Tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư vào Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/4/2016 | 10:14:28 AM

YBĐT - Không chỉ giàu các sản phẩm nông nghiệp, Yên Bái còn giàu tài nguyên với rất nhiều điểm mỏ và khoáng sản phong phú với trữ lượng, chất lượng tốt. >> Yên Bái - điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Khai thác đá hoa trắng ở Lục Yên.
Khai thác đá hoa trắng ở Lục Yên.

Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc Việt Nam và giữ vị trí trung tâm kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, Yên Bái có tài nguyên khoáng sản dồi dào, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa giàu bản sắc... cùng những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, nhiều dự án, công trình đã và đang biến tiềm năng thành cơ hội đầu tư cùng phát triển.

Tiềm năng phát triển 

Trong rất nhiều tiềm năng của Yên Bái thì tiềm năng đất đai phát triển kinh tế nông nghiệp với những đặc sản nổi tiếng mà không địa phương miền núi nào có được, đó là sự nổi bật hơn cả.

Với diện tích trên 6.882 km2, trong đó có 5.850,9 ha đất nông lâm nghiệp, Yên Bái có diện tích chè lớn nhất vùng Tây Bắc (khoảng 13.000 ha), sản lượng chè búp tươi đạt trên 90.000 tấn/năm; quế trên 30.000 ha, sản lượng quế vỏ 4.000 tấn/năm; cây ăn quả 8.500 ha; rừng tự nhiên 231.563,7 ha, rừng trồng 200.000 ha, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng gần 400.000 tấn/năm…

Tỉnh Yên Bái có những sản vật nổi tiếng thế giới như vùng chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng nằm trên độ cao 1.400 mét so với mực nước biển, diện tích trên 300 ha và mỗi năm thu hái trên 1.000 tấn búp tươi. Cánh đồng Mường Lò lớn thứ hai vùng Tây Bắc, có những giống lúa thơm ngon nổi tiếng: Hương Chiêm, Séng Cù...

Ngoài ra, Yên Bái còn có giống nếp Tan ở xã Tú Lệ (Văn Chấn) nằm dưới chân đèo Khau Phạ là giống lúa dẻo và thơm ngon nổi tiếng không nơi nào có được. Cam sành Lục Yên, Văn Chấn, sơn tra Mù Cang Chải… đều là những đặc sản mà trời đất đã ban tặng cho người dân Yên Bái để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa mang hương vị của từng vùng.

Không chỉ giàu các sản phẩm nông nghiệp, Yên Bái còn giàu tài nguyên với rất nhiều điểm mỏ và khoáng sản phong phú, trong đó một số loại khoáng sản có trữ lượng cao, chất lượng tốt như: cao lanh, sắt, thạch anh, felspats, chì, kẽm, đá vôi trắng có độ trắng trên 90%, trữ lượng trên 2,4 tỷ m3. Các sản phẩm chế biến từ đá rất đa dạng như: đá ốp lát trong xây dựng, đá mỹ nghệ, đá hạt, đá bột siêu mịn dùng làm nguyên liệu phụ gia cho sản xuất hóa mỹ phẩm, cao su, nhựa, giấy...

Đặc biệt, vùng đá quý Lục Yên, Yên Bình đã được đánh dấu trên bản đồ đá quý thế giới với viên đá quý lớn nhất Việt Nam (nặng hơn 5 kg) và trở thành bảo vật quốc gia.

Yên Bái còn là vùng đất tươi đẹp với nhiều cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng như: hồ Thác Bà có diện tích trên 19.000 ha, hơn 1.300 đảo lớn, nhỏ. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải với 2.300 ha đã được xếp hạng danh thắng cấp quốc gia.

Đầm Vân Hội với diện tích 500 ha cũng có nhiều đảo nổi và là nơi có cảnh quan thiên nhiên còn nhiều nét hoang sơ, có cộng đồng các dân tộc sinh sống ven hồ. Đặc biệt, nơi đây còn chứa đựng những huyền tích về mẹ Âu Cơ - Quốc mẫu của dân tộc Việt Nam.

Một góc đầm Vân Hội (Trấn Yên).

