Yên Bái: PCI trong nhóm đầu các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/7/2020 | 12:03:12 PM

YênBái - Sáng 31/7, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2011 - 2020, phương hướng nhiệm vụ 2021 - 2030.

Các đồng chí: Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Chiến Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì và điều hành Hội nghị. 

Yên Bái đi đầu triển khai, kết nối phần mềm Cổng dịch vụ hành chính công, một cửa điện tử cả 4 cấp

Giai đoạn 2011 - 2020, công tác cải cách TTHC tỉnh Yên Bái được thực hiện quyết liệt, có nhiều đổi mới và đem lại hiệu quả thiết thực.Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai tại 100% cơ quan chuyên môn của tỉnh và các địa phương. Các TTHC thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện đạt 96%, riêng cấp xã đạt 100%. 



Quang cảnh Hội nghị.

Đặc biệt, tỉnh đã triển khai Đề án Đô thị thông minh với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Yên Bái cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong triển khai phần mềm Cổng dịch vụ hành chính công, Một cửa điện tử từ cấp tỉnh tới cấp huyện, cấp xã và đã kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia từ 1/4/2019. 

Với kết quả đó, năm 2019, chỉ số CCHC của tỉnh tăng 08 bậc so với năm 2018, tăng 22 bậc so với năm 2015 và 30 bậc so với năm 2016 (xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố).

PCI trong nhóm đầu các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc 

Cùng với đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 tăng 06 bậc so với năm 2018 và tăng 15 bậc so với năm 2015, xếp thứ 36/63 tỉnh thành, thứ 5/14 trong nhóm các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc - nhóm đầu các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
  
Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2019 của tỉnh đứng thứ 19/63 tỉnh thành, với tỷ lệ hài lòng 86,84%, tăng 7,47% và 28 bậc so với năm 2018, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận làm rõ kết quả chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; nêu lên những hạn chế khó khăn trong việc nâng cao chỉ số PCI đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác CCHC trong thời gian tới...

Tối ưu hóa quy trình, thủ tục hành chính liên ngành để thu hút doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Yên Bái trong triển khai đồng bộ giải pháp đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian qua. 



Đồng chí Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Để tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư tại địa phương, đồng chí đề nghị tỉnh Yên Bái cần tối ưu hóa quy trình, thủ tục hành chính liên ngành; nâng cao hiệu quả các thủ tục hành chính công các cấp; tiếp tục công khai minh bạch, đăng tải đầy đủ các quy hoạch, dự án đầu tư, kế hoạch thanh kiểm tra; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các địa phương. 

Bên cạnh đó cần thường xuyên tổ chức đối thoại, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; xây dựng, triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong thời điểm nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19…

Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; ban hành bộ cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy khẳng định: Công tác cải cách hành chính, cải thiện đầu tư kinh doanh được Tỉnh ủy – HĐND - UBND tỉnh xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; là một trong ba đột phá chiến lược trong  phát triển kinh tế - xã hội.



Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy phát biểu kết luận Hội nghị.

Đồng chí cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: một số chính sách ban hành còn có những nội dung bất cập, chưa đồng bộ; công tác rà soát đơn giản hóa và cắt giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính còn chậm, hiệu quả đạt được chưa cao; một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chất lượng và hiệu quả xử lý công việc chưa cao...

Nhằm đạt mục tiêu trong 10 năm tới Yên Bái phải là một trong những tỉnh tốp đầu của khu vực trung du và miền núi phía Bắc về CCHC và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp các ngành cần tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo lộ trình; công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính bằng các hình thức phù hợp; phát huy vai trò của hệ thống phục vụ hành chính công các cấp, kết hợp với cung cấp dịch vụ bưu chính công ích. 

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện liên thông giữa các cơ quan trong cùng cấp và các cấp hành chính; thường xuyên kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính của các sở, ban ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh; triển khai hiệu quả mô hình đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử tỉnh.

Đối với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh và chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần ban hành bộ cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 để thu hút đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; tích cực, chủ động tháo gỡ các vướng mắc đối với các doanh nghiệp, nhất là về thủ tục gia nhập thị trường, đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường...



Dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giai đoạn 2011 - 2020

Thu Trang – Đức Toàn

Tags PCI nhóm đầu cải cách hành chính cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh Yên Bái

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục