Giáo dục Yên Bái 30 năm: Bức tranh tươi sáng

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/9/2021 | 7:41:07 AM

YênBái - Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày lập lại tỉnh, cùng với những bước tiến quan trọng trong kinh tế, những thay đổi tích cực trong đời sống xã hội của nhân dân, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có những bước phát triển toàn diện và vững chắc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT khen thưởng học sinh có thành tích xuất sắc tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 - 2021.
Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT khen thưởng học sinh có thành tích xuất sắc tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 - 2021.

Năm học 1991-1992 là năm học đầu tiên sau tái lập tỉnh, toàn tỉnh có 340 trường, trên 5.100 lớp, trên 125.000 học sinh, trên 8.100 giáo viên, trên 4.000 phòng học, trong đó hơn 60% là phòng học tạm; 62 xã trắng về giáo dục mầm non (GDMN). Tỷ lệ huy động trẻ đến trường thấp (số trẻ ra lớp học đúng độ tuổi bậc tiểu học chỉ đạt 68%); tỷ lệ học đi học chuyên cần rất thấp, số học sinh bỏ học cao (cấp tiểu học là 12%, cấp trung học là 22,6%; cấp THPT là 14,2%). 

Toàn tỉnh lúc này chỉ có 4 trường phổ thông dân tộc nội trú (1 trường THPT, 3 trường THCS ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải). Chỉ một vài thống kê đã phác họa rõ nét về bức tranh GD&ĐT những ngày đầu tái lập tỉnh. 

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” nên ngay ở thời điểm tái lập giữa bộn bề những khó khăn, Đảng bộ tỉnh đã xác định giáo dục là mặt trận quan trọng hàng đầu từ đó ưu tiên nguồn lực cho sự phát triển GD-ĐT từng bước đặt những viên gạch vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh cả trong hiện tại và tương lai. 

Ngay sau ngày lập lại tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và ngành GD&ĐT - đơn vị nòng cốt đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển GD-ĐT qua từng giai đoạn, với một tư duy đột phá và tầm nhìn lâu dài, phù hợp với thực tiễn. 

Năm 1991 cũng là năm đầu tiên ngành GD&ĐT tỉnh bước vào thực hiện kế hoạch phát triển 5 năm (1991 - 1995) với mục tiêu "Tiếp tục  đổi mới, ổn định phát triển và nâng cao chất lượng GD&ĐT”. Trong đó, tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển đa dạng loại hình trường lớp mầm non để huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp và tập trung thực hiện chương trình phổ cập giáo dục cấp I, chống mù chữ, phát triển cấp II, III phù hợp với yêu cầu và điều kiện nền kinh tế. 

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song GD&ĐT Yên Bái giai đoạn này đã có những chuyển biến tích cực. Quy mô trường lớp ngày càng được củng cố, ổn định phát triển về số lượng. 

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao cùng sự nỗ lực của toàn ngành, sau mỗi nhiệm kỳ đại hội, sau mỗi năm học, GD&ĐT đều có sự tiến bộ, đổi mới. Tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã chỉ rõ nhiệm vụ của ngành GD&ĐT là "Nâng cao chất lượng GD&ĐT nguồn nhân lực và khoa học - công nghệ” đã giúp ngành xác định bước ngoặt mới trong sự nghiệp "trồng người”. 

Cùng thời điểm, tỉnh cũng có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh. Đặc biệt, đến tháng 8/2016, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII ban hành Nghị quyết số 36 về việc sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục phổ thông, GDMN tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020. 

Đây được ví như chiếc chìa khóa mở ra một cánh cửa mới trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh. Khắp nơi trong tỉnh một không khí đồng lòng, hợp sức mở trường, mở lớp. Cơ sở vật chất được đầu tư mạnh mẽ đồng bộ, học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được tiếp cận với giáo dục hiện đại, đặt nền móng cho công cuộc thu hẹp dần khoảng cách giữa giáo dục vùng cao với vùng thấp, cho sự phát triển bền vững của GD&ĐT Yên Bái. 

Bức tranh GD&ĐT của Yên Bái sau 30 năm tái lập tỉnh với nhiều gam màu tươi sáng. Mạng lưới trường, lớp học, quy mô giáo dục từ GDMN, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đã phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trong tỉnh. 

Đặc biệt, sau khi thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với GDMN, giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, hệ thống trường lớp được sắp xếp phù hợp, tinh gọn và hiệu quả; tạo điều kiện để học sinh được học tập tại điểm trường chính, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 466 cơ sở giáo dục, với quy mô trên 6.800 lớp, trên 225.000 học sinh, học viên. So với ngày đầu tái lập, tăng hơn 126 trường, 1.700 lớp, trên 100.000 học sinh (tăng 80%). Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học liên tục tăng cao; nhiều học sinh đã đỗ thủ khoa trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Công tác giáo dục mũi nhọn được nâng cao về số lượng, chất lượng và phát triển bền vững. 

Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, Yên Bái có gần 3.000 lượt học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hoá cấp tỉnh, cấp quốc gia và hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc. Đặc biệt, năm 2015, Yên Bái có 1 học sinh đạt giải trong kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á; năm 2019, có 1 học sinh đoạt Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic Hoá học Quốc tế. Nếu như năm học 1991-1992 toàn tỉnh chỉ có 4 giải học sinh giỏi THPT cấp quốc gia thì năm học vừa qua tăng lên 26 giải.

Cùng với đó, công tác giáo dục dân tộc được chú trọng đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Toàn tỉnh hiện có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú, 43 trường phổ thông dân tộc bán trú, 55 trường có học sinh bán trú với gần 30.000 học sinh dân tộc nội trú, dân tộc bán trú; chất lượng giáo dục dân tộc, vùng cao được nâng lên rõ rệt. 

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì, nâng cao chất lượng theo hướng bền vững: năm 1997, tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2007 đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; năm 2009 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; năm 2015 đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. 

Công tác phân luồng học sinh cũng là một điểm sáng trong bức tranh GD&ĐT Yên Bái sau 30 năm tái lập tỉnh. Hàng năm, trên 20% học sinh tốt nghiệp THCS, 40% học sinh tốt nghiệp THPT vào học trung cấp, học nghề, cao đẳng, góp phần tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Bên cạnh đó, với gần 60% trường học trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn quốc gia cũng là một trong những niềm tự hào của GD&ĐT tỉnh. Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. 

Đến nay, toàn tỉnh có gần 6.500 phòng học của GDMN, phổ thông, tỷ lệ kiên cố đạt 84% (tăng 44%), trong đó, có gần 1.000 phòng học tương tác, phòng học thông minh; trên 600 phòng học bộ môn. Đặc biệt, trong những năm qua đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các bậc học luôn được quan tâm xây dựng cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại, toàn ngành có trên 13.000 lao động, tăng trên 5.000 người (69%); trong đó 79,4% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên, 20,4% trên chuẩn, trên 400 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. 

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra mục tiêu: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025.

Để góp phần thực hiện được mục tiêu đó, ngành GD&ĐT xác định sẽ làm tốt công tác tham mưu về chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển GD&ĐT phù hợp với thực tiễn của địa phương. Tiếp đến là thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GD&ĐT; quán triệt sâu rộng trong toàn ngành quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 và Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, cũng như các chủ trương, nghị quyết khác của tỉnh và tiếp tục sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp theo hướng hợp lý, tinh gọn, hiệu quả. 

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chú trọng phát triển giáo dục dân tộc, giáo dục vùng cao, giáo dục mũi nhọn; thực hiện tốt chương trình GDPT 2018; thực hiện việc phân luồng GDPT theo lộ trình hợp lý tạo nguồn đào tạo nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh... 

Đặc biệt, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy; tích cực chuyển đổi số, xây dựng trường học thông minh, giáo dục thông minh gắn với đô thị thông minh của tỉnh.

Với truyền thống 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, với những thành tựu của công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh cùng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trong các chặng đường tiếp theo trên hành trình "dạy chữ, dạy người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài” cho quê hương đất nước.

Thanh Ba

Tags giáo dục vùng cao mở trường mở lớp cơ sở vật chất chống mù chữ sự nghiệp "trồng người” giáo dục phổ thông

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục