Mê mải sắc hoa Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ bảy, 21/1/2017 | 3:41:55 PM

YBĐT - Không phải những mâm xôi vàng, xanh kì vĩ gọi mời mà chính là những mùa hoa trắng, hồng đã khiến tôi mê mải, ngây ngất, đắm chìm một vẻ đẹp khác nơi cao nguyên xứ Mù Cang Chải.

Rừng La Pán Tẩn mùa hoa tớ dảy.
(Ảnh: Lê Trung Kiên)
Rừng La Pán Tẩn mùa hoa tớ dảy. (Ảnh: Lê Trung Kiên)

Ngẩn ngơ tớ dảy

Quá đông, chạm xuân, tôi lạc giữa đất trời Mù Cang mà nghe rét mướt vùng cao còn ngọt lắm. Đâu đó, sương núi vẫn chùng chình giăng mắc những vạt cây. Bất chợt trong hơi rét ngòn ngọt còn vương rớt ngày đã sang mùa gặp những sắc hồng xuyết giữa nền xanh xanh cây lá, nơi vạt rừng, trước nếp nhà người Mông giản dị, bên con đường núi nhỏ quanh. Tôi biết, không gì khác, chính là tớ dảy đấy, đã chúm chím hồng nụ gọi mùa mà như vẫn còn chút e ấp, ngại ngùng trước xuân. Dẫu chỉ bấy nhiêu thôi, đã nghe hơi xuân len lỏi trong mạch nguồn xứ núi để rồi chẳng bao lâu sau, đất trời Mù Cang bừng lên rực rỡ, miên man những sắc hồng tớ dảy, chính thức gọi xuân về.

Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xu Pình… những vạt rừng đâu đó rực rỡ sắc hoa nhưng La Pán Tẩn mùa tớ dảy đơm bông có lẽ là vạt rừng đẹp nhất Mù Cang Chải và cứ gọi là ngẩn ngơ lòng người chiêm ngưỡng. Hồng rực một góc trời, như một bức tranh với gam hồng chủ đạo dưới nét vẽ của người hoạ sĩ tài hoa phết vào giữa khoảng xanh mênh mang - còn gì thỏa lòng hơn một lần được mãn nhãn.

Xuân vùng cao là đây chứ đâu. Rõ ràng từng đường nét nơi mỗi cánh hoa mỏng mảnh, tươi xinh trên những sắc hồng, trút bỏ hoàn toàn lớp áo u buồn rét mướt nhiều ngày đông trước đó, xua tan đi vẻ tĩnh lặng, u tịch sẵn có của miền sơn cước, gọi về những ấm áp, sinh sôi.

Chút hoang dại, mạnh mẽ núi rừng hiện hữu nơi gốc cành cứng cỏi; chút mỏng mảnh, dịu dàng đượm đọng nơi cánh hoa mườn mượt hơi sương, đòng đưa với gió ngàn, khác nào em gái Mông vừa rắn rỏi như núi như rừng, vừa e ấp, dịu dàng đầy nữ tính. Tớ dảy - cái loài cây sinh ra từ rừng, rồi lại trả cho rừng những mùa xuân rạo rực.

"Chưa thấy tớ dảy chưa thấy xuân vùng cao. Chưa qua La Pán Tẩn mùa tớ dảy đơm bông như chưa biết xuân Mù Cang Chải" - lời quả quyết hôm nào của nhiếp ảnh trẻ Lê Trung Kiên - một người gắn bó sâu nặng với đất và người Mù Cang Chải quả không sai khi tôi được tự mình thu vào đáy mắt cả bức tranh hồng sắc ấy. Mới hiểu, những cung đường xuân Tây Bắc như thế sao cứ mê hoặc lòng người không cưỡng nổi. 

Ngỡ ngàng sơn tra

"Sơn tra vào mùa hoa rồi đấy, đẹp mê hồn mà cũng ngắn ngày lắm, bỏ lỡ là tiếc đầy mình cho coi" - lời nhắn nhủ gặp gỡ một mùa hoa của Kiên đã vào thời điểm, không đi là sẽ tiếc đầy mình chắc không sai. Giữa tháng Ba, tôi vất vả lên với bản làng người Mông Mù Cang  Chải cao trên 2.000 m ở Nậm Có. Xa và cao ngất nhưng rồi Lùng Cúng, Pình Ngài đợi tôi trong ngỡ ngàng mùa hoa tu di theo tên gọi của người Mông mà thấy bõ lòng cho công sức tìm nhau.

Giữa hùng vĩ và xanh thắm núi rừng, thật sự ngỡ ngàng trước bạt ngàn một sắc trắng khắp sườn non. Cả cánh rừng sơn tra đương độ hoa bung nở nuột nà, trắng ngần như tuyết phủ sớm mai. Bao lâu nay có lạ gì sơn tra - cái thứ sản vật đặc trưng của xứ này nhưng hoa sơn tra thì kì thực lần đầu tôi chiêm ngưỡng.

Từng cánh hoa trắng muốt riêng lẻ nhẹ dịu mà cả chùm hoa bung xỏa sao đằm sắc tinh khôi, cảm rõ trong hoang dại núi rừng một điều gì đó giản đơn mà tao khiết, như chân chất, mộc mạc mà trân quý vô cùng bản tính, tấm lòng người Mông xứ núi.

Mê mải một sắc trắng, nhẹ hít hà chút hương thoảng trong gió rừng, nghe re re tiếng đập cánh của lũ ong tìm đến cái màu vàng nhụy hoa để dâng đời thứ mật ong đượm vị phấn hoa tu di ngọt thơm chỉ có ở miền sơn cước này mà thấy lòng thênh thang lạ. Càng mê mải sắc trắng sơn tra lại càng phải vội vàng níu giữ từng khoảnh khắc, phút giây bởi vòng đời hoa ngắn ngủi lắm, để rồi sớm khép lại, cho sơn tra vào mùa sai quả.

Cứ tìm đi, cứ gặp gỡ đi những trắng, hồng Mù Cang để rồi sẽ thấy "phải lòng" mảnh đất này từ những mùa hoa giữa mênh mang xanh rừng núi.

Thu Hạnh

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục