Tiếng nói từ Đại hội

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/10/2015 | 9:32:55 AM

YênBái - YBĐT - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 có nhiệm vụ tổng kết đánh giá ưu, khuyết điểm nhiệm kỳ qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ tới. Báo Yên Bái ghi lại một số ý kiến về các giải pháp của các đại biểu tham dự tại đại hội.

Đại biểu Nông Văn Lịnh  -  Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái:

Tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động, phát triển kinh tế - xã hội

Thời gian tới, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp và các tổ chức thành viên cần tập trung thực hiện tốt với những nội dung, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục phát huy dân chủ, tăng cường và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, phấn đấu thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc...

Hai là, MTTQ các cấp cần tiếp tục vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố chính quyền, củng cố hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; tích cực trong hoạt động giám sát những vấn đề của nhân dân, cùng với Đảng chuẩn bị tốt nhân sự đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021...

Ba là, phát huy vai trò của chính quyền các cấp trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt cơ chế dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện của nhân dân để người dân có điều kiện tham gia xây dựng chính quyền, để chính quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân...

Bốn là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trách nhiệm công dân, xây dựng sự đồng thuận xã hội cao, trong đó tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” trong cán bộ, đảng viên. Tiếp tục triển khai sâu rộng có hiệu quả các cuộc vận động, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” sẽ gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...

Năm là, không ngừng mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, nâng cao vị trí, vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiệm vụ quan trọng của MTTQ là đoàn kết tập hợp các tầng lớp nhân dân, động viên nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thường xuyên củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân các dân tộc trong tỉnh; thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng bộ và chính quyền các cấp...

Đại biểu Vũ Xuân Sáng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:

4 nhóm giải pháp thu hút các nguồn lực đầu tư

Tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ song báo cáo chính trị cũng chỉ rõ sự phát triển chưa xứng với tiềm năng, lợi thế; đặc biệt, trong nhiệm kỳ tới chúng ta có thêm nhiều lợi thế mới mà rõ nhất là lợi thế về hạ tầng giao thông. Để phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế của tỉnh, thu hút các nguồn lực đầu tư, cần tập trung vào 4 nhóm giải pháp cụ thể như sau:

Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, tập trung thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, vận dụng sáng tạo có lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện cụ thể của tỉnh Yên Bái. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh; tạo cơ chế thông thoáng trong đầu tư, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất, xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được xác định ưu tiên để thu hút các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài...

Nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tập trung triển khai áp dụng cơ chế “một cửa” và “một cửa” liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực; thực hiện đơn giản hóa và rút ngắn các thủ tục hành chính, từng bước mở rộng cung cấp các dịch vụ hành chính công đa dạng, thân thiện với người dân và doanh nghiệp; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, công tác xúc tiến đầu tư, vận động tài trợ...

Nhóm giải pháp tuyên truyền, tăng cường tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh để các nhà đầu tư biết rõ và tới những nhà đầu tư đang quan tâm; tuyên truyền để các cấp, các ngành và nhân dân hiểu rõ, nâng cao nhận thức trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành hành động thiết thực, góp phần cải thiện, tạo môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư khi đến Yên Bái; công khai, minh bạch công tác cải cách thủ tục hành chính, công tác xúc tiến đầu tư; tạo điều kiện để người dân tiếp cận và giám sát, đối thoại với các cơ quan quản lý trong quá trình thực hiện, phát hiện những khó khăn, vướng mắc để xử lý kịp thời...

Nhóm giải pháp thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm huy động tối đa mọi nguồn vốn để thực hiện các công trình, dự án của địa phương. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư các dự án có ý nghĩa quan trọng và cấp bách, có tác động liên vùng, có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực. Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách Nhà nước trung hạn và hàng năm theo hướng tập trung, khắc phục dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư, xử lý nợ xây dựng cơ bản theo quy định của Luật Đầu tư công; tiếp tục tranh thủ vận động, kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo các hình thức công tư kết hợp như BOT, PPP...

Đại biểu Trần Huy Tuấn - Bí thư Huyện ủy Văn Yên:

Xây dựng Đảng bộ vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương

Để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, theo tôi cần tiếp tục thực hiện tốt xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân đối với Đảng, Đảng bộ tỉnh cần tiếp tục chú trọng hơn nữa việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên của Đảng bộ.

Chú trọng việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan Nhà nước theo tinh thần Kết luận số 64-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI và Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, nhằm đảm bảo cho tổ chức bộ máy của cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở có cơ cấu gọn nhẹ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả và thượng tôn pháp luật; đi đôi với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở có số lượng hợp lý; có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị. Bảo đảm hoạt động của cơ quan Nhà nước và của từng cá nhân cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy Nhà nước phải đặt nhiệm vụ phục vụ nhân dân lên trên hết và thực hành phong cách "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin".

Xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc phổ biến, tuyên truyền và vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; đổi mới phương thức tập hợp, vận động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng và Nhà nước phát động; thi đua, hăng hái trong lao động sản xuất, công tác và học tập… tạo động lực mạnh mẽ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đại biểu Trần Xuân Hưng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao và giáo dục mũi nhọn

Để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, ngành giáo dục - đào tạo tiếp tục thực hiện đồng bộ một số giải pháp nhằm  đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Trong đó, tập trung vào nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và giáo dục mũi nhọn.

Với giáo dục vùng dân tộc, vùng khó khăn, tiếp tục rà soát lại quy mô, mạng lưới trường, điểm trường, lớp học bảo đảm nhu cầu học tập của con em nhân dân và theo yêu cầu củng cố, phát triển phổ cập giáo dục theo hướng bền vững, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, nâng cao chất lượng các điều kiện phục vụ học tập, sinh hoạt của học sinh bán trú. Nâng cao chất lượng trường phổ thông dân tộc nội trú, trong đó tập trung đảm bảo chất lượng tuyển sinh, chú trọng chất lượng giáo dục mũi nhọn ở 2 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THPT, coi đây là các trường chuyên của khối dân tộc nội trú. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị đáp ứng cho nhu cầu dạy và học, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh phát huy khả năng giảng dạy và học tập; thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa tại cơ sở. Tăng cường tuyên truyền, vận động học sinh trong độ tuổi đến trường, đi học đều; có các giải pháp quyết liệt chống bỏ học, phấn đấu không còn học sinh tiểu học bỏ học. Đổi mới phương pháp giáo dục đặc thù đối với các trường vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; chú trọng tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số...

Đối với giáo dục mũi nhọn, tiếp tục đầu tư xây dựng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2; huy động các nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, coi đây là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn ở thành phố, thị trấn và các xã vùng I. Phấn đấu 100% các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia trước năm 2020. Quan tâm, huy động, ưu tiên, lồng ghép các nguồn lực, trong đó tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị, đồ dùng giảng dạy, học tập theo hướng hiện đại là cơ sở cho sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng đầu vào, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và học sinh giỏi các cấp, coi trọng công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi.

Đại biểu Nguyễn Khánh Toàn  - Phó trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy:

6 nội dung để đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

Trong thời gian tới, để việc thực hiện Chỉ thị 03, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đạt mục đích, yêu cầu đề ra, toàn tỉnh cần tập trung thực hiện tốt 6 nội dung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên về sự cần thiết phải đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, làm cho cán bộ, đảng viên thấy rõ những kết quả đạt được trong thời gian qua mới chỉ là bước đầu. Việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng là quá trình đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải có ý chí, quyết tâm cao, phải vượt lên chính mình để thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện mới đạt được yêu cầu đề ra.

Hai là, có nội dung, hình thức, biện pháp gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và phải cụ thể, với mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng; xác định rõ kết quả đạt được trong từng thời gian, tránh chung chung, hình thức. Trong quá trình thực hiện, chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính; kết hợp giữa giáo dục, thuyết phục với biện pháp hành chính, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể vi phạm kỷ luật.
Ba là, nghiêm túc thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Việc nêu gương về đạo đức không phải là vận động, mà là những quy định ràng buộc trách nhiệm để cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện.

Bốn là, duy trì nghiêm túc chế độ sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình gắn với xây dựng, củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng. Cần xác định sâu sắc rằng, thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình được coi là giải pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng.

Năm  là, tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát nhằm thúc đẩy việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết, kịp thời phát hiện, uốn nắn những yếu kém, khuyết điểm, cổ vũ, động viên, biểu dương những tập thể, cá nhân tiên tiến, có cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng.
Sáu là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 03, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Đại biểu Trần Thế Hùng - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

7 giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Một là: Triển khai thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), đặc biệt là quy hoạch phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản một cách bền vững, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất tại các vùng hàng hóa tập trung theo hướng các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư, tỉnh hỗ trợ một phần đầu tư cơ sở hạ tầng tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã được quy hoạch và xác định.

Hai là: Kiện toàn hệ thống tổ chức ngành NN&PTNT trong thực hiện Đề án tái cơ cấu. Ngành sẽ phối hợp với các ngành có liên quan, tham mưu cho tỉnh thực hiện kiện toàn, sắp xếp hệ thống tổ chức ngành theo Thông tư liên tịch số 14 của Bộ NN&PTNT và Bộ Nội vụ; Thông tư số 15 của Bộ NNPTNT và thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.

Ba là: Đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh phát triển hình thức kinh tế tập thể, gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản không còn hợp tác xã nông nghiệp yếu kém, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Bốn là: Thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn. Thu hút tối đa nguồn lực đầu tư xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ năm 2016, từng bước giảm dần đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, tăng cường đầu tư hỗ trợ cho các dự án gắn với từng sản phẩm cụ thể để phát triển hàng hóa.

Năm là: Quan tâm nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp đối với trồng trọt; chăn nuôi; phát triển rừng và thuỷ sản.

Sáu là: Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu các thị trường, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm hàng hoá nông, lâm sản của tỉnh có khả năng xuất khẩu, như: Chè khô, gỗ chế biến, sản phẩm quế .... khuyến khích nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, áp dụng triệt để các tiêu chuẩn VietGAP, ISO.

Bảy là: Hỗ trợ nông dân kết nối với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm, hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và bán sản phẩm; kết nối công nghiệp phục vụ nông nghiệp với sản xuất nông nghiệp, liên kết “bốn nhà” trong sản xuất, tiêu thụ; khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng hiện đại, chế biến tinh, chế biến sâu; giảm dần và tiến tới hạn chế xuất khẩu nông sản thô.

Đại biểu Đỗ Văn Dự - Giám đốc  Sở Giao thông Vận tải:

Mục tiêu phát triển giao thông nông thôn những năm tới và những vùng cụ thể cần ưu tiên

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, trên cơ sở các nghị quyết của trung ương, của tỉnh; Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, Quy hoạch phát triển giao thông đã được phê duyệt, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đề ra mục tiêu phát triển hạ tầng GTVT giai đoạn 2016 - 2020 cụ thể như sau:

Đầu tư các công trình quan trọng kết nối các vùng trong tỉnh với các tỉnh lân cận và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, bao gồm: Đường nối tỉnh lộ 170 với Quốc lộ (QL) 70 và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối QL 70 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Khánh Hòa - Văn Yên); đường nối nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên; đường nối QL 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Nghĩa Lộ - Mậu A); đường nối QL 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Đông An - Gia Hội).

Ưu tiên đầu tư xây dựng mở mới và nâng cấp các tuyến giao thông nội thị, các công trình vượt sông, suối tại thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ, cụ thể: Tại thành phố Yên Bái đầu tư xây dựng cầu Tuần Quán, cầu Bách Lẫm, đường nối QL 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường nối QL 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nâng cấp các tuyến đường nội thị thành phố Yên Bái theo “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Yên Bái” sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Tại thị xã Nghĩa Lộ đầu tư xây dựng cầu Phù Nham, đường Thanh Niên kéo dài, đường vành đai suối Thia và các tuyến đường nội thị khác…

Tiếp tục đầu tư nâng cấp một số tuyến đường huyết mạch có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cụ thể: Quốc lộ 37 đoạn từ thành phố Yên Bái - dốc Đát Quang; Quốc lộ 32C đoạn từ xã Phúc Lộc - cầu Yên Bái; đường Âu Lâu - Đông An; đường Hợp Minh - Mỵ; đường Yên Thế - Vĩnh Kiên...

Ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục bổ sung và điều chỉnh cơ chế chính sách, đề án cho phù hợp với nguồn lực của tỉnh để đầu tư nâng cấp mạng lưới giao thông hiện có. Quan tâm đầu tư xây dựng một số tuyến đường giao thông trọng điểm để kết nối vùng tạo điều kiện giảm bớt khó khăn cho các xã vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh.

Tuấn Anh - Thanh Hương (thực hiện)    

Các tin khác

Ngày 30/10, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Dưới đây là toàn bộ nội dung Chương trình hành động:

Đảng bộ thành phố Yên Bái tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã thông qua các văn kiện quan trọng, xác định “5 phương hướng phát triển, 3 đột phá chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm” với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trên 3 trụ cột là kinh tế - xã hội - môi trường theo hướng "phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX diễn ra trong 3 ngày (22 - 24/9) tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Đây là sự kiện quan trọng quyết định hướng phát triển của tỉnh Yên Bái trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo. Báo Yên Bái điểm lại các hoạt động chính trong những ngày diễn ra Đại hội.

Ông Đỗ Đức Duy chia sẻ tâm huyết khi Yên Bái là tỉnh đầu tiên đưa “chỉ số hạnh phúc” vào nghị quyết. Theo ông, đây là điểm mới trong chiến lược phát triển của tỉnh nhiệm kỳ tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục