Ẩm thực miềnTây

  • Cập nhật: Thứ bảy, 21/1/2012 | 5:00:58 PM

YBĐT - Mường Lò, mảnh đất phía Tây của tỉnh Yên Bái - nơi được coi là cái nôi của nền văn hóa cộng đồng người Thái đen và người Thái trắng. Nơi đây còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào mà ẩm thực là nét văn hóa được người Thái coi trọng trong dịp lễ tết.

Đang tải video về hoặc trình duyệt không hỗ trợ

Một trong những món ăn ưa chuộng và được người Thái Mường Lò dùng nhiều nhất trong dịp Tết Nguyên đán là những món ăn được chế biến từ thịt lợn. Món ăn đầu tiên phải kể đến là món thịt lợn nướng trên than hồng.

Thịt sấy hay còn gọi là thịt hun khói là món ăn quanh năm của đồng bào dân tộc Thái. Tuy vậy, những ngày lễ, tết mới thực sự là quãng thời gian món ăn này được làm nhiều nhất. Làm món này người ta để thịt lợn cả miếng to ướp tẩm gia vị rượu gạo, gừng, hạt sẻn... Khi đã ngấm gia vị thịt được buộc lạt treo lên gác bếp để hong khói, sau khoảng 2-3 tháng là có thể ăn được. Khi ăn, người ta phải chế biến lại một lần nữa bằng cách nướng trên bếp than củi hoặc vùi trong tro bếp nóng, sau đó dùng chày gỗ đập dập, xé tơi nhỏ.

Hấp dẫn và cũng đặc biệt không kém là món lạp sườn, món này phổ biến không chỉ với người Thái mà với các dân tộc khác đều có, song với người Thái món lạp sườn có phần khác biệt hơn một chút trong cách chế biến. Người Thái cho rằng món lạp sườn ngon là khi ăn phải có chút mùi khói.
TNổi tiếng như một sản vật đấy là thịt trâu khô. Để chế biến món này nguyên liệu phải là thịt từ bắp của trâu nhà thả rông trên các nương đồi, sườn núi. Thịt trâu sau khi mổ được làm sạch, sẽ, lọc các thớ thịt ra thành từng miếng có chiều rộng khoảng 7- 8 cm, chiều dài khoảng 15 cm và dày khoảng 2-3 cm, dần cho thật mềm rồi băm nhỏ sả, gừng, tỏi, ớt, hạt mắc khén giã nhỏ trộn đều, ướp thịt trâu với hỗn hợp gia vị đó sao cho vừa đủ.

Thời gian ướp khoảng 2- 3 tiếng, sau đó buộc lạt treo lên gác bếp để hong khói, dần dần thịt sẽ khô, chín do sức nóng của gia vị tẩm ướp và của khói bếp củi quanh năm đỏ lửa, sau một khoảng thời gian chừng 2- 3 tháng thì ăn được. Khi ăn, món ăn này phải chế biến lại một lần nữa bằng cách nướng trên bếp than củi hoặc vùi trong bếp tro nóng, sau đó dùng chày gỗ đập dập, xé tơi nhỏ chấm với nước mắm pha chanh, tỏi, ớt, đường hoặc tương ớt tuỳ theo sở thích.

Ngoài những món ăn kể trên, ngày lễ, tết của người Thái còn rất nhiều món khác như: cá nướng, gỏi thịt lợn, bánh gio, thịt muối chua, xôi ngũ sắc... Đó đều là những món ăn rất độc đáo, mỗi món có vị ngon riêng nhưng tựu chung lại đều phản ánh sự đa dạng tinh tế trong phong cách ẩm thực ngày tết của người Thái vùng Mường Lò.

Ai đã từng đến Mường Lò, một vùng đất phì nhiêu, trù phú, nơi có cánh đồng bằng phẳng, thẳng cánh cò bay rộng thứ hai khu vực Tây Bắc, nổi tiếng với “gạo trắng, nước trong”, cùng thưởng thức với gia chủ những món ăn đặc sắc của đồng bào Thái trong dịp lễ tết để rồi say nồng bên chén rượu ngày xuân và vui cùng điệu khắp điệu xòe, hẳn sẽ còn lưu luyến mãi.

Thanh Tân

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
TIN MEDIA