Cơ hội đầu tư

Hiện nay, Yên Bái đã và đang tiến hành cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư; chú trọng công tác quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch ngành, sản phẩm chủ lực đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tỉnh đã xây dựng được 10 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.500 ha, trong đó có 3 khu công nghiệp được Chính phủ quyết định thuộc hệ thống các khu công nghiệp quốc gia với tổng diện tích gần 800 ha.

Để các doanh nghiệp đến Yên Bái đầu tư có điều kiện tốt nhất trong sản xuất, kinh doanh, tỉnh Yên Bái đã cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư phát triển hệ thống lưới điện. Do đó, Yên Bái đã có hệ thống đường dây tải điện, các trạm biến áp được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, đồng bộ với tổng chiều dài gần 4.000 km.

Yên Bái cũng đã tập trung lồng ghép các nguồn lực trên địa bàn để đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh ở tất cả các trung tâm đô thị và các khu, cụm công nghiệp.

9/9 huyện, thị xã, thành phố có hệ thống cấp nước đô thị với tổng công suất trên 7 triệu m3/năm và có trên 340 công trình cấp nước tập trung. Cùng với đó, mạng lưới thông tin nội bộ được số hóa; các huyện, thị, thành phố có tuyến vi - ba và tổng đài điện tử tự động và 5 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, mạng điện thoại và Internet đã được phủ khắp địa bàn.

Yên Bái có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của các dự án đầu tư sử dụng nhiều lao động như: dệt may xuất khẩu, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy, lắp ráp linh kiện điện tử. Toàn tỉnh có 24 cơ sở đào tạo nghề, trong đó, có 2 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp nghề, 3 trung tâm dạy nghề, 7 trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên và 9 cơ sở khác có hoạt động dạy nghề.

Đặc biệt, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đang được đầu tư xây dựng thành trung tâm đào tạo nghề của các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có 1 nghề đạt chuẩn quốc tế và 3 nghề đạt chuẩn ASEAN. Các nghề đào tạo chính: điện công nghiệp, gia công thiết kế sản phẩm mộc, chế tạo thiết bị cơ khí, vận hành máy thi công nền, kỹ thuật máy nông nghiệp, chăn nuôi - thú y, công nghệ chế biến chè, hàn...

Xác định rõ chủ trương xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn nên ngoài các ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ, khi đến với Yên Bái, các nhà đầu tư sẽ được hưởng thêm các ưu đãi đầu tư theo quy định của tỉnh.

Yên Bái cam kết thực hiện nhất quán, đồng bộ và ổn định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đã ban hành. Hàng năm, có kế hoạch bố trí vốn ngân sách tỉnh và ngân sách địa phương để thực hiện chính sách; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại để giải quyết những đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.

Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư làm tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng, để nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất trong thời gian sớm nhất.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: "Yên Bái thành lập một Ban chỉ đạo nhằm trực tiếp hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thành phần của Ban gồm 3 tổ: Tổ Thu hút đầu tư, Tổ Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Tổ Khuyến khích và tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Ban chỉ đạo đã có chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. UBND tỉnh Yên Bái cũng đã phát động một phong trào cải cách toàn diện môi trường kinh doanh với khẩu hiệu kêu gọi toàn dân tham gia”.

Ông Fujimoto Masato - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam:

"Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam là một công ty con của Công ty cổ phần Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản chuyên về ngành sản xuất dược phẩm. Sau khi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái về việc đầu tư Dự án chăn nuôi thỏ tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, Công ty đã được các ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ về các thủ tục hành chính.

Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi mà chỉ trong 1 tháng đã có thể làm xong thủ tục đất đai 30 ha thực hiện Dự án. Ngoài các vấn đề về thủ tục hành chính, tỉnh Yên Bái còn chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp về hạ tầng, tuyển dụng lao động. Với sự ưu việt của môi trường tự nhiên, nhanh chóng giải quyết thủ tục hành chính, nguồn lao động chất lượng, chúng tôi đã quyết định đầu tư tại Yên Bái. Tôi nghĩ, Yên Bái là một địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư".
                                                                                                                                                                                           

Quang Thiều 

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục