Từ chính sách đến hành động

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/4/2016 | 10:07:41 AM

YBĐT - Cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)... là những giải pháp cụ thể mà tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai để tập trung thu hút đầu tư. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh.

Nhà máy Xi măng Yên Bình do Tổng công ty Vinaconex đầu tư tại huyện Yên Bình đang phát huy hiệu quả.
Nhà máy Xi măng Yên Bình do Tổng công ty Vinaconex đầu tư tại huyện Yên Bình đang phát huy hiệu quả.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Yên Bái đang chú trọng thu hút đầu tư tập trung vào các lĩnh vực: sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại trong nông nghiệp, nhất là trong nuôi trồng, chế biến nông - lâm - thủy sản; phát triển ngành nghề công nghiệp phụ trợ như linh kiện điện tử, sản xuất phụ tùng cho ngành công nghiệp chế tạo; sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới; đầu tư vào lĩnh vực du lịch...

Trên cơ sở đó, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng và thực hiện chính sách ưu đãi về thuê đất, thuê mặt nước áp dụng đơn giá thấp nhất cho nhà đầu tư. Tỉnh hỗ trợ về san tạo, giải phóng mặt bằng, trong khu công nghiệp hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường và 50% kinh phí san tạo mặt bằng.

Đối với dự án nằm ngoài khu công nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông - lâm sản có vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng, được hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, mức hỗ trợ tối đa 3 tỷ đồng/dự án. Cũng như vậy, tỉnh sẽ áp dụng cho các dự án đầu tư vào du lịch, khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên hay như một loạt cơ chế, chính sách cụ thể trong đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ cho nhà đầu tư thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại...

Để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trên, tỉnh cũng tập trung cải thiện môi trường đầu tư bằng những hành động cụ thể như: kêu gọi, huy động nguồn lực đầu tư; cơ cấu lại đầu tư công, điều chỉnh các dự án để tập trung nguồn lực đầu tư vào các công trình, dự án quan trọng và bảo đảm an sinh xã hội với tổng vốn đầu tư cho 12 dự án là 4.665 tỷ đồng; huy động 41.433 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển. Toàn tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng 2.219 công trình, dự án…

Theo ông Đoàn Hữu Phung - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngày 10/8/2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1443/QĐ-UBND về ban hành Chương trình hành động “Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015 - 2020”.

Theo đó, các ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở về chỉ số PCI, đồng thời tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo hướng vừa khuyến khích thu hút đầu tư vừa khuyến khích doanh nghiệp mở rộng qui mô, nâng cao năng lực quản trị, tăng chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường; triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện và nguồn lực của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến với tỉnh; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông và giao thương hàng hóa…

Ngoài ra, để nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian qua, UBND tỉnh giao cho Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn và Xúc tiến đầu tư, trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các vấn đề của doanh nghiệp, nhà đầu tư từ lúc khởi sự doanh nghiệp và trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện vai trò kết nối, lắng nghe, đưa ra biện pháp hoặc báo cáo cấp trên chỉ đạo giải quyết tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Chế biến măng khô xuất khẩu tại Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình.

Các đơn vị chuyên ngành triển khai đề án và đào tạo nhân lực chất lượng cao, không để doanh nghiệp đến đầu tư thiếu lao động. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng của Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các website tại các sở, ban, ngành, nhất là đối với các nội dung thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chính sách, quy định của Nhà nước và của tỉnh...

Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính được tỉnh xác định là một nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Chính vì thế, tỉnh đã giao cho các sở, ngành xây dựng kế hoạch cụ thể để tập trung cao nhất cho công tác cải cách hành chính tại mỗi đơn vị.

Giải pháp đưa ra là giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” thuộc các cấp ít nhất là 20% so với thời gian quy định đã được công bố. Cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính phải có thái độ văn minh, lịch sự, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, tận tình, thực hiện tốt quy tắc ứng xử khi tiếp xúc với doanh nghiệp, công dân đến giải quyết công việc.

Áp dụng khoa học, công nghệ thông tin vào công việc, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa là 6 ngày... Đơn vị nào, địa phương nào để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, hách dịch, quan liêu... đối với người dân, doanh nghiệp thì người đứng đầu địa phương, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước tỉnh; đồng thời, cũng giảm 20% thời gian so với quy định trong giải quyết các thủ tục liên quan đến giao đất, cho thuê đất, thực hiện nghĩa vụ về đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Đoàn Hữu Phung cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 21 dự án FDI tập trung ở 7 quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Ấn Độ, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản… với tổng vốn đăng ký trên 204,874 triệu USD. Năm 2015, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn giải quyết việc làm cho 1.484 lao động, đóng góp cho ngân sách Nhà nước 124,4 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 30,96 triệu USD, tăng 10,6% so với kế hoạch”. 

Thời gian tới, tỉnh sẽ có những chiến lược cụ thể nhằm cải thiện những khó khăn về cơ sở hạ tầng, về môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư cũng như tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của tỉnh đến với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hùng Cường

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục