Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - điểm du lịch kỳ thú

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/4/2016 | 10:21:44 AM

YBĐT - Khi đất trời sang thu, cũng là mùa lúa chín ở Mù Cang Chải. Từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 là khoảng thời gian những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất với lớp lớp “sóng vàng” tít tắp các triền núi cao.

 

Vẻ đẹp ruộng bậc thang mùa đổ nước.
Vẻ đẹp ruộng bậc thang mùa đổ nước.

Kỳ quan trên núi

Cách thủ đô Hà Nội hơn 300 km, theo quốc lộ 32 về phía Tây Bắc, từ chân  đèo Khau Phạ trở đi, càng đi, càng lên cao thì bức tranh ruộng bậc thang Mù Cang Chải càng hiện ra mê đắm lòng người. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia năm 2007.

Toàn huyện có tới 2.500 ha ruộng bậc thang. So với làm lúa nương, ruộng bậc thang không chỉ cho năng suất cao, ổn định lương thực cho nhân dân, mà nó còn làm nên một danh thắng kỳ vĩ. Đây có thể coi là kiệt tác hội tụ các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào Mông ở vùng cao. Những tri thức, kinh nghiệm trồng lúa nước lâu đời của đồng bào được thể hiện rõ nét từ việc lựa chọn vùng đất, xác lập quyền sử dụng đất cho tới các công đoạn khai khẩn như: phát cỏ, dọn mặt bằng, đánh gốc cây, dọn đá và san ruộng, làm bờ giữ nước…

Đặc biệt, vào mùa đổ nước (khoảng tháng 5, tháng 6) các thửa ruộng bậc thang khiến du khách ngất ngây trước vẻ đẹp độc đáo bởi lấp lánh sắc màu. Việc khai hoang ruộng bậc thang được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, tạo nên các triền ruộng đẹp như những bức tranh tạc nơi lưng núi. Ruộng xếp tầng, xếp lớp trải rộng, những “mâm xôi vàng”, “mâm xôi xanh” những "hoa văn lượn sóng"... hiện lên giữa hùng vĩ núi rừng Tây Bắc.

Anh Vàng A Giống cũng như nhiều người dân ở Mù Cang Chải và xã Chế Cu Nha chia sẻ: “Tôi cũng như nhiều người dân nơi đây rất tự hào ruộng bậc thang của mình được trở thành danh thắng quốc gia. Ngoài việc sản xuất cung cấp lương thực phục vụ cho gia đình, chúng tôi còn chăm sóc lúa thật tốt để tạo nên những thửa ruộng thật đẹp để thu hút nhiều khách du lịch đến với Mù Cang Chải”.

Lễ hội ruộng bậc thang

Cùng với nhiều lễ hội của các huyện miền Tây tỉnh Yên Bái, hàng năm, vào trung tuần tháng 9, Tuần Văn hóa - Du lịch Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được tổ chức. Bà con các dân tộc trong tỉnh, huyện cùng nhau xuống núi trảy hội, gặp gỡ giao lưu.

 Du khách trong và ngoài nước cũng bắt đầu nườm nượp về đây chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang khoe sắc vàng rực rỡ và tham gia các sự kiện văn hóa đặc sắc như: phiên chợ vùng cao, hội thi giã bánh dày, thi múa khèn Mông, hội chọi dê; xem các trò chơi dân gian, thi đấu các môn thể thao dân tộc như: tung còn, ném pao, đánh quay, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy; tìm hiểu phong tục, tập quán và nhiều nét văn hóa truyền thống của người bản địa; sáng tác ảnh nghệ thuật về ruộng bậc thang...

Du lịch sinh thái có các hoạt động: chinh phục đỉnh núi Púng Luông, thăm bãi khắc đá cổ ở xã Lao Chải, khám phá rừng nguyên sinh Chế Tạo, thác Mơ 3 tầng (xã Mồ Dề), tắm suối nước nóng và hang động ở Nậm Khắt, thăm rừng chè cổ thụ La Pán Tẩn.

Đặc biệt, những năm gần đây còn có chương trình bay dù lượn ngắm ruộng bậc thang bên đèo Khau Phạ. Ngoài ra, Mù Cang Chải đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở nhiều xã để du khách có dịp tìm hiểu văn hóa các dân tộc qua những nghề truyền thống như: rèn nông cụ, nấu rượu thóc, dệt, in hoa văn thổ cẩm, đan lát, làm nhạc cụ, nuôi ong mật và được thưởng thức các món ăn dân tộc rất đặc sắc và kiến trúc nhà ở, không gian cư trú của đồng bào dân tộc...

Trần Minh

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục