Góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/3/2015 | 3:06:24 PM

YBĐT - Bổ sung một số ý kiến về thỏa thuận phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại/ Bảo vệ người thứ ba phù hợp với nguyên tắc đăng ký bất động sản hiện nay/ Một số ý kiến về vấn đề thừa kế là những thông tin được phóng viên YBĐT lấy ý kiến tham gia vào Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) kỳ này.

Luật gia Chu Thị Minh Châu - Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh: Bổ sung một số ý kiến về thỏa thuận phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại

Tại Khoản 3 Điều 441 Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) (sửa đổi) quy định: "Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm". Với đặc trưng của quan hệ pháp luật dân sự, bên gây thiệt hại cho bên kia phải bồi thường, bất kể các bên có thỏa thuận hay không và phải coi bồi thường thiệt hại là nghĩa vụ đương nhiên, trừ trường hợp các bên tự thỏa thuận loại trừ trách nhiệm này hoặc trường hợp pháp luật quy định không phải bồi thường (bất khả kháng). Vì vậy, tôi đề nghị sửa đổi Khoản 3 như sau: "Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm vẫn phải bồi thường thiệt hại".

Tại Khoản 2 Điều 442 Dự thảo quy định: "Theo yêu cầu của người có quyền, tòa án hoặc trọng tài có thể buộc bên có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho bên có quyền. Mức bồi thường do toà án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc". Tôi đề nghị bổ sung như sau: "Theo yêu cầu của người có quyền, tòa án hoặc trọng tài có thể buộc bên có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho bên có quyền. Mức bồi thường do tòa án hoặc trọng tài quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc và quy định của pháp luật".

Luật gia Đỗ Trung Kiên - Chủ tịch Hội Luật gia huyện Lục Yên: Bảo vệ người thứ ba phù hợp với nguyên tắc đăng ký bất động sản hiện nay

Điều 148 Dự thảo BLDS (sửa đổi) đề xuất: "Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sau đó, được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ 3 và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết tài sản là đối tượng tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu…". Tại Khoản 3 Điều 182 Dự thảo quy định: "Trường hợp luật quy định việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực từ thời điểm đăng ký".

Tôi nhất trí với quy định của Dự thảo vì đã kế thừa quy định của BLDS hiện hành và phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013. Do đó, việc quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là phù hợp với nguyên tắc đăng ký bất động sản hiện nay, bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự. Quy định như Dự thảo sẽ góp phần thay đổi nhận thức của người dân đối với công tác đăng ký tài sản, bảo đảm công bằng, hợp lý quyền, lợi ích hợp pháp của người thiện chí, ngay tình trong giao lưu dân sự. Theo đó, người thứ ba ngay tình căn cứ vào việc tài sản đã được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà xác lập giao dịch thì người thứ ba ngay tình được bảo vệ.

Luật gia Mã Tiến Học - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Yên Bình: Một số ý kiến về vấn đề thừa kế

Điều 652 Dự thảo BLDS quy định:
1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

2. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.

Tôi đề nghị thay cụm từ "di chúc miệng" thành "di chúc bằng lời nói" cho hợp lý.

Điều 665 Dự thảo quy định: "Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Nếu người kia không đồng ý thì mỗi người có quyền lập di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. Nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình".

Tài sản chung của vợ chồng là hợp nhất nên không thể xác định phần tài sản của mỗi người (vợ/chồng) cụ thể là tài sản nào. Do đó, nếu người còn sống được quyền thay đổi di chúc đối với phần tài sản của mình thì nội dung di chúc sẽ không còn đúng với ý chí, nguyện vọng, định đoạt của người đã chết. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung như sau: "Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Nếu người kia không đồng ý thì mỗi người có quyền lập di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. Nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình (trừ trường hợp trong di chúc quy định rõ người còn lại không được sửa đổi, bổ sung di chúc khi một trong hai người chết)". 

Quỳnh Nga (Thực hiện)

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
TIN MEDIA