Hồ Thác xôn xao đón xuân về

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/2/2018 | 10:55:44 AM

YBĐT - Những ca từ của ca khúc "Đêm trên hồ Thác” của nhạc sỹ Phùng Chiến vang lên như mời, như gọi, như giục giã lòng ta đến khám phá hồ nước mênh mông đầy sao trời lấp lánh.

Hồ Thác vào xuân. Ảnh: Thanh Miền
Hồ Thác vào xuân. Ảnh: Thanh Miền

Hồ Thác Bà - nơi được ví như "Hạ Long trên núi” với những đảo xanh lớn nhỏ soi bóng dưới mặt nước cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Sự kỳ bí ấy đã tạo cho Thác Bà một vẻ đẹp lung linh huyền hoặc nhưng lại rất thân thiện, hữu tình.

Sớm tinh mơ, tôi có mặt ở bến cảng Hương Lý cùng nhóm bạn theo tàu đi khám phá hồ Thác Bà. Chiếc tàu rời bến, mang theo biết bao cảm xúc cho những người lần đầu tiên được lênh đênh trên sóng nước để khám phá vẻ đẹp lung linh của vùng nước non kỳ vĩ. Đây là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam có diện tích 23.400 ha với hơn 1.300 đảo lớn nhỏ nhấp nhô giữa gương trời.

Đi trên thuyền, chúng tôi không chỉ cảm nhận được bầu không khí mát lành từ nước, từ gió hồ Thác mà còn được hòa mình cùng thiên nhiên hào phóng, thả hồn vào mênh mông trời nước, điệp trùng núi đảo tưởng chừng như vô tận. Rồi lại ngạc nhiên, thích thú khi được thấy những đảo cây tràm trên đất bán ngập của vùng Đồng Tháp Mười đang vươn sức sống mạnh mẽ ở nơi này. 

Sau gần một giờ lênh đênh trên sóng nước, công trình Thủy điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của ngành Thủy điện Việt Nam đã hiện ra trước mắt. Đón chúng tôi ngay từ đầu bến, anh Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà dẫn đoàn đến thắp hương tại Đài tưởng niệm những người con đã ngã xuống vì dòng điện sáng của Tổ quốc. 

Làm sao kể hết được những cống hiến, hy sinh to lớn của biết bao công nhân, kỹ sư, chuyên gia Liên Xô, các chiến sỹ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình đã nhường lại những "bờ xôi, ruộng mật” cho Nhà máy Thủy điện Thác Bà mọc lên kiêu hãnh! Tự hào là đứa con đầu lòng của ngành thủy điện Việt Nam, vững vàng vượt qua sự đánh phá ác liệt của chiến tranh, trải nghiệm và trưởng thành hơn trong thời kỳ đổi mới. 

46 năm qua, Nhà máy Thủy điện Thác Bà nay là Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà đã phát huy truyền thống ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần hăng say lao động. Đến nay, Công ty đã sản xuất được trên 16 tỷ KWh điện và phục vụ tốt việc điều tiết nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. 

Tôi được biết, hồ Thác Bà còn là địa điểm lý tưởng để triển khai Dự án Điện năng lượng mặt trời kết hợp phát triển du lịch mà vẫn giữ được cảnh quan, môi trường nước trong sạch. Qua nghiên cứu, khảo sát Công ty TNHH Solkiss (Hàn Quốc) đã có ý tưởng đầu tư Dự án Điện năng lượng mặt trời trên hồ Thác Bà, công suất dự kiến là 500 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng Việt Nam. Dự án Điện năng lượng mặt trời được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Rời Nhà máy Thủy điện Thác Bà, chúng tôi tiếp tục hành trình lên với đầu nguồn con sông Chảy để tìm về nơi giao hòa của dòng sông với vùng hồ Thác. Qua Tích Cốc, Cảm Nhân, Ngọc Chấn, Xuân Long, dừng chân ghé thăm động Thủy Tiên, rồi lênh đênh trên sóng nước để ngắm núi Cao Biền, Chàng Rể. 

Đất trời sang xuân, những chồi non bật nhú đón nắng mai, những cánh rừng xanh thăm thẳm in bóng dưới làn nước xanh trong tựa ngọc đã tạo nên bức tranh lung linh huyền ảo giữa một vùng trời nước mênh mông. 

Lên với Ngòi Tu, tôi bắt gặp những chàng trai, cô gái người Pháp đang say sưa theo những câu hát Xịnh Ca, theo điệu múa uyển chuyển của những thiếu nữ người Dao quần trắng. 

Hòa vào đoàn khách du lịch, chúng tôi cùng lang bang khám phá những vùng đất ven hồ. Ở đây, vẫn giữ được nét hoang sơ cùng bản sắc văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan. Các lễ hội văn hóa như Tết nhảy của người Dao, Mừng cơm mới của người Tày… thường xuyên được tổ chức là cơ hội để du khách được đắm mình trong những điệu dân ca, dân vũ mang đậm chất núi rừng. 

Chia tay Ngòi Tu, chúng tôi theo thuyền về bến cảng Hương Lý. Sóng nước vẫn mênh mang, thi thoảng lại gặp những chiếc thuyền nan lênh đênh mưu sinh, những bè nuôi cá lồng của người dân Vĩnh Kiên, Thịnh Hưng, thị trấn Thác Bà mang về no ấm. 

Hồ Thác Bà không chỉ được biết đến với "nguồn than trắng vô biên", là nguồn nước ngọt lành nuôi vô vàn tôm cá, mà miền trời xanh - rừng đảo xanh - nước xanh này còn là miền kỳ thú hấp dẫn đối với bao nhà khoa học, các nhà đầu tư và du khách, để khám phá thêm vẻ đẹp của vùng non nước kỳ vĩ này. 

Ai qua đây thăm hồ Thác dẫu một lần cũng khó quên! Tạm biệt hồ Thác, hẹn ngày trở lại để khám phá thêm những truyền thuyết còn ẩn mình đâu đây trong một vùng nước non huyền tích. Để thấy quê mình đang từng ngày đổi mới, đang xôn xao gọi về những mùa xuân.

Mạnh Cường 

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục