Nông dân cần có “tư duy sạch”

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/10/2016 | 2:12:30 PM

YBĐT - Hơn ba chục năm gắn bó với ngành nông nghiệp, chị mang không ít nỗi niềm, trăn trở, buồn vui... cùng người nông dân. Chị nói rằng, cả đơn vị chỉ có năm biên chế, phụ trách một địa bàn trọng điểm và rộng lớn nên từ “tướng” tới “quân” luôn bám cơ sở, chẳng mấy lúc ngồi văn phòng.

Đơn vị chị hiện đóng vai trò một "mắt xích” thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh hại trong đề án sản xuất rau an toàn của địa phương. Được cung ứng rau sạch hàng ngày đang là một đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng bởi tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm trở nên phổ biến. Khó khăn nhiều khi triển khai đề án, nhất là đưa đề án trở thành hiện thực chứ không nằm trên giấy tờ.

Đó là chưa kể sản phẩm rau sạch có thể đến được bàn ăn của mỗi gia đình còn cần sự phối hợp trách nhiệm của các cấp, các ngành chức năng liên quan bảo đảm thực hiện quy trình khép kín từ khâu sản xuất tới tiêu thụ. Giúp người dân yên tâm sản xuất, chính quyền các địa phương nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, ký hợp đồng với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra. Yếu tố này hết sức quan trọng bởi quyết định sự gắn bó lâu dài của người nông dân với cây rau.

"Đừng ai mặc cả một mớ rau của người nông dân!” - mong muốn của chị không chỉ đơn thuần ở góc độ thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của nhà nông làm ra cây rau sạch của một người công tác trong ngành nông nghiệp mà còn có cả sự chia sẻ của một người tiêu dùng cũng trồng dăm ba luống rau vườn nhà. Có sản phẩm sạch, người trồng rau chỉ mong bán hết hàng, được giá.

Được giá tức là có đồng lãi để có thể trang trải các chi phí cuộc sống, để có thể tiếp tục quay vòng đầu tư sản xuất. Chưa nói tới các yếu tố tác động đến việc sản xuất rau sạch, chị ngậm ngùi kể lại một câu chuyện cũng chính từ vấn đề "được giá”. Cách đây vài năm, đơn vị chị tham gia một dự án sản xuất nông nghiệp sạch phục vụ thị trường xuất khẩu của địa phương. Địa phương kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp hỗ trợ người dân giống, phân bón, kỹ thuật và chính quyền cơ sở phối hợp triển khai thực hiện dự án.

Dự án có thể gọi là thành công khi sản phẩm cho năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Thế nhưng, đã có một số người dân vùng dự án không nghiêm túc thực hiện các quy định trong hợp đồng với doanh nghiệp. Cụ thể là, họ sẵn sàng bán sản phẩm cho các tư thương khác khi được trả giá cao hơn. Ham lợi nhỏ trước mắt, bỏ ổn định lâu dài, thiếu tôn trọng đối tác, những người đó đã làm ảnh hưởng đến những nông hộ khác tuân thủ đúng quy định và đánh mất lòng tin của doanh nghiệp đầu tư.

"Chúng tôi đã cùng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động bà con chấp hành đúng quy định. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vốn đã lắm rủi ro, đến ngày "hái quả” thì bị "nẫng trên” ngay trước mặt, ai chịu cho nổi...” - chị giãi bày.

Bài học kinh nghiệm chưa xa, trông vào thực tế vùng sản xuất rau sạch hôm nay và tương lai lâu dài vẫn còn nguyên tính thời sự, rất đáng quan tâm. Chữ "tín” trong sản xuất, kinh doanh luôn quý hơn vàng. Để đề án sản xuất rau sạch của địa phương chị thành công như mong đợi, hướng đến tính chuyên nghiệp, người nông dân cũng cần phải có "tư duy sạch”: hợp tác nghiêm túc, tôn trọng đối tác, hài hòa lợi ích các bên, cùng nhau phát triển bền vững. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức về vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế mạnh mẽ.

Nguyễn Thơm

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
TIN MEDIA