Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Đảm bảo quy định quyền con người

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/3/2015 | 2:10:01 PM

Các đại biểu nhận định, Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã cụ thể hóa các quy định về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh...

Hội thảo góp ý Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Hội thảo góp ý Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Sáng nay (30/3), tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu luật học về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) nhằm đảm bảo các quy định liên quan đến quyền con người được hoàn thiện.

Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, Dự thảo Bộ luật dân sự đã cụ thể hóa các quy định về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự trong Hiến pháp 2013.

Dự thảo cũng đã cơ bản đảm bảo sự kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật dân sự còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống, bảo vệ các giá trị văn hóa, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của nước ta. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần chú trọng trong Dự thảo, đó là những chế định về quyền nhân thân, quyền sở hữu và các vật quyền khác dưới góc độ thực hiện chiến lược Cải cách tư pháp và phát triển nền kinh tế thị trường, xem xét mối tương quan với Luật Kinh doanh bảo hiểm và các luật khác về tín dụng – ngân hàng, luật thương mại và luật bảo vệ người tiêu dùng…

Bộ Luật Dân sự hiện hành quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác. Tuy nhiên, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chỉ quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân, đồng thời có một số quy định riêng về việc tham gia quan hệ pháp luật dân sự của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

Một số ý kiến không đồng tình với quy định về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự trong Dự thảo cho rằng, đây là cách làm mang tính nửa vời và không thống nhất trong nội dung vì gia đình và tổ hợp tác có nhiều sự khác biệt nên không thể quy định chung cả hai chủ thể đó trong cùng một điều luật như trong Dự thảo.

 Về vấn đề chủ thể, ông Bùi Đăng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo, Đại học Luật Hà Nội đề xuất hai phương án: “Thứ nhất là tạm thời đưa ra khỏi Bộ luật dân sự và để cho các Luật chuyên ngành điều chỉnh một cách cụ thể, chính xác hơn. Phương án hai là nâng cao, công nhận tư cách pháp nhân của gia đình và tổ hợp tác để buộc các chủ thể phải đăng ký như đăng ký pháp nhân, và coi đó là một loại pháp nhân thì lúc đó mới có cơ chế rõ ràng để quản lý như thế nào”.

Các ý kiến đóng góp đã giúp quy định trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) hoàn thiện hơn, sát với thực tiễn, thúc đẩy kinh tế phát triển trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay. Bộ Tư pháp sẽ xem xét, nghiên cứu tiếp thu những ý kiến phù hợp để trình lên Ban soạn thảo, sau đó hoàn thiện bản Dự thảo trình Quốc hội vào tháng 10 năm nay.

(Theo VOV)

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
TIN MEDIA