Yên Bái - tiềm năng, nơi hội tụ các nhà đầu tư

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/2/2017 | 11:57:39 AM

YBĐT - Từ những hành động cụ thể, tỉnh Yên Bái đã tạo bước đột phá mạnh mẽ và trở thành một vùng đất lành cho các nhà đầu tư.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà giới thiệu với các doanh nghiệp về tiềm năng của tỉnh tại Hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà giới thiệu với các doanh nghiệp về tiềm năng của tỉnh tại Hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Dự án chăn nuôi chế biến thỏ công nghệ cao với tổng mức đầu tư trên 1.700 tỷ đồng do Công ty Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản đầu tư năm 2015 tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn đã đi vào hoạt động. Còn hân hoan trong niềm vui, phấn khởi thì bước vào năm 2016 hàng loạt dự án lớn do các tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư vào Yên Bái đồng loạt triển khai.

Trong năm, Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 35 dự án mới với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 16.000 tỷ đồng. 24 dự án đã được cấp quyết định điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, trong đó lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản 5 dự án, công nghiệp chế biến nông - lâm sản và thực phẩm 3 dự án, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản 7 dự án, công nghiệp sản xuất và phân phối điện 3 dự án, công nghiệp khác 2 dự án, thương mại du lịch và ngành kinh tế khác.

Đặc biệt là trong đó có một số đối tác là tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp có tiềm năng, uy tín đã đầu tư dự án với quy mô, vốn đầu tư lớn như: Tập đoàn Hoa Sen triển khai Dự án đầu tư Khu trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và Tổ chức sự kiện, vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng; Tập đoàn Vingroup triển khai Dự án Trung tâm Thương mại, vui chơi giải trí và Nhà phố thương mại Shop - House với số vốn đầu tư 685 tỷ đồng; Tập đoàn Chân - Thiện - Mỹ triển khai Dự án Trung tâm Giới thiệu sản phẩm du lịch và Xúc tiến thương mại  Chân - Thiện - Mỹ vốn đầu tư 1.707 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại MCC triển khai Dự án Tổ hợp kinh tế miền núi Yên Bái vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn hàng loạt dự án về điện, nông nghiệp công nghệ cao của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc... Mới đây nhất, Công ty cổ phần Seibu Kaihatsu Nhật Bản đã đến khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; Tập đoàn Solkiss Hàn Quốc đến Yên Bái nghiên cứu, khảo sát đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời trên hồ Thác Bà...

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà đầu tư đến với Yên Bái, mà điểm thu hút họ là việc cải cách thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng cho phát triển và những cơ chế, chính sách ưu đãi cũng như khai thác lợi thế, tiềm năng của tỉnh một cách hợp lý.

Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (bên phải) gặp gỡ, trao đổi với ngài Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam tại Lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại Hà Nội.

Chính quyền Yên Bái luôn nhận thức và nhất quán quan điểm để phát triển phải đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với khai thác có hiệu quả các lợi thế về thiên thời, địa lợi, nhân hòa của tỉnh, thông qua việc cụ thể hóa từng chủ trương chỉ đạo, điều hành đến các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển của từng ngành, từng cấp.

Thái độ cầu thị, sự năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh trong việc đối thoại với doanh nghiệp, lãnh đạo các cấp, các ngành thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Từ năm 2016, hàng tháng UBND tỉnh tổ chức “Cà phê doanh nhân - Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Qua đó, tạo sự gắn kết và lắng nghe, chia sẻ những khó khăn vướng mắc từ hai phía để có những quyết sách, sự hỗ trợ đắc lực, kịp thời trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó, Yên Bái chú trọng quy hoạch hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị, thông tin - viễn thông, điện, nước, quỹ đất sạch sẵn có... đồng bộ và từng bước hiện đại.

Sự phối hợp có hiệu quả với các tỉnh thành trong vùng để phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng của toàn vùng đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo điều kiện trong vận chuyển, đi lại, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu cho các nhà đầu tư khi đến với Yên Bái.

Song song với đó, Yên Bái có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, là “trung tâm” đào tạo nghề của khu vực phía Bắc. Hiện, tỉnh có Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, Trường Trung cấp Nghề Nghĩa Lộ, Trường Trung cấp nghề Lục Yên... mỗi năm đào tạo nghề khoảng 1 vạn lao động, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng cao cho các dự án đầu tư.

Yên Bái còn có 3 khu công nghiệp (KCN) quốc gia là KCN Minh Quân, KCN phía Nam, KCN Âu Lâu đã cơ bản hoàn thiện về hạ tầng và 8 cụm công nghiệp được quy hoạch bám sát đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nhằm tạo thuận tiện cho việc đi lại và đáp ứng nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu triển khai dự án đầu tư tại tỉnh.

Nhờ sự quyết tâm của người đứng đầu cùng nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được triển khai đồng bộ trên cơ sở bám sát các nghị quyết của Chính phủ như Nghị quyết số 19 năm 2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016, 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được tỉnh cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện...

Không phải địa phương có quá nhiều lợi thế, thiên nhiên cũng không ưu ái quá nhiều tiềm năng thế, nhưng Yên Bái đã có những cách làm và hướng đi phù hợp, đặc biệt là sự tiên phong từ người đứng đầu tỉnh đến lãnh đạo các cấp các ngành trong mời gọi và thu hút đầu tư.

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều sâu, khuyến khích và ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư khai thác chế biến sâu; tiếp tục chú trọng công tác quy hoạch hạ tầng giao thông, công nghiệp và các công trình phụ trợ đồng bộ, hiện đại; thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với Yên Bái.

Với những định hướng mang tính đột phá, những bước đi phù hợp, Yên Bái sẽ trở thành điểm đến tin cậy đối với tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thanh Phúc

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục