục tiêu mà Trạm Tấu đang quyết tâm thực hiện.

Phát huy vai trò già làng trưởng bản, người có uy tín

Theo lời giới thiệu, chúng tôi men theo con đường mòn bên sườn núi đến thăm gia đình anh Hờ A Chua ở thôn Tà Chử, xã Bản Công. Mới tách hộ chưa lâu, cuộc sống của gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đổi lại vợ chồng anh Chua sinh được hai con, 1 trai, 1 gái đẹp như tranh.

Do nhận thức hạn chế, cùng với tư tưởng “trời sinh voi sinh cỏ, đông con hơn nhiều của”, vợ chồng anh Chua cũng như nhiều hộ gia đình khác trong thôn dự tính đẻ thêm con để về già có chỗ nương nhờ.

Tuy nhiên, thông qua công tác tuyên truyền của cấp ủy chính quyền địa phương, nhất là các già làng, trưởng bản, người có uy tín về chính sách dân số của Nhà nước cũng như việc chấp hành nội dung quy ước, hương ước của thôn, vợ chồng anh Chua đã thay đổi quyết định dừng lại 2 con để có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con tốt.

Chia sẻ về tư tưởng tiến bộ ấy, anh bảo: “Nhờ có cán bộ, già làng đến tuyên truyền về những hệ luỵ của việc sinh nhiều con, bản thân mình đã nhận ra đẻ nhiều con rất vất vả. Giờ vợ chồng mình có 2 con chăm sóc cũng đã thấy khó khăn rồi, đẻ thêm nữa thì sẽ khổ đấy nên không đẻ thêm nữa đâu. Chỉ cố gắng làm ăn nuôi dạy con khỏe mạnh, cho con học cái chữ đến nơi đến chốn là được rồi”.

Thôn Tà Chử, xã Bản Công có 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, do nhận thức của người dân chưa đồng đều, nên những năm 2012 trở về trước, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sinh con thứ 3 trở lên vẫn thường xuyên xảy ra.

Nhưng mấy năm trở lại đây, nhờ phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, đặc biệt là vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của nhân dân đối với những hệ lụy từ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sinh con thứ 3 trở lên, nên hai năm trở lại đây ở thôn Tà Chử nói riêng và xã Bản Công nói chung không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống, các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên và tảo hôn đã giảm rõ rệt.

Ông Giàng A Xeng - người uy tín ở thôn Tà Chử, xã bản Công cho biết: “Do nhận thức của người dân chưa hiểu hết về những chủ trương của Đảng, Nhà nước nên những năm trước đây tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sinh con thứ 3 trở lên trong thôn vẫn còn.

Để tuyên truyền cho người dân hiểu, trước hết gia đình mình phải gương mẫu làm trước thì nói người dân mới nghe. Hộ nào đến ban ngày không gặp thì mình đến nhà buổi tối, nói một lần không được thì nói hai, ba lần, nói cho đồng bào hiểu và làm theo mới thôi”.

Huyện Trạm Tấu hiện có trên 100 già làng, trưởng bản, người có uy tín. Qua tìm hiểu, chúng tôi mới thấy được vai trò quan trọng của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc vùng cao.

Theo ông Bùi Huy Bắc - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trạm Tấu: “Các già làng chính là những “kho bảo tàng” sống không những lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và lưu truyền các giá trị văn hóa đó cho các thế hệ sau mà còn có vai trò động viên con cháu và nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, coi trọng truyền thống dựng làng giữ nước; vận động con cháu trong độ tuổi đến trường học chữ, rèn luyện sức khỏe và trí tuệ chung tay xây dựng bản làng; dạy bảo con cháu và tuyên truyền cho nhân dân thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, không hút và không trồng cây thuốc phiện; vận động nhân dân trong bản thực hiện hương ước, quy ước về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Phụ nữ huyện Trạm Tấu trao đổi về kỹ thật trồng ngô trên đất dốc.

Các giải pháp đồng bộ

Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con thứ 3 trở lên đã kéo theo những hệ lụy như đẻ dày, đẻ nhiều, những đứa trẻ sinh ra do hôn nhân cận huyết thống thường mắc bệnh di truyền, dị tật ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giống nòi, nguồn lực, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội và cản trở công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Nhận thấy những tập tục lạc hậu không còn phù hợp với nếp sống mới, trong thời gian qua, huyện Trạm Tấu đã đề ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược và dài hơi nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số khắc phục tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con thứ 3 trở lên.

Về mặt lý thuyết thì dễ nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại gặp muôn vàn khó khăn, bởi đối với một huyện vùng cao, có trên 77% là đồng bào Mông, những tập tục, thói quen sinh hoạt lạc hậu đã tồn tại, ăn sâu vào nhận thức của đồng bào. Vì vậy, để vận động nhân dân xóa bỏ được những hủ tục trên không phải ngày một ngày hai mà phải là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ.

Ông Bùi Huy Bắc - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trạm Tấu cho biết thêm: “Khi đề ra các giải pháp để xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, lúc đầu người dân không đồng tình ủng hộ, nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu” kết hợp với tuyên truyền, vận động, thuyết phục; tổ chức họp dân, đến từng hộ gia đình nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng và đời sống của đồng bào gắn với thực hiện hương ước, quy ước thôn, bản nên các hủ tục không phù hợp với nếp sống mới dần dần được đồng bào nhận ra và thay đổi”.

Cùng với đó, huyện Trạm Tấu đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu với phương châm “thiết thực, sinh động, dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu”.

Đồng thời huyện cũng lồng nghép việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó lấy tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng và vệ sinh môi trường nông thôn gắn với việc đánh giá, công nhận các gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, tảo hôn.

Qua đó, từ năm 2014 đến nay huyện đã tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt cho các nhóm đối tượng (cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên, nhóm đối tượng có nguy cơ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết) được 180 lần với trên 1.580 người tham gia; duy trì hoạt động của tổ nhân viên thường trực, tư vấn tuyên truyền tại các điểm truyền thông, tư vấn đăng ký kết hôn và khai sinh 347 lượt người.

Với cách làm hay, sáng tạo, cùng sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong việc tập trung tuyên truyên xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã được người dân Trạm Tấu hưởng ứng tích cực.

Đến nay, 100% thôn, bản đã xây dựng được quy ước, hương ước phù hợp với phong tục tập quán của địa phương. Nhân dân dần thay đổi và nhận thức được về những hệ lụy của việc hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, thách cưới. Hai năm trở lại đây không còn tình trạng cướp vợ, hôn nhân cận huyết thống; tình trạng tảo hôn giảm hẳn.

Đó là những dấu ấn, tiền đề quan trọng trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm xóa bỏ những hủ tục lạc hậu để xây dựng nếp sống mới, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.

Văn Tuấn

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục