Nơi nào khó có anh!

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/8/2017 | 7:10:22 AM

YBĐT - Nhiều lần theo chân anh về cơ sở, mỗi lần như vậy tôi thường nhớ tới một câu hát trong ca khúc "Trai rừng" của nhạc sĩ Vũ Duy Cương: "Trai rừng làm cán bộ vẫn là dân, đôi chân trần vượt đường xa bảo nhau xây tổ ấm..". Ở anh, bên cạnh vẻ chắc chắn, nghiêm túc của người cán bộ đứng đầu đảng bộ huyện là thái độ chân tình, cởi mở với cấp dưới, thân thiện với đồng bào. 

Đồng chí Giàng A Thào - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trạm Tấu trao đổi với cán bộ huyện về công tác xây dựng Đảng.
Đồng chí Giàng A Thào - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trạm Tấu trao đổi với cán bộ huyện về công tác xây dựng Đảng.

Đặc biệt, con người anh không ngại khó, ngại khổ xông pha trên mọi mặt trận để người dân có cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc. Anh là Giàng A Thào - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trạm Tấu.

Sinh năm 1964, có 20 năm công tác ở Đảng ủy xã Pá Lau, đến ngày 1/1/2004, anh được điều chuyển công tác về Ban Dân vận Huyện ủy. Lần lượt trải qua các cương vị công tác khác nhau như: cán bộ, Phó trưởng ban, Trưởng ban Dân vận, Phó Chủ tịch HĐND huyện, Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện, năm 2015 anh được bầu giữ cương vị Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Kinh qua nhiều cấp bậc, cương vị công tác khác nhau nhưng anh luôn giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, một lòng tin Đảng, làm theo Bác Hồ, không ngại khó, ngại khổ hoàn thành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Tình cờ gặp anh khi đang chỉ huy công tác phòng chống, khắc phục hoàn lưu của cơn bão số 2 trong tháng Bảy vừa qua tại xã Làng Nhì, tôi càng khâm phục tinh thần "bốn tại chỗ” của người giữ cương vị cao nhất ở huyện vùng cao này.

- Sao anh không chỉ đạo, phân công cán bộ khác mà đích thân  phải trèo đèo lội suối vào đây vậy? Tôi hỏi.
- Ở nhà không yên tâm chú ạ! Mình phải đến tận nơi cùng với đồng bào tìm cách khắc phục hậu quả bão lũ, giải quyết khó khăn cho dân.

Miệng nói tay làm, anh chỉ đạo cán bộ xã Làng Nhì huy động lực lượng dân quân, các phương tiện máy móc nhanh chóng múc đất đá sạt lở để thông đường cho bà con đi lại.
 
Đồng chí Trang A Say - Phó Chủ tịch UBND xã Làng Nhì cho biết: "Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trên địa bàn xã có nhiều điểm sạt lở. Khi nhận được tin báo, đồng chí Bí thư Huyện ủy và các phòng ban đã kịp thời có mặt tại hiện trường để chỉ đạo khắc phục. Dù trời mưa to, đường lên xã có nhiều điểm sạt ta luy nhưng đồng chí Bí thư vẫn quyết tâm lên Làng Nhì để nắm bắt tình hình và có phương án chỉ đạo kịp thời. Bà con xúc động và nể phục lắm!”.
 
Dù không trực tiếp phụ trách xã nào nhưng với cương vị là Bí thư Huyện ủy, thôn bản, xã nào khó khăn nhất, địa phương nào thường phát vấn phức tạp đều có bàn chân của anh. Anh cho biết: "Làm lãnh đạo ở vùng cao không như miền xuôi, nhất là ở huyện vùng cao Trạm Tấu địa hình phức tạp, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên công tác lãnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, ở những thôn bản thường xảy ra những vụ việc phức tạp thì mình phải có mặt để kịp thời để giải quyết”.
 
Anh nhớ lại: "Hồi mình đang làm Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, ở thôn Giàng La Pán, xã Bản Mù có trên 90 hộ gia đình có ý định di cư tự do vào các tỉnh phía Nam sinh sống. Ban Thường vụ Huyện ủy cử nhiều đoàn công tác xuống tuyên truyền, vận động đồng bào ở lại nhưng bất thành. Đến lúc Thường trực Huyện ủy cử mình làm Trưởng đoàn đến thôn nắm bắt tình hình thì mọi việc yên ổn”.

- Giàng La Pán là thôn mà 100% dân số là giáo dân dân tộc Mông, anh đã nói thế nào để vận động họ ở lại? Tôi hỏi. Anh Thào cười hiền khô:

- Trước hết mình gặp Ban hành giáo để đặt vấn đề, khi được đồng thuận từ Ban Hành giáo mình đến từng hộ dân giải thích về cuộc sống ở miền đất hứa là không có thật.

-Anh nói vậy đồng bào tin luôn sao?

Để đồng bào tin và làm theo đâu có dễ! Mình đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động và phân tích những âm mưu, thủ đoạn mà kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo đồng bào, chứ cuộc sống ở vùng sâu, vùng xa của các tỉnh phía Nam gặp nhiều khó khăn hơn chúng ta. Đồng bào ở lại sẽ được Nhà nước cấp đất sản xuất, làm kênh mương nội đồng, mở đường cho xe máy về bản… Thế là 100% hộ dân trong thôn lần lượt ký cam kết hứa không di cư tự do nữa.

Ông Tráng A Vảng - Trưởng thôn Giàng La Pán chia sẻ: "Những năm đó, tình hình ở thôn bất ổn vì có kẻ xấu xúi giục nhưng nhờ Bí thư Thào xuống "soi đường chỉ lối” nên thôn Giàng La Pán mới ổn định và phát triển như hôm nay”.

Cũng với cách làm trên, mới đây Bí thư Thào đã khéo léo xử lý nhanh vụ phá rừng làm nương rẫy của 82 hộ ở thôn Pá Khoan và Háng Tàu, xã Túc Đán.

- "Đồng bào mình cả tin quá chú ạ! Thường nghe theo kẻ xúi giục, phá rừng làm nương rẫy. Khi nhận được tin, mình đi xe máy xuống từng hộ dân làm công tác tư tưởng, tuyên truyền việc phá rừng là vi phạm pháp luật, không nên nghe lời kẻ xấu đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng bắt, truy tố những kẻ cầm đầu xúi giục đồng bào phá rừng để xử phạt theo pháp luật, lúc đó bà con mới trở về nhà, yên tâm lao động sản xuất”.

- Còn với những mâu thuẫn ở cơ sở thì giải quyết sao anh? Tôi tò mò. Anh Thào trầm tư chia sẻ: "Đã là cán bộ nhất là cán bộ vùng cao đòi hỏi phải hội tụ nhiều yếu tố. Với mình trước hết là phải lăn lội, ăn ở cùng với đồng bào, hiểu được phong tục, tập quán và tuyên truyền cho họ cái đẹp, cái hay, cái tốt, học theo gương Bác Hồ và tránh xa cái ác, thế là đồng bào tin và làm theo”.

Câu chuyện đến đây tôi lại nhớ cách đây hơn 6 năm khi Trạm Tấu thực hiện "Cuộc vận động nhân dân tổ chức việc tang theo nếp sống mới” đã gặp muôn vàn khó khăn bởi những quan niệm xa xưa ăn sâu vào tâm trí họ. Nhưng với cách làm hay, đi thẳng vào vấn đề của Ban Thường vụ Huyện ủy mà đứng đầu là Bí thư Thào nên cuộc vận động này đã thành công.

- Ngày trước anh vận động cách nào mà đồng bào bỏ tục để người chết nhiều ngày trong nhà và cũng không tổ chức ăn uống linh đinh khi có tang ma?

- À, thì mình đưa ra ví dụ ở tỉnh Thái Bình, nôm na là: người chết họ chỉ để trong nhà 1 ngày 1 đêm nên cuộc sống của họ có của ăn của để. Vậy vì sao đồng bào mình phải để người chết 5 - 7 ngày làm gì? Tổ chức ăn uống linh đình làm gì cho tốn kém, nghèo lại càng nghèo hơn. Hiểu được lẽ phải, cốt lõi của sự việc, đồng bào nghe và làm theo thôi.

Đến những thôn bản khó khăn, anh Thào thường tự mình lái chiếc xe Win - loại xe máy phù hợp nhất với địa hình vùng cao, quần sắn móng lợn, chân đi dép quai hậu, thân thiện với đồng bào, giải quyết công việc khó, phát sinh ở cơ sở rất "thấu tình đạt lý” nên được đồng bào tin tưởng, làm theo.
 
Còn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, anh luôn đặt yếu tố đoàn kết nội bộ lên hàng đầu, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu mà nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra.
 
 
Đồng chí Giàng A Thào - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trạm Tấu (đứng giữa) chỉ đạo khắc phục hậu quả do hoàn lưu cơn bão số 2 gây ra tại xã Làng Nhì.
 
 Là huyện vùng cao, đời sống của nhân dân gặp không ít khó khăn, là người đứng đầu cấp ủy Bí thư Thào luôn trăn trở làm gì để đồng bào thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Trong thời gian qua, cùng với Ban Thường vụ Huyện ủy, anh đã chỉ đạo nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, trọng tâm là chuyển đổi diện tích lúa nương, sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi; mở rộng diện tích gieo trồng lúa từ một vụ lên hai vụ; đưa các giống lúa, ngô có năng suất cao, chất lượng vào sản xuất, từng bước hình thành một số vùng sản xuất ngô hàng hóa ở các xã: Tà Xi Láng, Trạm Tấu, Xà Hồ, Pá Hu...
 
Nhờ chủ trương đúng, cách làm hay, nên sản xuất nông nghiệp của huyện tăng mạnh trên cả 3 tiêu chí: diện tích, năng suất và sản lượng. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt 6.664 ha, tổng sản lượng lương thực có hạt dự ước năm 2017 đạt 22.595 tấn, tăng 9.650 tấn so với năm 2010.

Đặc biệt, trong học tập và làm theo Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ Trạm Tấu đạt được nhiều kết quả tích cực, điển hình là Đảng bộ, chính quyền xã Trạm Tấu được Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng lên thăm và gửi thư khen ngợi. Nói về kết quả đạt được trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội cũng như công tác xây dựng Đảng, đồng chí Giàng A Thào khiêm tốn cho biết: "Đây là thành quả của tập thể Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ được giao, chứ không riêng gì cá nhân mình”.

Dù rất bận rộn, nhưng Bí thư Thào vẫn dành thời gian để nghiên cứu các sáng kiến như: "Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt của huyện phục vụ công tác nhân sự trước Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020"; "Các giải pháp khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác cán bộ của Đảng bộ huyện Trạm Tấu”.
 
Những sáng kiến này là tiền đề để huyện Trạm Tấu có các nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ, trọng tâm là công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Với những đóng góp không biết mệt mỏi, Bí thư Thào vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của tỉnh, của các bộ ngành Trung ương, đặc biệt năm 2016 anh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Đây là phần thưởng vô giá, là động lực, tiền đề quan trọng để anh tiếp tục cống hiến cho quê hương vùng cao Trạm Tấu.
 
Văn Tuấn

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục