Tiếng nói từ Đại hội

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/10/2015 | 10:01:41 AM

YênBái - YBĐT - Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí/ Giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đó là những kỳ vọng mà các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XVIII hy vọng. YBĐT xin giới thiệu 2 ý kiến đó.

Đồng chí Nguyễn Văn Lịch - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTNLP) trong thời gian tới, tôi xin đề xuất 5 giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đấu tranh PCTNLP. Xác định công tác PCTNLP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, vừa cấp bách vừa lâu dài. Thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, sinh hoạt nội bộ; chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi TNLP ngay trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ TNLP. Làm rõ tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp, khó khăn của cuộc đấu tranh PCTN; làm rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và công dân đối với công tác đấu tranh PCTNLP, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTNLP gắn với việc học tập, làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay"; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương liêm chính, dũng cảm tố cáo, đấu tranh chống TNLP.

Ba là, tăng cường công khai, minh bạch trong việc xây dựng và thực hiện chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh, của các ngành, tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng cơ bản, tài chính, an sinh xã hội, các dự án đầu tư, mua sắm từ ngân sách Nhà nước, công tác tổ chức, cán bộ...; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động doanh nghiệp, quản lý xã hội, giải quyết công việc của các cơ quan, đơn vị và người dân, phòng chống tiêu cực, sách nhiễu.

Bốn là, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án TNLP; đề cao tính khách quan, chính xác của các kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra; đồng thời bảo đảm công lý trong công tác truy tố, xét xử. Thực hiện nghiêm túc các kết luận sau kiểm toán, thanh tra, kiểm tra; thu hồi tài sản và xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật người vi phạm.

Năm là, nâng cao vai trò giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND các cấp, các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong công tác PCTNLP, nhất là giám sát hoạt động của các cơ quan chuyên trách chống TNLP. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các tổ chức quần chúng, các cơ quan báo chí và mọi tầng lớp nhân dân trong PCTNLP.

Đồng chí Phan Văn Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh: Giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị 

Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 với mục tiêu chiến lược là: "Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN); hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao". Để đưa Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, tôi xin đề xuất 6 giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, đề nghị Đảng, Nhà nước sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hiến pháp 2013; đặc biệt là các bộ luật quy định và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chế độ xã hội chủ nghĩa… như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, các bộ luật tố tụng tư pháp.

Hai là, tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ có chức danh tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng như: điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, thư ký tòa án đủ về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng; trong đó cần tập trung vào xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xét xử,  là khâu cuối, là khâu quyết định của hoạt động tư pháp; cần bồi dưỡng, đào tạo, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ tòa án vững vàng về chính trị, thành thạo về chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tâm phục vụ nhân dân, quyết tâm bảo vệ công lý.

Ba là, quán triệt và thực hiện tốt các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014, trong đó cần đặc biệt lưu ý nguyên tắc suy đoán vô tội ở tất cả các khâu từ điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm người bị tình nghi, bị can, bị cáo được coi là không có tội cho đến khi tội phạm được chứng minh theo trình tự, thủ tục luật định và phải có bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật. Không ngừng quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng tranh tụng ở tất cả các phiên tòa, bảo đảm mọi phán quyết của tòa án phải dựa trên kết quả tranh luận tại phiên tòa để ra bản án khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.

Bốn là, đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động, từng bước hoàn thiện bộ máy của các cơ quan bổ trợ tư pháp nhất là các tổ chức giám định, giám định viên, đội ngũ luật sư, công chứng viên, tư vấn pháp luật; xây dựng hệ thống các cơ quan bổ trợ và đội ngũ cán bộ bổ trợ tư pháp hiện đại, hoạt động công tâm, khách quan, có năng lực tranh tụng để làm sáng tỏ và cung cấp cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án những tài liệu, chứng cứ khách quan, trung thực làm căn cứ giải quyết các vụ án, vụ việc công bằng, đúng pháp luật.

Năm là, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Đề nghị Nhà nước ưu tiên đầu tư cấp kinh phí xây dựng cơ bản và hoạt động thường xuyên của các cơ quan tư pháp; cấp ủy, chính quyền địa phương có sự hỗ trợ kịp thời nhất là đối với hoạt động xét xử của tòa án theo yêu cầu của cải cách tư pháp và yêu cầu xét xử lưu động, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.

Sáu là, cải cách tư pháp cần được tiến hành đồng bộ giữa các cơ quan tư pháp, các cơ quan có hoạt động tư pháp với các cơ quan hành chính Nhà nước; giữa xây dựng bộ máy với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, bảo đảm có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền năng Nhà nước ở địa phương.

Cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng;  bảo đảm sự ổn định về chính trị, tất cả vì mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, bảo vệ Đảng, chế độ XHCN, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

P.V Xây dựng Đảng - Nội chính (Thực hiện)

Các tin khác

Ngày 30/10, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Dưới đây là toàn bộ nội dung Chương trình hành động:

Đảng bộ thành phố Yên Bái tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã thông qua các văn kiện quan trọng, xác định “5 phương hướng phát triển, 3 đột phá chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm” với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trên 3 trụ cột là kinh tế - xã hội - môi trường theo hướng "phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX diễn ra trong 3 ngày (22 - 24/9) tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Đây là sự kiện quan trọng quyết định hướng phát triển của tỉnh Yên Bái trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo. Báo Yên Bái điểm lại các hoạt động chính trong những ngày diễn ra Đại hội.

Ông Đỗ Đức Duy chia sẻ tâm huyết khi Yên Bái là tỉnh đầu tiên đưa “chỉ số hạnh phúc” vào nghị quyết. Theo ông, đây là điểm mới trong chiến lược phát triển của tỉnh nhiệm kỳ tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục